Thúy Nga - Paris By Night Encyclopedia
Thúy Nga - Paris By Night Encyclopedia
PBN137-CDA-TruongSa

Nhạc sĩ Trường Sa được phỏng vấn bởi nhạc sĩ, MC Châu Đình An trong chương trình Paris By Night 137 - 40 Năm Hành Trình (Phần 2): Tác Giả & Tác Phẩm.

Châu Đình An: "Một nhạc sĩ mà chúng tôi muốn giới thiệu hôm nay, khi chúng ta nghe hai ca khúc của ông cất lên là chúng ta nhận biết là ai, đó là Rồi Mai Tôi Đưa Em và Xin Còn Gọi Tên Nhau - xin mời quý vị gặp gỡ nhạc sĩ Trường Sa."

(Nhạc sĩ Trường Sa bước ra từ bên trong sân khấu và đứng cạnh Châu Đình An)

Châu Đình An: "Hôm nay em rất là hân hạnh được đứng với anh trong chương trình Tác Giả & Tác Phẩm, với sự hiện diện của anh ở nơi này... Mời anh có đôi lời."

Trường Sa: "Tôi, Trường Sa, kính chào toàn thể quý vị, kính chào anh Châu Đình An.

Kính thưa quý vị, vào giữa thập niên 60 của thế kỷ trước, tôi bắt đầu viết một số ca khúc - những ca khúc chẳng hạn như là Hành Trang Giã Từ, Chuyện Người Đan Áo,... vẫn còn lưu truyền tới ngày nay. Và trong thời gian đó, khoảng năm 1968, tôi chuyển hướng không viết nhạc đại chúng nữa mà tôi chuyển sang viết tình ca - những ca khúc mà tôi viết... tình ca đầu tiên là Mùa Thu Trong Mưa, Xin Còn Gọi Tên Nhau, Rồi Mai Tôi Đưa Em. Những ca khúc đó là những ca khúc chị Lệ Thu trình bày rất nhiều lần trong thời gian qua, và gần đây nhất là ca khúc Ru Giấc Tàn Phai - Ru Giấc Tàn Phai là gì? Là sự vỗ về, an ủi cho một chuyện đời không may, trong đó có những phần trình bày như sau:

Tình yêu nếu không là niềm đau
Thì xin hãy nuôi cho đời sau.

Bài tình ca nào em sẽ hát
Yêu dấu về đâu, hạnh phúc nơi nào?
Bài tình ca nào anh sẽ hát
Năm tháng vùi quên một tiếng yêu em.

Một tiếng yêu em
Dù có đau thêm
Hãy cố vui lên
Dỗ ngọt môi mềm."

Châu Đình An: "Hay quá. Những lời trong Ru Giấc Tàn Phai mà nhạc sĩ Trường Sa vừa đọc lên cho chúng ta nghe.

Và một câu hỏi là em cũng như quý vị thắc mắc, là dòng nhạc của anh, ví dụ như là Xin Còn Gọi Tên Nhau, Rồi Mai Tôi Đưa Em đã làm say mê hàng triệu triệu khán giả từ bao thập niên qua. Thế thì trước khi anh bước qua dòng nhạc này, em được biết là anh viết về dòng nhạc boléro. Thế thì từ khoảng cách dòng nhạc boléro sang dòng nhạc pop ballad thế này, xin anh có thể chia sẻ đôi điều về điều này không anh?"

Trường Sa: "Vâng, trước khi tôi nói về dòng nhạc boléro thì, trong khoảng thời gian năm 1966, khi tôi đang là sĩ quan trên chiến hạm hải quân Việt Nam Cộng hòa, tôi lấy tên là Trường Sa. Tôi là một sĩ quan trong quân đội, tôi đã viết một số ca khúc boléro để cổ võ tinh thân quân đội, anh em chiến sĩ, và đó là những ca khúc Hành Trang Giã Từ, Chuyện Người Đan Áo, Một Lần Xa Bến, v.v... Sau đó, trong khoảng thời gian trước năm 1970 thì tôi thường giao du, gặp gỡ anh Từ Công Phụng, anh Ngô Thụy Miên - anh Từ Công Phụng có khuyên tôi: tại sao không viết tình ca? Tôi suy nghĩ rằng khả năng của tôi cũng có thể viết tình ca - do đó, kể từ đó trở đi tôi bắt đầu viết tình ca và tôi không viết boléro nữa."

Châu Đình An: "Xin cảm ơn nhạc sĩ Trường Sa. Cái tựa Ru Giấc Tàn Phai rất hay, và em xin chúc anh được sức khỏe và mong là sẽ được nghe thêm những sáng tác tình ca của anh nữa.

Vâng, thưa quý vị, Ru Giấc Tàn Phai được nhạc sĩ Trường Sa yêu cầu trung tâm Thúy Nga với tiếng hát của nam ca sĩ Tuấn Ngọc."