Thúy Nga - Paris By Night Encyclopedia
Advertisement
Thúy Nga - Paris By Night Encyclopedia

Trường Sa là cựu thiếu tá Hải quân Việt Nam Cộng hòa, đồng thời là một nhạc sĩ với nhiều bài tình ca những bài tình ca lãng mạn đã trở thành bất tử là Rồi Mai Tôi Đưa Em, Mùa Thu Trong Mưa, Xin Còn Gọi Tên Nhau, Một Mai Em Đi… Ngoài ra ông còn là tác giả của những ca khúc nhạc quê hương trước năm 1975 nổi tiếng là Một Lần Xa Bến, Hành Trang Giã Từ, Chuyện Người Đan Áo


Tiểu sử[]

Nguyễn Thìn sinh ngày 16 tháng 12 năm 1940 tại Ninh Bình.

Từ năm 12 tuổi, ông đã phải theo chân cha là một quân nhân đi nhiều nơi nên việc học vấn không được liên tục. Vì vậy khi dừng chân ở Thanh Hóa, ông được cha gửi ở trọ nhà người quen ở Điền Hộ để được ổn định việc học hành. Sau đó gia đình mỗi người một nơi, người cha tiếp tục rong ruổi cuộc đời quân nhân, còn mẹ của ông lại về sống với gia đình bên ngoại. Tại Điền Hộ, ông theo học một trường Công Giáo và bắt đầu được học căn bản về âm nhạc từ một thầy Năm của giáo xứ này. Trong thời gian học nhạc, nhạc sĩ Trường Sa luôn được khen ngợi là một học trò xuất sắc nhờ năng khiếu đặc biệt về âm nhạc. Ông đã làm cho thầy dạy nhạc rất ngạc nhiên về khả năng xướng âm chuẩn, ngay cả lên dây đàn guitar cũng không cần bấm để thử mà chỉ cần nghe qua là được.

Thời điểm hiệp định Genève năm 1954 được ký kết, lúc nhạc sĩ mới 14 tuổi, ông đi bộ hơn 30km từ Thanh Hóa để về nhà ở ven sông Đáy, rồi sau đó đi bộ thêm 20km đến Ninh Bình để gặp cha ở nơi đóng quân, ngay hôm sau 2 cha con cùng ra Hải Phòng theo Sư Đoàn 2 để di cư vào Nam. Ban đầu, họ đặt chân tới Nha Trang, sau đó cùng di chuyển theo đoàn quân, tới nhiều nơi ở miền Trung khác rồi dừng chân ở Đà Nẵng vào năm 1957, cũng là năm thân phụ của Trường Sa được giải ngũ. Cũng tại thành phố này, ông đã gặp lại mẹ khi bà lần mò vất vả ngược xuôi để đi tìm 2 cha con ông từ năm 1954.

Năm 17 tuổi, ông bắt đầu sáng tác với ca khúc đầu tay mang tên Mây Trên Đỉnh Núi theo điệu Tango. Lúc đó ông chưa dùng bút danh Trường Sa mà để tên của một người xướng ngôn viên của đài phát thanh Đà Lạt mà ông đem lòng yêu mến. Sau khi đậu Tú Tài 2, nhạc sĩ Trường Sa thi vào Đại Học Khoa Học. Nhưng thời điểm này đúng dịp lệnh động viên được ban hành, nhạc sĩ đã bỏ học để xin đi dạy học ở Kiến Hòa. Năm 1962, ông được nhận vào học ở trường Thủ Đức, nhưng cuối cùng đã quyết định chuyển qua thi vào khóa 12 Hải Quân tại Nha Trang để sau đó bắt đầu những chuyến hải hành của binh chủng hải quân.

Ngoài ca khúc đầu tay Mây Trên Đỉnh Núi vốn không được thành công cho lắm, thì đến lúc đó nhạc sĩ Trường Sa vẫn chưa viết thêm được nhạc phẩm nào. Dù vậy ông vẫn dành nhiều thời gian cho việc nghiên cứu về lý thuyết âm nhạc và phối âm. Trong thời gian đầu tiên theo học khóa 12 Hải Quân Nha Trang, tình cờ nhạc sĩ Trường Sa gặp được một cô gái trong ban vũ thiết hài Nguyễn Thống khi ban này đến biểu diễn trong chương trình văn nghệ giúp vui cho khóa sinh, cô gái đó tên là Mỹ Lan. Sau đó không lâu, họ trở thành vợ chồng. Với cấp bậc thiếu úy trừ bị sau khi ra trường vào tháng 4 năm 1964, nhạc sĩ Trường Sa cùng vợ thuê một căn nhà trên đường Nguyễn Duy Dương, gần chợ An Đông. Lúc này nhạc sĩ vẫn chưa tiếp xúc nhiều với giới nghệ sĩ, cho đến khi ca khúc Một Lần Xa Bến của ông được ca sĩ Nhật Trường thu thanh trong dĩa hát Việt Nam, từ đó tên tuổi của Trường Sa mới bắt đầu được biết đến trong làng nhạc. Đây cũng là thời gian mà ông giữ chức vụ hạm phó con tầu tuần duyên mang tên là Trường Sa, nên ông đã sử dụng cái tên này làm bút danh chính thức kể từ đó.

Sau thành công của Một Lần Xa Bến, nhạc sĩ Trường Sa có dịp quen biết với giới nghệ sĩ và sáng tác thêm những bài hát mà ông gọi là những bài nhạc phổ thông đại chúng trong những năm đầu của sự nghiệp nhạc sĩ. Những ca khúc đều nổi tiếng qua giọng ca Nhật Trường, đó là Hành Trang Giã TừChuyện Người Đan Áo (sau này bị ghi nhầm thành Chuyện Tình Người Đan Áo). Có một thời gian dài, khán giả yêu nhạc vẫn tưởng đây là những sáng tác của nhạc sĩ Nhật Trường – Trần Thiện Thanh, cũng bởi vì những ca khúc này đã gắn liền với tên tuổi của danh ca nhạc vàng này. Chính nhạc sĩ Trường Sa cũng nói rằng một phần nhờ tiếng hát Nhật Trường mà những bài hát này mới được nổi tiếng.

Thời gian này, nhạc sĩ Trường Sa có quen biết với hai nhạc sĩ nhạc tình ca đang trên đà nổi tiếng khi ấy là Ngô Thụy MiênTừ Công Phụng, và hai nhạc sĩ này đã khuyến khích ông chuyển sang sáng tác nhạc tình ca lãng mạn.[1] Ca khúc trữ tình lãng mạn đầu tiên của nhạc sĩ Trường Sa ra mắt công chúng là Mùa Thu Trong Mưa với tiếng hát Lệ Thu năm 1968. Tuy nhiên từ trước đó, ông đã có ý tưởng sáng tác Rồi Mai Tôi Đưa Em, nhưng thời gian để hoàn thành ca khúc này khá lâu, nên đến năm 1969 thì bài Rồi Mai Tôi Đưa Em mới được phát hành, gần như cùng lúc với bài Xin Còn Gọi Tên Nhau cũng rất nổi tiếng.

Sang đến thập niên 1970, nhạc sĩ Trường Sa lại viết thêm một số ca khúc tình cảm khác, trong số nổi bật hơn hết là Một Mai Em Đi. Sau khi lập gia đình, vợ chồng nhạc sĩ Trường Sa chung sống một cách thanh đạm trong căn nhà thuê cấp 4 với bề rộng chỉ 4m trên đường Nguyễn Duy Dương. Mặc dù có thời gian làm chỉ huy trưởng đơn vị trong 6 năm, nhưng ông vẫn ở trong căn nhà thuê ghi dấu nhiều kỷ niệm êm đềm đó, là nơi 4 người con của vợ chồng ông (3 gái 1 trai lần lượt chào đời).

Với cấp bậc thiếu tá, sau biến cố 30 tháng 4 năm 1975 thì Trường Sa chịu án tù cải tạo trong vòng 9 năm trước khi được trở về năm 1984. Thời gian sau đó, ông luôn trong tình trạng chán nản với trình trạng cuộc sống được ông mô tả là “chỉ ở nhà nấu cơm cho vợ”. Việc mưu sinh trong gia đình đè nặng lên vai người vợ hiền, bà Mỹ Lan phải vất vả với nhiều công việc tạm bợ trong hoàn cảnh thiếu thốn. Đó là những công việc bần cùng như mua bao nylon dơ về giặt sạch rồi bán lại, hay là mua bán radio cũ ngoài chợ trời Huỳnh Thúc Kháng…

Tháng 4 năm 1989, để lại vợ và người con gái lớn, 4 cha con nhạc sĩ Trường Sa lên đường vượt biển và đến được đảo Pulau Bidong. Lúc này lệnh đóng cửa trại tị nạn đã được áp dụng nên bốn người lại phải chờ để được thanh lọc suốt 28 tháng trước khi được chính phủ Canada bảo lãnh nhờ có một người em ruột của nhạc sĩ Trường Sa đã sang đây từ trước. Trong thời gian dài chờ đợi trên đảo Bidong, nhạc sĩ Trường Sa sáng tác được 2 nhạc phẩm: Xin Yêu Nhau Dù Mai NữaĐưa Em Bên Cầu Nhung Nhớ. Nhạc sĩ Trường Sa được định cư ở thành phố Regina, tỉnh bang Saskatchewan của Canada vào tháng 8 năm 1991. Vài ngày sau đó, ông tiến hành thủ tục bảo lãnh vợ từ Việt Nam sang. Thời gian đầu trên xứ người, nhạc sĩ Trường Sa đi làm thuê bằng nhiều nghề, ban đầu là nhân viên trong một tiệm bánh ngọt, sau đó là cơ sở sản xuất nước mắm, rồi may mắn có được công việc ổn định trong một hãng xe hơi. Khi đã ổn định được cuộc sống, nhạc sĩ Trường Sa mới có cảm hứng để sáng tác trở lại, bắt đầu bằng bài Mùa Xuân Sao Chưa Về Hỡi Em.

Tưởng rằng cuộc sống gia đình Trường Sa từ đó sẽ được êm đềm hạnh phúc, nhưng bất hạnh một lần nữa ập tới. Chỉ 4 năm sau khi bà Mỹ Lan đoàn tụ với chồng con ở Canada, bà đã qua đời trong một tai nạn xe hơi khi về thăm Việt Nam năm 1996. Từ sau khi mất đi người vợ thân yêu, nhạc sĩ Trường Sa trải qua một cuộc sống trầm lặng của mình bên cạnh các con. Với tâm cảm đau thương, ông đã viết một số ca khúc ghi lại những kỷ niệm êm đềm với người vợ đã vĩnh viễn ra đi: Sài Gòn Ơi Giã Biệt Từ Đó, Trên Vai Em Nỗi Buồn Mấy Tuổi, Từ Một Ước Mơ, Sài Gòn Ơi Tôi Còn Em Đó… Hơn 10 năm sau đó, nhạc sĩ Trường Sa đi bước nữa với một góa phụ được nhận xét là hiền lành, nhu mì là cô Võ Thị Nguyệt, người cũng có 4 người con giống như Trường Sa.

Năm 2001, nhạc sĩ đặt chân tới tiểu bang California lần đầu tiên và được gặp nữ ca sĩ Thùy Dương, người trước đây đã thể hiện thành công ca khúc Một Mai Em Đi của mình từ thập niên 1990.[2] Năm 2003, trung tâm Thúy Nga thực hiện chương trình Paris By Night 70 - Thu Ca tại Toronto, giới thiệu các tác phẩm của ông cùng với nhạc sĩ Lê DinhPhạm Mạnh Cương. Năm 2018, nhạc sĩ Trường Sa xuất bản một tập nhạc mang tên Tình Khúc Trường Sa nhưng không phát hành thông qua hệ thống nhà sách. Năm tiếp theo, ông lại xuất hiện chương trình Paris By Night 129 - Dynasty được Nguyễn Ngọc Ngạn phỏng vấn và giới thiệu ca khúc Trong Giấc Mơ Em do Trần Thái Hòa thể hiện.

Tháng 11 năm 2021, nhạc sĩ Trường Sa trở lại trong chương trình liveshow Thương Hoài Ngàn Năm & Xin Còn Gọi Tên Nhau cùng với nhạc sĩ Phạm Mạnh Cương trước kia từng xuất hiện cùng với mình trong chương trình Paris By Night thứ 70 thu hình cách đó 18 năm trước. Ông cũng được dịp tái ngộ với nhạc sĩ Tuấn Khanh hôm ấy cũng đi xem liveshow. Ông tham gia trong chương trình Thúy Nga Music Box #52 - Tình Khúc Trường Sa với Bằng Kiều, Lam AnhTrần Thái Hòa.

Ngày 9 tháng 12 năm 2023, Trường Sa tham dự sự kiện thu hình chương trình Paris By Night 137 - 40 Năm Hành Trình (Phần 2): Tác Giả & Tác Phẩm cùng với các nhạc sĩ Phạm Mạnh Cương, Vũ Thành An và Nam Lộc.

Các ca khúc sáng tác[]

Xuất hiện trong các chương trình Paris By Night[]

STT PBN số Mục đích xuất hiện
1 44 Giới thiệu ca khúc Mùa Xuân Sao Chưa Về Hỡi Em.
2 70 Xuất hiện trong chương trình vinh danh dòng nhạc của mình.
3 129 Xuất hiện trước khi Trần Thái Hòa trình bày tác phẩm Trong Giấc Mơ Em.
4 137 Giới thiệu nhạc phẩm Ru Giấc Tàn Phai và nói về việc bản thân chuyển hướng từ sáng tác nhạc boléro sang nhạc tình ca vào thập niên 1960.


Xem những lần Trường Sa được phỏng vấn trong PBN 70 tại đây.

Những lần nhạc của Trường Sa được sử dụng trong các chương trình Paris By Night[]

STT PBN số Tên phần trình diễn Ca sĩ thể hiện Ghi chú
1 2 Rồi Mai Tôi Đưa Em Elvis Phương Lần đầu tiên nhạc của Trường Sa được sử dụng trong các chương trình Paris By Night.
2 26 Nguyễn Hưng, Nguyễn Cao Kỳ Duyên Nằm trong LK Rumba Cha Cha.
3 44 Mùa Xuân Sao Chưa Về Hỡi Em Tuấn Ngọc
4 70 Xin Còn Gọi Tên Nhau Lệ Thu
5 Rồi Mai Tôi Đưa Em Trần Thái Hòa
6 Hành Trang Giã Từ Như Quỳnh, Trường Vũ
7 Một Mai Em Đi Lâm Nhật Tiến
8 Bài Tình Ca Cho Kỷ Niệm Loan Châu
  • Ca khúc được thu hình dưới dạng MTV.
  • Đạo diễn: Đinh Anh Dũng.
  • Người mẫu: Huy Đặng.
9 Một Lần Xa Bến Tâm Đoan
10 Xin Yêu Nhau Dù Mai Nữa Lưu Bích
11 Mùa Thu Trong Mưa Minh Tuyết
12 82 Rồi Mai Tôi Đưa Em Thế Sơn, Thanh Hà
13 95 Xin Còn Gọi Tên Nhau Trần Thái Hòa
14 106 Mùa Thu Trong Mưa Như Quỳnh, Lam Anh, Diễm Sương, Quỳnh Vi, Thanh Hà, Mai Thiên Vân, Hạ Vy Lần đầu tiên nhạc của Trường Sa được dùng trong một tiết mục trình diễn thời trang.
15 109 Rồi Mai Tôi Đưa Em Bằng Kiều, Thiên Tôn, Đình Bảo
16 112 Chuyện Người Đan Áo Quang Lê
17 120 Những Mùa Thu Qua Trên Cuộc Tình Tôi Đình Bảo, Lam Anh
18 129 Trong Giấc Mơ Em Trần Thái Hòa
19 132 Yêu Em Giữa Đời Quên Lãng Ngọc Anh
20 137 Ru Giấc Tàn Phai Tuấn Ngọc

Thư viện ảnh[]

Thông tin bên lề[]

  • Tên thật của nhạc sĩ Trường Sa (Nguyễn Thìn) có thể được bắt nguồn từ việc năm sinh của ông (1940) theo Can Chi được gọi là năm Canh Thìn.
  • Bút danh Trường Sa của nhạc sĩ vốn lấy từ tên của một chiến hạm thuộc hải quân Việt Nam Cộng hòa mà ông đã từng làm việc trên đó, Trường Sa.
  • Nhạc sĩ Trường Sa từ nhỏ đã học nhạc bằng cách hát bằng nốt nên ông có thể hát nhạc của mình bằng bất cứ tông nào, và chính vì lý do đó nên ông có thể viết nhạc mà không cần sự hỗ trợ của nhạc cụ.
  • Trường Sa là nhạc sĩ đầu tiên mà nhạc của ông được sử dụng trong ba chương trình Thúy Nga Music Box liên tiếp nhau (Music Box số 51, 52 và 53 đều có sự xuất hiện của ít nhất một ca khúc của ông).

Chú thích[]

Advertisement