Thúy Nga - Paris By Night Encyclopedia
Advertisement
Thúy Nga - Paris By Night Encyclopedia


Thái Thanh (1934 - 2020) là một trong những giọng ca tiêu biểu của miền Nam Việt Nam trước năm 1975 và đối với cộng đồng người Việt hải ngoại từ năm 1985 trở đi - bà được mệnh danh là "Tiếng hát vượt thời gian". Bà là em vợ của cố nhạc sĩ Phạm Duy, em gái ruột của nhạc sĩ Phạm Đình Chương và là thân mẫu của nữ danh ca Ý Lan.

Tiểu sử[]

Cuộc đời và sự nghiệp trước năm 1975[]

Thai-hang-9

Ba người con của ông Phạm Đình Phụng khi kết hôn với người vợ sau. Từ trái sang: Thái Thanh, Phạm Đình Chương, Thái Hằng

Phạm Thị Băng Thanh sinh năm 1934 tại làng Bạch Mai, Hà Nội trong một gia đình có truyền thống văn nghệ - hầu hết các thành viên trong gia đình bà đều làm nghệ thuật mà âm nhạc là chủ yếu. Cha của bà là Phạm Đình Phụng, có 2 vợ, vợ trước sinh ra Phạm Đình Sỹ và Phạm Đình Viêm, vợ sau sinh ra Phạm Thị Quang Thái (tức ca sĩ Thái Hằng sau này), Phạm Đình Chương và con út là Phạm Thị Băng Thanh. Thân phụ của bà rất thích chơi đàn nguyệt, còn thân mẫu của bà là nghệ sĩ đàn tỳ bà có tiếng ở miền Bắc - đó là lý do chính khiến bà cùng các anh chị đều có tâm hồn nghệ thuật. Quê ngoại bà ở Sơn Tây, quê nội là thành phố Hà Nội.

Ngoài những người anh, chị ruột và các anh cùng cha khác mẹ ra, Băng Thanh còn có một người chị cùng cha khác mẹ nữa những người đó đã không may qua đời sớm khi cùng gia đình di cư vào miền Nam.

Năm 1946, Băng Thanh tản cư cùng gia đình vào Chợ Đại, Thanh Hóa vùng kháng chiến mà nơi đó bà đã bắt đầu ca hát từ năm 14 tuổi (1948). Cũng năm này Thái Hằng kết hôn với nhạc sĩ Phạm Duy.

EiOHgoy

Thái Thanh (giữa) cùng các anh là Hoài Bắc (trái, tức nhạc sĩ Phạm Đình Chương) và Hoài Trung (phải). Ba người là các thành viên đình đám nhất của ban nhạc Thăng Long lúc bấy giờ.

Tl

Toàn bộ các thành viên của ban nhạc Thăng Long. Hàng trên: Phạm Duy, Phạm Đình Chương, Hoài Trung; hàng dưới: Thái Hằng, Khánh Ngọc, Thái Thanh.

Năm 1951, Thái Thanh theo gia đình Phạm Duy vào Sài Gòn lập nghiệp trong gánh hát Thăng Long (thành lập năm 1949). Năm ấy bà mới chỉ là một thiếu nữ 17 tuổi, được Phạm Duy và anh trai Phạm Đình Chương huấn luyện, chỉ bảo tận tình về nhạc lý và kỹ thuật, đồng thời cũng tự luyện tập, trau dồi kỹ năng xướng âm của mình. Tại đây bà tiếp tục đi hát với các chủ đề về quê hương và tình cảm đôi lứa.

Khoảng năm 1952 - 1953, Thái Thanh khuyến khích Mai Hương - cháu con anh trai của mình là ông Phạm Đình Sỹ, khi ấy mới chỉ là một cô bé 11 - 12 tuổi từ Hà Nội vào Sài Gòn sinh sống cùng gia đình, ghi danh vào chương trình thi tuyển lựa tài tử dưới thời ông giám đốc đài phát thanh Pháp Á chương trình Tiếng Việt là ông Hoàng Cao Tăng, hát bài Chú Cuội của Phạm Duy. Tới khi cháu mình lọt vào vòng chung kết, Thái Thanh hướng dẫn Mai Hương ca khúc Xuân Và Tuổi Trẻ của La Hối, Thế Lữ - chính ca khúc ấy đã khiến Mai Hương đậu cuộc thi tuyển lựa này và được nhiều đài phát thanh - truyền hình chú ý và mời cộng tác.

Năm 1956, Thái Thanh kết hôn với tài tử Lê Quỳnh tại Sài Gòn. Gia đình bà sống ở khu vực gần chợ Thái Bình. Đúng vào tết Dương lịch năm 1958, bà hạ sinh con gái đầu lòng là nữ ca sĩ Ý Lan, và sau đó bà hạ sinh lần lượt những đứa con tiếp theo, bao gồm Lê Xuân Việt (sinh năm 1959), Lê Thị Quỳnh Dao (sinh năm 1960), Lê Thị Thanh Loan (sinh năm 1962) và Lê Đại (sinh năm 1964). Vào năm 1965, bà ly dị Lê Quỳnh sau khi đã có chung với nhau ba con gái và hai con trai. Lúc ấy, con trai út của bà là Lê Đại chỉ mới 1 tuổi và đã bị sốt tê liệt dẫn đến bị liệt phần thân dưới. Năm 1968, Lê Đại bị ốm nặng, được tổ chức Terre Des Hommes hỗ trợ đưa sang Ý chữa trị suốt ba năm liền, tới năm 7 tuổi mới về lại quê hương. Mặc dù Thái Thanh đã ly dị Lê Quỳnh sau chín năm hôn nhân cùng rất nhiều sóng gió gây ra bởi danh tiếng của chính Lê Quỳnh, hai người vẫn còn giữ mối quan hệ tốt đẹp với nhau.

118283742 4012551502104900 5457432955116315776 n

Tấm ảnh chụp các nữ ca sĩ nổi tiếng của Sài Gòn tụ họp lại ở Đài Phát thanh/Truyền hình Sài Gòn trước năm 1975, trong đó có Thái Thanh (được đánh số 3, đứng ở vị trí thứ năm từ trái sang)

Bà thật sự nổi tiếng trong thập niên 1950 và xuyên suốt cả thập niên 60 của thế kỉ XX, được rất nhiều giới yêu thích từ giới trí thức cho tới bình dân. Bà được coi như một diva tầm cỡ nhất của Việt Nam thời đó. Tiếng hát của bà ngự trị trên khắp các chương trình ca nhạc truyền thanh, truyền hình của Việt Nam Cộng hòa. Trong giai đoạn đầu thập niên 1970, bà cùng với ban hợp ca Thăng Long thường xuyên biểu diễn tại vũ trường ăn khách Đêm Màu Hồng.

Sau biến cố 30 tháng 4 năm 1975 & cuộc sống tại hải ngoại[]

Kể từ sau biến cố này, bà được chính quyền cộng sản Việt Nam mời để thực hiện các ca khúc cách mạng nhưng bà đã từ chối, kết quả là bà đã bị cấm hát suốt mười năm, mãi đến năm 1985, bà cùng với gia đình vượt biên để đến với cộng đồng người Việt hải ngoại ở tiểu bang California thì bà mới hoạt động ca hát trở lại. Bà là một trong những khách mời danh dự của trung tâm Thúy Nga với nhiều lần tham gia vào các đêm tổ chức các chương trình Paris By Night.

Khi đã an tâm định cư nơi xứ người, bà vừa đi hát, đào tạo cho các thế hệ ca sĩ trẻ cùng với nhạc sĩ Nghiêm Phú Phi, vừa chăm sóc các con, đặc biệt là cậu con út Lê Đại của mình - bà phải tập lái xe dù không thích chút nào nhưng vì phải đưa Lê Đại đến trường nên bà quyết tâm đậu bằng lái cho được - và cô con gái út Thanh Loan khi cô phải đối diện với chứng bệnh trầm cảm, không thể học hành bình thường như những người bạn cùng lứa và thậm chí phải vào bệnh viện để chữa trị. Mặc dù phải chăm sóc hai người con bị bệnh cùng một lúc nhưng bà không hề nản chí, trái lại còn tự củng cố tinh thần thép của mình để tiếp tục chăm lo cho các con, và công lao của bà được đền đáp vào năm 1996, Lê Đại tốt nghiệp đại học Long Beach, có nghề nghiệp ổn định và cuộc sống thoải mái tại một căn hộ gần trường (tuy nhiên một thời gian rất lâu sau đó Lê Đại qua đời, không rõ khi nào và lý do tại sao anh mất).

Ở tuổi 59, bà xuất hiện lần đầu tiên trong chương trình Paris By Night 19 - Tác Phẩm Và Con Người Phạm Duy. Năm 1999, Thái Thanh tái xuất trên sân khấu Paris By Night trong chương trình thứ 48 mang tên Hình Ảnh Cuộc Đời, bàn luận về một số ca khúc tiêu biểu của nhạc sĩ Phạm Duy. Năm 2002, bà tuyên bố giải nghệ trong một đêm biểu diễn với các con cháu mình. Tuy nhiên khoảng thời gian sau đó, thỉnh thoảng bà vẫn tham gia giọng hát của mình vào các đêm diễn với vai trò đặc biệt.

Năm 2005, một đêm nhạc thính phòng nhằm mang tên "Vinh danh Thái Thanh, tiếng hát vượt thời gian" được tổ chức tại Montreal, Canada, với sự tham gia của Thái Thanh cùng nhiều ca sĩ nổi tiếng của thế hệ sau như Tuấn Ngọc, Ý Lan, Trần Thu Hà,... Trong đêm nhạc này màn trình diễn của bà được đánh giá là xuất sắc, dù trước đó đã có nhiều nghi ngờ về tuổi tác, cũng như sức khỏe của bà. Năm 2006, bà trở lại là nhân vật chính trong đêm nhạc "Thái Thanh và ba thế hệ".

Đầu năm 2007, bà xuất hiện trong Paris By Night 87 với vai trò là một trong năm vị giám khảo của cuộc thi Talent Show của trung tâm Thúy Nga. Năm 2008, bà đã gián tiếp góp công vào việc chuẩn bị thu hình chương trình Paris By Night 91 - Huế, Sài Gòn, Hà Nội thông qua việc hướng dẫn các ca sĩ thể hiện các ca khúc trong trường ca Con Đường Cái Quan. Trong chương trình Paris By Night 95 - 25th Anniversary - Cảm Ơn Cuộc Đời, bà có thể được nhìn thấy ở trên ghế khán giả (trong DVD, bà có thể được nhìn thấy khi camera quay hình ảnh của khán giả khi trên sân khấu đang thể hiện ca khúc Dòng Sông Xanh). Đó là những hình ảnh cuối cùng của bà trước công chúng trước khi bà qua đời vào năm 2020.

Qua đời & post-mortem[]

90084186 10156981938178015 7225208364328812544 n

Bản cáo phó của gia đình cố ca sĩ Thái Thanh sau khi bà qua đời

Thái Thanh trút hơi thở cuối cùng vào lúc 11 giờ 20 phút ngày 17 tháng 3 năm 2020 tại Quận Cam (Orange County) thuộc tiểu bang California theo giờ địa phương, hưởng thọ 85 tuổi. Ngày 26 tháng 3 cùng năm, lễ an táng của bà được tổ chức trong phạm vi gia đình do ảnh hưởng của dịch virus COVID-19. Ngoài các thành viên trong gia đình còn có một số những nhạc sĩ cùng đến chia buồn với gia quyến và cùng nhau ôn lại những kỉ niệm riêng của bà đối với họ.

Nữ ca sĩ Ý Lan và Quỳnh Hương cùng nhau thể hiện ca khúc "Nghìn Trùng Xa Cách" - một trong những ca khúc của nhạc sĩ Phạm Duy mà bà đã được cho là "dành cả đời để làm đẹp" cho nó, trên đường tiễn mẹ mình tới nơi an nghỉ cuối cùng.

Trong MV Áo Trắng Áo Xanh, khán giả có thể thấy nữ ca sĩ Ý Lan đang cài một bông hoa màu đen lên áo để tưởng nhớ đến người mẹ đã mất gần đây của mình.

Năm 2023, tức năm mãn tang của cố danh ca, các thành viên trong gia đình của bà tổ chức chương trình Mẹ Việt Nam - Tưởng Niệm Tiếng Hát Vượt Thời Gian Thái Thanh để tưởng nhớ đến bà và chia sẻ những kỷ niệm của bà và cả gia đình trong suốt 70 năm ca hát cho khán - thính giả nhân dịp lễ Hiền mẫu.[1]

Di sản để lại[]

Trong suốt cuộc đời và sự nghiệp ca hát của mình, Thái Thanh đã để lại rất nhiều ấn tượng lớn lao và tốt đẹp đối với các khán thính giả trong và ngoài nước, đặc biệt là ấn tượng về một người ca sĩ luôn sống hết mình với nghề nghiệp và luôn dành hết tâm huyết của nghiệp cầm ca để làm đẹp cho những ca khúc của nhạc sĩ Phạm Duy; và hình ảnh của một người mẹ tần tảo, có ý chí sắt đá bất chấp mọi khó khăn và tinh thần vượt lên hoàn cảnh để sống, và đó cũng chính là những yếu tố được thể hiện trong trường ca Mẹ Việt Nam của nhạc sĩ Phạm Duy. Kỹ thuật giọng hát cũng như phong thái biểu diễn của bà chính là nền tảng để các nghệ sĩ thuộc thế hệ sau noi theo (điển hình như là Ý Lan và Khánh Ly).

Con gái đầu lòng của bà, nữ ca sĩ Ý Lan, là một giọng ca tài năng thừa hưởng từ chính mẹ của mình. Mỗi khi xuất hiện trước khán giả, Ý Lan luôn gợi nhớ cho khán - thính giả về mẹ mình.

Ngoài ra, bà còn đào tạo và huấn luyện nhiều ca sĩ thuộc thế hệ sau khi đang sống ở Mỹ, trong đó có ca sĩ, xướng ngôn viên Anh Dũng, người đưa tin của đài truyền hình VietFaceTV.

Các mối quan hệ[]

Phụ huynh[]

Thái Thanh rất may mắn khi được sinh ra trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật nên bố mẹ bà không ngăn cấm bà đi theo nghiệp cầm ca, mặc dù các cụ vẫn khuyên bà nên chú tâm vào chuyện học hành trước. Tuy nhiên, chính Thái Thanh đã quyết định hoàn toàn đi theo con đường ca hát và gắn bó chặt chẽ cuộc đời mình với nó.

OeKiUjE

Nhạc sĩ Phạm Đình Chương và Thái Thanh

Nhạc sĩ Phạm Đình Chương[]

Phạm Đình Chương là anh ruột của Thái Thanh. Chính ông cũng đã là người chỉ dạy nhạc lý cho em gái mình bằng tất cả những kiến thức do tự học mà có, mặc dù những kiến thức đó một phần là do chính Thái Thanh đặt mua sách từ Pháp rồi tự học mà nên. Sau này, Phạm Đình Chương, Phạm Đình Viêm, Thái Hằng và Thái Thanh đều trở thành những gương mặt sáng giá nhất của ban hợp ca Thăng Long.

Nhạc sĩ Phạm Duy[]

"Nếu không có Thái Thanh thì không có Phạm Duy" - Phạm Duy

Phạm Duy là anh rể của Thái Thanh.

Lúc Thái Thanh bước vào con đường nghệ thuật vào năm 1948, nhạc sĩ Phạm Duy đang hẹn hò với Thái Hằng nên thường dùng Thái Thanh làm cái cớ lấy điểm với chị Thái Hằng. Vì nhạc sĩ vốn nổi tiếng với tài sáng tác nên ông chỉ nghĩ rằng cách lấy điểm nhanh nhất và hiệu quả nhất là thông qua con đường âm nhạc, và chính vì lẽ đó nên Phạm Duy đã viết lời Việt cho ca khúc nhạc ngoại có tên Dòng Sông Xanh và nhờ Thái Thanh hát cho chị nghe để "lấy điểm" với Thái Hằng. Khi anh rể tương lai chinh phục chị gái thành công, Thái Thanh trở thành cầu nối cho Phạm Duy.

Giọng hát của bà tỏ ra rất thích hợp với các loại nhạc đa dạng của nhạc sĩ Phạm Duy, từ những bài nhạc tiền chiến, nhạc quê hương, nhạc tình, nhạc xã hội, cho tới các bản trường ca đều được bà để lại một dấu ấn lớn, tương tự như trường hợp nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và Khánh Ly. Chính vì thế nên nhiều tác phẩm của nhạc sĩ Phạm Duy thường mang trong chúng những sự "ưu ái" rất lớn cho giọng hát của bà, thậm chí đến cả bài trường ca Mẹ Việt Nam mà ông đã sáng tác dựa trên cảm hứng từ người vợ Thái Hằng của mình, người ta còn có thể cảm thấy sự hiện hữu của hình ảnh Thái Thanh khi nghe bản trường ca này.

Diễn viên, tài tử Lê Quỳnh[]

Cuộc hôn nhân giữa danh ca Thái Thanh và nam tài tử Lê Quỳnh một thời đã từng là khuôn mẫu của gia đình Việt Nam vào thập niên 1950. Thời điểm họ kết hôn, Thái Thanh đã là một đệ nhất danh ca Sài Gòn, còn Lê Quỳnh là một trong những nam tài tử điện ảnh đầu tiên của màn ảnh rộng Việt Nam, nổi tiếng qua phim Hồi Chuông Thiên Mụ đóng cùng minh tinh Kiều Chinh năm 1958.

"Tôi nhớ đã gặp bố các cháu lần đầu vào dịp trình diễn văn nghệ vào dịp tết ở những rạp trước giờ chiếu phim. Gọi là phụ diễn nhưng có khí kéo cả giờ đấy. Anh Lê Quỳnh ở trong ban văn nghệ. Ông ấy hát hay lắm, chỉ có điều là ông ấy không đi hát thôi. Ông ấy lại đóng phim giỏi. Ông ấy đóng kịch thì tuyệt vời. Đó là trời sinh ra ông ấy để ông ấy đứng trên sân khấu chứ không phải ở dưới này đâu. Thì trong một buổi diễn chung như vậy, chúng tôi gặp nhau. Và chúng tôi mê nhau." - Thái Thanh nói về lần đầu gặp Lê Quỳnh.

Hai người kết hôn với nhau vào năm 1956, sau đó đã có với nhau 5 người con. Tuy nhiên, Thái Thanh đã ly dị chồng sau 9 năm sống chung với nhau. Mặc dù đã ly hôn nhưng hai người vẫn còn những mối quan hệ thân thiết với nhau, chưa kể rằng người vợ sau của Lê Quỳnh là một người rất hâm mộ giọng hát của Thái Thanh khiến cho quan hệ giữa Thái Thanh và gia đình chồng cũ tiếp tục gắn bó sâu đậm.

Ca sĩ Ý Lan[]

XGGKDsq

Thái Thanh vào năm 1958, không lâu sau khi hạ sinh con gái đầu lòng

Ý Lan là con gái đầu lòng của Thái Thanh.

Thái Thanh từng ngăn cấm không cho Ý Lan bước chân vào nghề ca hát từ nhỏ, với lý do dù có ở vị trí đầu bảng đi nữa cũng phải đương đầu với rất nhiều khó khăn và Ý Lan còn phải học hành, nhưng sau khi cả gia đình đã định cư ổn định tại Mỹ và Ý Lan đã trưởng thành, bà dần chấp nhận cho con gái mình đi chung con đường với mình. Sau này, khi Thái Thanh giải nghệ, Ý Lan tiếp tục xuất hiện trên sân khấu với sự gợi nhớ cho khán giả đến với giọng ca huyền thoại trước năm 1975 này.

Chính Ý Lan cũng đã coi mẹ mình như là một thần tượng âm nhạc. Cô thừa hưởng giọng ca từ mẹ và phong cách, kỹ thuật biểu diễn từ bố.

"Mẹ tôi là một người đàn bà tình cảm và rất can đảm. Suốt thời thơ ấu cho đến khi trưởng thành, hình ảnh của mẹ Thái Thanh âu yếm, chăm sóc và yêu thương các con đã ảnh hưởng đến tôi rất nhiều khi tôi làm mẹ. Tình cảm thiêng liêng của mẹ dành cho tôi là niềm hạnh phúc và cả sự may mắn vô bờ bến." - tâm sự của Ý Lan về mẹ mình.

Ca sĩ Mai Hương[]

Thái Thanh là cô ruột của Mai Hương, và cũng là người đã khuyến khích Mai Hương đi theo con đường âm nhạc thông qua việc khuyến khích Mai Hương ghi danh chương trình thi tuyển lựa tài tử dưới thời ông giám đốc đài phát thanh Pháp Á chương trình Tiếng Việt là ông Hoàng Cao Tăng. Chính sự hướng dẫn của bà là nền tảng cho sự thành công của Mai Hương sau này. Sau biến cố 30 tháng 4 năm 1975, khi Thái Thanh chưa định cư tại Mỹ, Mai Hương đã đứng ra tạm thời thay thế vai trò của cô mình trong ban nhạc Thăng Long tới tận năm 1985.

Ca sĩ Khánh Ly[]

Khánh Ly xem Thái Thanh như là "ngọn hải đăng" đối với con đường nghệ thuật của mình. Việc Khánh Ly thể hiện xuất sắc dòng nhạc Trịnh Công Sơn trước năm 1975 có thể so sánh với việc Thái Thanh thể hiện rất xuất sắc dòng nhạc Phạm Duy.

Ca sĩ, xướng ngôn viên Anh Dũng[]

Anh Dũng là một trong những học trò cũ của Thái Thanh.

Ca sĩ Hoàng Oanh[]

Thái Thanh cùng với ban hợp ca Thăng Long là những nghệ sĩ đầu tiên mà Hoàng Oanh có dịp được tiếp xúc khi bà lên sân khấu lần đầu tại Liên trường Võ Khoa Thủ Đức vào năm 1954. Những phần trình diễn của ban nhạc vào buổi diễn năm đó đã góp phần truyền cảm hứng để Hoàng Oanh tiếp tục dấn thân vào con đường nghệ thuật. Sau này, Hoàng Oanh được gặp Thái Thanh thường xuyên tại đài Phát thanh Sài Gòn cùng với nhiều nữ nghệ sĩ tên tuổi khác cộng tác với đài.

Khi gia đình nữ danh ca Thái Thanh chính thức định cư tại Mỹ, Hoàng Oanh rất vui mừng vì đã có thể được nghe giọng ca của bà trở lại ở hải ngoại. Hoàng Oanh cũng đã gặp lại thần tượng của mình năm nào vào ngày thực hiện chương trình Paris By Night 73 - Song Ca Đặc Biệt - The Best of Duets. Lần cuối cùng bà gặp nữ danh ca là tại một bữa cơm gia đình vào năm 2010. Khi Thái Thanh qua đời vào năm 2020, bà cũng bày tỏ nỗi buồn sâu sắc thông qua câu chuyện kể về những kỷ niệm của mình với thân mẫu của nữ ca sĩ Ý Lan.

Sự nghiệp ca hát[]

Xuất hiện trong các chương trình Paris By Night[]

STT PBN số Tên phần trình diễn Tác giả Thể hiện với Ghi chú
1 19 Tình Hoài Hương Phạm Duy Lệ Quyên, Duy Quang, Như Mai, Ái Vân (bè) Phần trình diễn đánh dấu lần đầu tiên Thái Thanh xuất hiện trên sân khấu Paris By Night.
2 48 Ngày Xưa Hoàng Thị Phạm Duy (guitar) Các bài hát xuất hiện trong phần Mạn đàm với những tình khúc tiêu biểu của Phạm Duy.
Trả Lại Em Yêu
Kỷ Vật Cho Em
3 Tình Ca solo Thái Thanh trình bày ca khúc này một cách riêng biệt so với ba bài trước trong cùng một phần.
4 73 LK Bài Ca Sao & Nụ Tầm Xuân Ý Lan

Xuất hiện trong các chương trình Paris By Night với vai trò đặc biệt[]

STT PBN số Mục đích xuất hiện
1 87 Xuất hiện với vai trò giám khảo.

Xuất hiện trong các chương trình đặc biệt & sự kiện khác[]

STT Các chương trình Tên phần trình diễn Tác giả Thể hiện với
1 Thúy Nga Video 16 - Nước Non Ngàn Dặm Ra Đi Tình Ca Phạm Duy solo

Các album đã phát hành[]

Thái Thanh đã cho ra đời rất nhiều album dưới các dạng (đĩa nhựa, băng cối, băng cassette, đĩa CD), từ giai đoạn trước năm 1975 cho đến tận lúc bà tuyên bố giải nghệ. Có ít nhất là 17 album được cho là có sự góp mặt của giọng ca này.

  • Băng nhạc Thanh Thúy 7: Tiếng Hát Thái Thanh
  • Chương trình Nhạc Tuyển Selection 1: Tiếng Hát Thái Thanh (Hùng Sơn thực hiện)
  • Sơn Ca 10: Tiếng hát Thái Thanh và Ban hợp ca Thăng Long (1974, Nguyễn Văn Đông thực hiện)
  • Tơ Vàng 4: Thái Thanh – Tiếng Hát Vượt Thời Gian (1971)
  • Mây Hồng 6: Thái Thanh và Ban Thăng Long (Y Vân thực hiện)
  • Mười Bài Đạo Ca (1972, Phạm Duy thực hiện)
  • Shotguns 10: Tiếng hát Thái Thanh (1980)
  • Các CD sưu tập lại các bản ghi âm cũ của các Băng nhạc sản xuất trước 1975 bởi Trung tâm Hương Xưa
  • Ngày Xưa Hoàng Thị (1986)
  • Quê Hương Và Kỷ Niệm (1987)
  • Đêm Màu Hồng (1988): Thái Thanh, Ý Lan, Thanh Loan, Quỳnh Hương, Lê Đại
  • Chiều Về Trên Sông (1988)
  • Đêm Nhớ Trăng Sài Gòn (1990)
  • Hội Trùng Dương (1993)
  • Dòng Thời Gian – Thái Thanh và 3 thế hệ (2004)

Thư viện ảnh[]

Thông tin bên lề[]

  • Màu sắc yêu thích của Thái Thanh là màu hồng, và bà cho rằng đó là màu của hạnh phúc. Các con gái của bà mặc áo dài màu hồng trong lễ tang của bà vì đó chính là ý nguyện của mẫu thân của họ trước phút lâm chung.
  • Trong khoảng thời gian từ năm 1975 đến năm 1985, nữ ca sĩ Mai Hương, con gái Phạm Đình Sỹ, đã thay thế vị trí của Thái Thanh trong ban hợp ca Thăng Long khi bà chưa qua Mỹ để đoàn tụ với các anh trai của mình.
  • Phần trình diễn ca khúc Mưa Sàigòn, Mưa Hà Nội (sáng tác: Phạm Đình Chương, thơ: Hoàng Anh Tuấn) trong Paris By Night 129 - Dynasty với sự góp mặt của Ý Lan, Đình BảoKhải Đăng là một sự gợi nhớ cho khán - thính giả đến ban nhạc Thăng Long mà trong đó Thái Thanh là giọng ca chủ lực cùng với nghệ sĩ Hoài Bắc và Hoài Trung. Sự gợi nhớ đó được thể hiện (theo mô tả của Ý Lan) như sau:
    • Đình Bảo có gương mặt (cụ thể là ria mép) giống với Hoài Trung vào những năm 1960.
    • Khải Đăng có đôi mắt, mái tóc và giọng hát khá giống với Hoài Bắc.
    • Ý Lan là con gái của Thái Thanh, và cũng là "cái gương" tái hiện rõ nhất hình ảnh của chính mẹ mình năm bà mới 31 tuổi, trong lúc cô đã gần gấp đôi tuổi mẹ cô thời bấy giờ, thông qua kiểu tóc, trang điểm và bộ áo dài được sử dụng để trình diễn.
    • Trên màn ảnh nền hiển thị Thái Thanh, Hoài Bắc và Hoài Trung vào những năm 1960 khi phần trình diễn này kết thúc.

Chú thích[]

Advertisement