Thúy Nga - Paris By Night Encyclopedia
Advertisement
Thúy Nga - Paris By Night Encyclopedia

Xuân Tiên là một trong những nhạc sĩ thuộc thế hệ đầu của nền tân nhạc Việt Nam, cùng với Phạm Duy, Châu Kỳ và Văn Cao, và là một trong những nhạc sĩ người Việt sống thọ nhất từ trước đến nay.

Tiểu sử[]

Phạm Xuân Tiên sinh ngày 28 tháng 1 năm 1921 tại Hà Nội, trong gia đình có 6 anh em trai, người anh kế của ông chính là nhạc sĩ Xuân Lôi (sinh ngày 17 tháng 10 năm 1917) nổi tiếng với ca khúc Nhạt Nắng sáng tác chung với Y Vân.

Cha của ông từng có thời gian qua Trung Quốc để học một số nhạc cụ cổ truyền Trung Hoa, giống với nhạc cụ của Việt Nam nhưng khác một chút về âm điệu, sau đó về lại Việt Nam dạy nhạc ở hội Khai Trí Tiến Đức của Phạm Quỳnh (cha của nhạc sĩ Phạm Tuyên) và Phạm Duy Tốn (cha của nhạc sĩ Phạm Duy). Từ năm 6 tuổi, nhạc sĩ Xuân Tiên đã được cha dạy về nhạc cụ cổ truyền, nhưng chỉ là học về âm điệu, còn lại thì đa phần là do ông mày mò tự học, đầu tiên là đàn mandoline.

Tuy biết đàn nhưng ban đầu nhạc sĩ Xuân Tiên vẫn không biết nốt, nhờ có anh cả là Xuân Thư tốt nghiệp Viễn Đông Nhạc Viện của Pháp ở Hà Nội nên đã hướng dẫn căn bản cho ông về ký âm pháp, sau đó ông mua tờ nhạc của Pháp về tự nghiên cứu thêm về ký âm. Lớn hơn một chút, nhạc sĩ Xuân Tiên mua kèn saxo cũ về tự học, và đó trở thành nhạc cụ mà ông yêu thích và chơi thành thạo nhất. Thời điểm đó hầu như không có người Việt Nam chơi saxo, ngoại trừ một số ít người Pháp chơi trong ban nhạc. Không có người để theo học hỏi, thầy dạy người Pháp thì học phí quá đắt, nên ông lại chủ yếu tự mày mò để học.

Có một thời gian vào thập niên 1930, anh cả Xuân Thư của ông vào Huế để lấy vợ là một khuê nữ hoàng tộc, Xuân Tiên đã theo vào sống một thời gian. Nhân lúc này có gánh hát cải lương Phụng Hảo danh tiếng của miền Nam ra Hà Nội diễn đi ngang qua Huế, Xuân Tiên đi xem và thấy trong đoàn hát có một ban nhạc người Phi Luật Tân (Philippines) có người thổi kèn saxophone, ông liền xin theo gánh hát, tham gia ban nhạc, mà chủ yếu là để theo học lỏm môn kèn saxophone, chỉ bằng cách nhìn và bắt chước theo. Được một thời gian, gánh hát trở lại vào Nam, ông vào theo được ít tháng thì trở lại ra Hà Nội tham gia gánh cải lương Tố Như năm 1940. Cũng trong năm này, ông kết hôn và sống chung với nhau cho đến tận bây giờ.

Cuối năm 1942, nhạc sĩ Xuân Tiên cùng anh trai là nhạc sĩ Xuân Lôi theo gánh hát Tố Như vào miền Nam trình diễn ở Sài Gòn và lục tỉnh. Trong quá trình đi trình diễn nhạc và sinh sống ở nhiều miền, ông đã thu thập được kiến thức về các loại hình nhạc của các miền khác, có điều kiện tìm hiểu và nghiên cứu thêm âm nhạc cổ truyền của các vùng miền. Từ năm 1942 đến 1946, ông trở về Hà Nội và chơi nhạc trong các ban ở vũ trường đang mọc lên rất nhiều. Tới năm 1946, trong thời gian đi tản cư, Xuân Tiên và anh trai Xuân Lôi lập ban nhạc Lôi Tiên đi diễn lưu động và đàn cho gánh cải lương Bích Hợp.

Từ năm 1949 tới 1950, hai anh em lên tận vùng Thái Nguyên nhập vào ban văn hoá vụ với trưởng ban là Hoài Thanh. Ông có dịp gặp gỡ các văn nghệ sĩ nổi tiếng thời bấy giờ như: Phan Khôi, Tố Hữu, Thế Lữ, Văn Cao, Canh Thân, Lê Hoàng Long, Quốc Vũ, Nguyễn Tuân. Năm 1951, hai anh em ông đi Nam Ðịnh làm việc ở dancing Văn Hoa. Ít lâu sau với một thành phần 12 nhạc sĩ, ông cùng họ làm việc tại nhà hàng Le Coq d’Or. Năm 1952, một người bạn cũ của Xuân Tiên là nhạc sĩ Ngọc Bích vào Nam, sau đó viết thư gửi ngược lại cho Xuân Tiên mời vào Sài Gòn tham gia chung ban nhạc đang cần người ở Cinema Văn Cầm. Từ năm đó, các anh em của ông lần lượt vào Nam sinh sống. Năm 1954, hiệp định Genève chia đất nước thành hai miền Nam - Bắc, khiến cha mẹ và anh cả Xuân Thư phải ở lại miền Bắc.

Bài hát đầu tiên của nhạc sĩ Xuân Tiên được phát hành là tại Sài Gòn, đó là bài Chờ Một Kiếp Mai, do Ngọc Bích viết lời. Tuy nhiên sáng tác chỉ là công việc phụ nên ông sáng tác không nhiều, mà công việc chính là tham gia trong nhiều ban nhạc và làm việc cho tất cả các đài phát thanh tại Sài Gòn, chơi nhạc cho các hãng phát hành băng và đĩa hát, đến đêm thì đến chơi nhạc tại các vũ trường cho đến năm 1975. Ông là trưởng ban nhạc tại các phòng trà – vũ trường là Kim Sơn, Văn Cảnh, Blue Diamond, Eden Rock, Mỹ Phụng, Palace Hotel, Bách Hỷ, Tour d’Ivoire, Đại Kim Đô, Maxim’s.

Được biết, nhạc sĩ Xuân Tiên cũng đã từng đi lưu diễn ở nước ngoài, trước cả khi nữ ca sĩ Bạch Yến ra nước ngoài vào năm 1961 - năm 1955, nhạc sĩ sang Lào dự hội chợ That Luang, cùng đi và cùng biểu diễn chung với ban nhạc của Mỹ. Năm 1956, ông qua Thái Lan trình diễn nhạc tại đài phát thanh Bangkok, năm năm sau ông lại đi Phi Luật Tân biểu diễn tại trường đại học Manila.

Tuy sáng tác không nhiều nhưng các ca khúc của nhạc sĩ Xuân Tiên rất đa dạng và có nhiều bài nổi tiếng, đặc biệt là đều mang đậm đậm chất dân tộc, những làn điệu của quê hương. Bài hát nổi tiếng có âm điệu xứ Bắc của ông là Duyên Tình, Khúc Hát Ân Tình, còn làn điệu âm hưởng dân ca Nam Bộ có Cùng Một Mái NhàKhúc Hát Đồng Xanh. Nhạc âm hưởng Huế có các ca khúc Mong ChờTiếng Hát Trong Sương. Ngoài ra ông còn có ca khúc nổi tiếng Hận Đồ Bàn mang hơi thở của dân Chàm vùng Nam Trung Bộ, vốn được ông sáng tác sau khi đã nghiên cứu sâu về văn hóa của người Chăm trong một lần đi qua Bình Định.

Sau năm 1975, nhạc sĩ Xuân Tiên ở lại Việt Nam một thời gian và cộng tác với nhiều ban cải lương khác nhau. Năm 1986, gia đình ông được qua Úc định cư. Mười năm đầu nhạc sĩ Xuân Tiên sống tại Canberra, được ban nhạc người Úc mời chơi nhạc tại các club. Được một thời gian ngắn sau, ông nghỉ và ở nhà nhận sửa chữa tất cả các loại kèn sáo, khách hàng là các trường học, trường nhạc, các ban nhạc tư nhân. Nghề này không có trường dạy ở Úc, mà nhờ Xuân Tiên phải tự sửa những nhạc cụ của mình trong bao nhiêu năm theo nghề nhạc mà thành thạo và có kinh nghiệm. Làm được 10 năm thì ông dọn về Sydney mà nghỉ hưu từ đó đến nay. Năm 1997, tập thơ Trên Kiếp Hoa của nhạc sĩ được nhà xuất bản Ba Vì in ở Canada và tập nhạc Duyên Tình được xuất bản năm 2000 gồm toàn bộ các sáng tác của ông trước năm 1975.

Gia đình Xuân Tiên sau khi di cư vào Sài Gòn có thể gọi là một đại gia đình, với 2 vợ chồng, mẹ vợ, 8 người con, ngoài ra ông còn nhận nuôi 4 người cháu ruột (con của người anh thứ 2) và 2 người làm, tổng cộng 17 người, một tay Xuân Tiên làm việc để chu toàn cho tất cả bằng sức lao động hăng say và miệt mài, bằng tài năng và cố công nghiên cứu trau dồi kiến thức. Nhạc sĩ có nói rằng ông có quan niêm có tiền là để xài cho thoải mái đời sống, cho nên ông không bao giờ giàu, cũng không bao giờ mang tiếng keo kiệt. Bao giờ cũng sung túc, nhưng không bao giờ lo lắng giữ của. Tới bây giờ ông càng cảm thấy thoải mái, không phải là một thứ gì trong đời sống. Có lẽ là vì sự thoải mái trong suy nghĩ đó là một phần bí quyết cho sự trường thọ của ông.

Năm 2006, ông được trung tâm Thúy Nga mời thực hiện chương trình Paris By Night 83 - Những Khúc Hát Ân Tình cùng với hai nhạc sĩ hậu bối là Thanh SơnNguyễn Ánh 9 - năm ấy ông đã 85 tuổi, trở thành người lớn tuổi thứ nhì xuất hiện lần đầu trên sân khấu Paris By Night (trước đó là nhạc sĩ Lữ Liên xuất hiện trong PBN 81 khi đã 89 tuổi). Trong phần trình diễn ca khúc Mong Chờ do Hoàng Oanh thể hiện, ông đã chơi sáo. Từ khi nghỉ hưu, vị nhạc sĩ lão thành đã và đang được chăm sóc tại nhà dưỡng lão AVACS - đây là nhà dưỡng lão người Việt đầu tiên tại New South Wales, nơi có nhân viên nói tiếng Việt và phục vụ thức ăn Việt cho các vị cao niên người Việt và những cộng đồng Châu Á khác trong đó có nữ ca sĩ Hương Thuỷ và nam ca sĩ Huỳnh Phi Tiễn đã có dịp ghé thăm một lần.[1]

Năm 2019, khi nhạc sĩ đã bước sang tuổi 98 được gần sáu tháng, ông xuất hiện trên chương trình The Jimmy Show của đài truyền hình Saigon Entertainment Television có trụ sở tại California, Mỹ. Vào thời điểm ông lên hình, đầu óc ông vẫn còn minh mẫn và ông nói chuyện bình thường. Chín ngày trước khi ông chính thức trở thành một centenarian (từ tiếng Anh chỉ những người sống thọ từ 100 tuổi trở lên), Xuân Tiên được dân biểu Chris Hayes đại diện cho nước Úc gửi thư chúc mừng thượng thọ ông. Ngày 29 tháng 1 năm 2021, Xuân Tiên tham gia buổi video call với đại diện Ban chấp hành Cộng đồng Người Việt tại New South Wales nhân dịp sinh nhật thứ 100 của ông.[2] Ngày 18 tháng 6 cùng năm, phu nhân của Xuân Tiên là bà Hoàng Thị Hương qua đời, hưởng đại thọ tròn 100 tuổi.[3] Trong thời gian ông bước sang tuổi 101, Xuân Tiên đã gửi bản nhạc Tình Trong Mơ cho trung tâm Thúy Nga và nó đã được Trần Thái Hòa thực hiện.[4]

Ngày 2 tháng 6 năm 2023 theo giờ địa phương, nhạc sĩ Xuân Tiên trút hơi thở cuối cùng một cách nhẹ nhàng vào lúc 4 giờ sáng tại viện dưỡng lão AVACS nơi ông đã dành phần đời còn lại an dưỡng tuổi già, hơn bốn tháng sau khi bước sang tuổi 102. Trong lần livestream cùng ngày, nam ca sĩ Trần Thái Hòa khẳng định nhạc sĩ đã sáng tác nhạc phẩm cuối cùng là Tình Trong Mơ cách đó một thời gian nhưng chưa có cơ hội được ra mắt khán - thính giả.[5] Cũng vào ngày 2 tháng 6 theo giờ California, Trần Nhật Phong đưa tin về việc hệ thống tuyên truyền của cộng sản Việt Nam cấm các cơ quan truyền thông trong nước đưa tin về sự ra đi của cố nhạc sĩ.[6] Trong ngày tiếp theo, trung tâm Thúy Nga đăng tải trên YouTube một collection gồm 9 phần trình diễn các nhạc phẩm của ông trong các chương trình Paris By Night để tưởng nhớ ông.[7] Tang lễ của cố nhạc sĩ được cử hành vào ngày 8 tháng 6 cùng năm.

Khả năng đặc biệt[]

Sử dụng nhạc cụ[]

Nhạc sĩ Xuân Tiên có thể chơi được nhiều loại nhạc cụ khác nhau, tổng cộng là 25 loại nhạc cụ thuộc nhiều bộ khác nhau ở cả phương Đông lẫn phương Tây, trong đó có nhiều nhạc cụ cổ truyền của Việt Nam, Thái Lan, Lào và Campuchia - ông chỉ kém hơn nhạc sĩ Xuân Lôi về số nhạc cụ có thể chơi khi Xuân Lôi có thể chơi được tới 27 nhạc cụ. Ngoài ra, ông còn có một số thành tích đáng kể trong việc cải tiến nhạc cụ, bao gồm:

  • Năm 1950, ông cải tiến cây sáo tre từ 6 lỗ thành một cây sáo có 10 hoặc 13 lỗ cùng với anh trai là nhạc sĩ Xuân Lôi.
  • Năm 1976, ông chế tạo đàn 60 dây có thể chơi được mọi âm giai, là phiên bản "âm thanh mạnh và chắc hơn" của đàn tranh cổ điển vốn chỉ có 36 dây.
  • Năm 1980, ông cải tiến cây đàn bầu thân đàn làm từ trái bầu dài làm hộp khuếch âm, và cây đàn bầu cải tiến này được gọi là đàn bầu Xuân Tiên.

Sáng tác nhạc[]

Nhạc sĩ Xuân Tiên có thể sáng tác nhạc, dù không nhiều tác phẩm nhưng chúng rất đa dạng và có nhiều bài nổi tiếng, đặc biệt là đều mang đậm đậm chất dân tộc, những làn điệu của quê hương.

Sức khỏe[]

Thời trẻ, Xuân Tiên cùng các anh em đều chăm chỉ tập luyện thể thao và có thân hình lực lưỡng. Vì siêng năng luyện tập, đặc biệt là vật tay, nhạc sĩ Xuân Tiên lúc đó đi diễn thường xuyên thách đấu vật tay với dân địa phương, đều thắng cả. Sau này, có một võ sĩ Trung Quốc sang Việt Nam thấy vậy cũng thi với Xuân Tiên, thì sau đó Xuân Tiên cũng thắng nốt. Ở tuổi ngoài 90, ông vẫn duy trì thói quen tập luyện thể thao hàng ngày để duy trì sức khỏe, và đó là lý do quan trọng giúp ông sống tới tuổi 100.

Ngoài ra, ông còn biết thực hiện võ Việt Nam và quyền Anh từ khi còn trẻ. Sức khỏe tinh thần ổn định của ông cũng là nhân tố chính giúp ông có thể sống đến tuổi 100.

Di sản để lại[]

Nhạc sĩ Xuân Tiên đã để lại cho hậu thế phát minh lớn nhất là sáo trúc 10 hoặc 13 lỗ, đàn tranh 60 dây và đàn bầu có hộp khuếch âm dài được gọi theo tên của ông, cùng với hơn 50 ca khúc mà chủ yếu mang âm hưởng của nhạc quê hương và tình yêu đất nước, con người Việt Nam cũng như cuộc sống tại miền Nam Việt Nam trước năm 1975, bao gồm:

  • Chờ Anh Bên Đồi
  • Chờ Anh Em Nhé (sáng tác với Nhật Bằng)
  • Chờ Một Kiếp Mai (sáng tác với Ngọc Bích)
  • Cung Sầu
  • Cùng Một Mái Nhà
  • Dâng Nắng
  • Duyên Tình (nhạc: Xuân Tiên, lời: Y Vân)
  • Đất Việt
  • Đêm Trăng Mơ
  • Đón Mùa Xuân Mới
  • Đường Đi Lối Về (nhạc: Xuân Tiên, lời: Y Vân)
  • Đường Lên Non
  • Giọt Lệ Sông Hương
  • Hận Đồ Bàn
  • Hoài Vọng
  • Hồn Tha Hương
  • Lòng Người Xa Quê
  • Lửa Ấm
  • Lửa Rừng (nhạc: Xuân Tiên, lời: Thanh Nam)
  • Khói Mây
  • Khúc Hát Ân Tình/Tình Bắc Duyên Nam (nhạc: Xuân Tiên, lời: Song Hương)
  • Khúc Hoan Ca
  • Khúc Nhạc Đồng Xanh
  • Mây Chiều
  • Mong Chờ
  • Mộng Vàng
  • Mơ Bóng Người Xưa
  • Mùa Lá Vàng
  • Ngát Hương Thanh Bình
  • Ngày Đầu Năm
  • Ngõ Xưa
  • Nguồn Sống Bao La
  • Nhắn Mây
  • Nhịp Sống Vui
  • Những Người Tôi Thương
  • Sầu Thu
  • Tiếng Bình Minh
  • Tiếng Hát Đường Xa
  • Tiếng Hát Trong Sương
  • Tiếng Trống Trong Rừng Sâu
  • Tiếng Vọng Tâm Hồn
  • Tìm Trăng Đô Thị
  • Tình Trong Mơ (nhạc phẩm cuối cùng)
  • Tình Và Gió
  • Tình Viễn Khơi
  • Trăm Năm Hạnh Phúc
  • Trăng Khuya (nhạc: Xuân Tiên, lời: Y Vân)
  • Trên Kiếp Hoa
  • Trung Thu
  • Vần Thương
  • Về Dưới Mái Nhà (nhạc: Xuân Tiên, lời: Y Vân)
  • Xa Quê Hương (sáng tác với Đan Thọ)
  • Xuân Muôn Thuở
  • Xuân Qua
  • Xuân Tự Do

Ngoài ra, Xuân Tiên cũng được biết đến là người đã viết phần tân nhạc cho những tuồng cải lương nổi tiếng, cùng với Đức Phú, Trần Trịnh (tác giả của ca khúc Lệ Đá) và Bảo Thu (tác giả ca khúc Nếu Xuân Này Vắng Anh).[8]

Xuất hiện trong các chương trình Paris By Night[]

Nhạc sĩ Xuân Tiên xuất hiện lần đầu và cũng là lần cuối trong Paris By Night 83 - Những Khúc Hát Ân Tình. Ngoài ra, ông đã thổi sáo trong ca khúc Mong Chờ do nữ ca sĩ Hoàng Oanh thể hiện.

Xem những lần Xuân Tiên được phỏng vấn trong PBN 83 tại đây.

Những lần nhạc của Xuân Tiên được sử dụng trong các chương trình Paris By Night[]

STT PBN số Tên phần trình diễn Ca sĩ thể hiện Ghi chú
1 16 Duyên Tình Hương Lan Lần đầu tiên nhạc của Xuân Tiên được sử dụng trong các chương trình Paris By Night.
2 75 Hận Đồ Bàn Thế Sơn
3 83 Khúc Hát Ân Tình Như Quỳnh, Hà Phương, Minh Tuyết, Hạ Vy Đồng sáng tác với Song Hương.
4 Chờ Một Kiếp Mai Trần Thái Hòa Đồng sáng tác với Ngọc Bích.
5 Chờ Anh Bên Đồi Như Quỳnh
6 Duyên Tình Ý Lan Đồng sáng tác với Y Vân.
7 Mong Chờ Hoàng Oanh
8 Về Dưới Mái Nhà Trần Thái Hòa, Quang Lê, Thế Sơn Đồng sáng tác với Y Vân.
9 121 Duyên Tình Thiên Tôn, Quỳnh Vi
10 137 Về Dưới Mái Nhà Băng Tâm

Thông tin bên lề[]

  • Nhạc sĩ Xuân Tiên và Phạm Duy đều có họ Phạm, cùng sinh năm 1921 (mặc dù Xuân Tiên sinh trước Phạm Duy tới 9 tháng) và đều đến từ miền Bắc Việt Nam. Cả hai đều được công luận cho là những "cây đại thụ" của nền tân nhạc Việt Nam.
    • Ngoài ra, Xuân Tiên và Nguyễn Thiện Tơ (tác giả của ca khúc Giáo Đường Im Bóng) là hai nhạc sĩ sống thọ nhất từ trước đến nay của nền tân nhạc Việt Nam (nhạc sĩ Nguyễn Thiện Tơ sinh ngày 29 tháng 7 năm 1921 và qua đời vào ngày 18 tháng 8 năm 2022, hưởng thọ 101 tuổi).
  • Xuân Tiên cũng là một trong số rất ít nhạc sĩ trong âm nhạc Việt Nam đã từng sống và trải nghiệm qua bốn thời kỳ liên tiếp của Việt Nam trong thế kỉ XX: Việt Nam thời Pháp thuộc (1884 - 1945, trong đó Xuân Tiên đã trải qua 24 năm đầu đời sống dưới thời đại này), Việt Nam thời Chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất (1946 - 1954), Việt Nam Cộng hòa (1955 - 1975) và Việt Nam dưới thời xã hội chủ nghĩa (1975 đến nay, trong đó Xuân Tiên đã trải qua 11 năm đầu tiên sau biến cố 30 tháng 4 năm 1975). Các nhạc sĩ hậu bối của ông, dù họ được sinh ra trước năm 1945 song đa số họ không đủ tuổi để mô tả những trải nghiệm cuộc sống của họ dưới thời Pháp thuộc.
  • Xuân Tiên cho biết ông thích ăn những thức ăn lành, như là đồ biển thì chỉ ăn các loại cá quen thuộc, ăn cua lớn và tôm lớn. Ông không bao giờ ăn các loại mắm, vì trong đó có thể được làm bằng cá đã chết, không ăn chao và tương vì có rất nhiều vi khuẩn, đặc biệt là không ăn quá no.
  • Sau khi nhạc sĩ Xuân Tiên qua đời thì nhạc sĩ Đan Thọ đã trở thành nhạc sĩ sống thọ nhất của tân nhạc Việt Nam cho đến khi qua đời ở tuổi 99 vào ngày 5 tháng 9 năm 2023.

Chú thích[]

Advertisement