Thúy Nga - Paris By Night Encyclopedia
Advertisement
Thúy Nga - Paris By Night Encyclopedia

Từ Công Phụng là một nhạc sĩ Việt Nam thuộc dân tộc Chăm. Ông là một trong những nhạc sĩ tiêu biểu cho dòng nhạc trữ tình của tân nhạc Việt Nam trong thập niên 1960 và 1970 cùng với Vũ Thành An, Ngô Thụy Miên, Trịnh Công SơnLê Uyên Phương.


Tiểu sử[]

Từ Công Phụng sinh ngày 27 tháng 7 năm 1942 tại Ninh Thuận trong một gia đình người dân tộc Chăm. Ông có một người anh em con chú bác với ông là Từ Công Thơm – thiếu tướng Việt Nam Cộng hòa. Từ Công Phụng mê âm nhạc từ nhỏ và rất mẫn cảm với âm thanh. Ông kể rằng nhiều lúc đang học bài mà có tiếng nhạc vọng về từ xa, ông đều dừng lại để nghe cho hết rồi học tiếp. Có một lần khi ông tình cờ nghe người anh cả đàn và hát bài Con Thuyền Không Bến của Đặng Thế Phong và Trương Chi của Văn Cao, ông bồi hồi xúc động.

Đến năm 13 tuổi Từ Công Phụng bắt đầu học nhạc căn bản từ người anh, sau đó tự mày mò học thêm từ sách của nước ngoài. Từ năm 16 tuổi, ông đã đọc rất nhiều sách, trong đó có các tiểu thuyết, và những tình tiết cùng chất lãng mạn trong các tiểu thuyết kinh điển đã góp phần định hình phong cách nhạc Từ Công Phụng sau này. Năm 18 tuổi, khi còn đang học trung học, từ những rung động và tình yêu thầm kín của thuở sắp bước vào đời, ông sáng tác ca khúc đầu tay Bây Giờ Tháng Mấy. Tử Công Phụng học trung học ở trường Duy Tân – Phan Rang, sau đó lên Đà Lạt học trường Trần Hưng Đạo cho đến khi đậu Tú tài 2.

Thời gian ở Đà Lạt, Từ Công Phụng cùng với nhạc sĩ Lê Uyên Phương thành lập ban nhạc Ngàn Thông để chơi nhạc trên đài phát thanh Đà Lạt, mỗi tuần một ngày lên đài để thu và phát trực tiếp. Đây cũng là lần đầu tiên ông có dịp giới thiệu đến công chúng ca khúc Bây Giờ Tháng Mấy đã sáng tác trước đó. Với ca khúc đầu tay này, Từ Công Phụng nhận được rất nhiều thư của thính giả khen ngợi, giúp ông mạnh dạn hơn trong lãnh vực sáng tác. Sau đó, lần lượt những ca khúc như Mùa Thu Mây Ngàn, Bài Cho Em… ra đời. Học xong trung học, Từ Công Phụng xuống Sài Gòn học tiếp bậc đại học.

Thời điểm này, sinh hoạt văn nghệ trong tầng lớp sinh viên ở Sài Gòn bắt đầu khởi sắc, hình thành nên một giới thưởng ngoạn văn minh, khao khát được thưởng thức những tác phẩm mới mang tính đương đại của những nghệ sĩ được trưởng thành từ chính các trường đại học. Họ thường tụ tập nhau lại trong các buổi trình diễn văn nghệ để hát cho nhau nghe trên sân cỏ trường Đại học Văn khoa, ban đầu là những ngày cuối tuần, sau đó mở rộng ra hàng đêm. Từ đó những bài tình ca, du ca, hành khúc ca… được thành hình, được giới thiệu và được yêu thích đầu tiên trong giới sinh viên, sau đó mở rộng ra đến mọi tầng lớp khán giả. Trong vườn hoa văn nghệ miền Nam đa dạng thời đó, có rất nhiều loại hoa khác nhau cùng khoe sắc trong hoàn cảnh ᴄhιến chinh vẫn đang lan tràn. Nhạc sĩ Từ Công Phụng nói rằng sở dĩ như vậy là nhờ văn nghệ được phát triển dưới một chính thể không bóp nghẹt tự do tư tưởng của mỗi người.

Trong thời gian học Đại học, Từ Công Phụng đã gặp, yêu và cưới ca sĩ Từ Dung khi đó đang học Văn khoa, là con gái út của nhà văn Nguyễn Tường Long – Hoàng Đạo. Hai vợ chồng bắt đầu lên sân khấu hát cặp với nhau từ năm 1967 và trở thành đôi song ca được yêu thích. Đó cũng là thời điểm làng ca nhạc Sài Gòn có đến 3 cặp đôi nổi tiếng trong giới sinh viên và cùng liên quan đến xứ sở sương mù Đà Lạt: Khánh Ly – Trịnh Công Sơn, Lê Uyên – Phương và Từ Dung – Từ Công Phụng.

Sau khi tốt nghiệp học viện Quốc gia Hành chánh. Từ Công Phụng làm việc cho đài VOF cùng các nghệ sĩ nổi tiếng như Lữ Liên, Anh Ngọc, Kim Tước, Hoàng Quốc Bảo,… Nhiệm vụ của ông là viết lời giới thiệu cho các bài hát Việt Nam. Đài VOF (Voice Of Freedom) là đài Tiếng Nói Tự Do có trụ sở ở số 7 đường Hồng Thập Tự, Sài Gòn. Vừa làm việc trong đài phát thanh, Từ Công Phụng ghi danh học lấy thêm bằng Luật khoa. Là một nhạc sĩ thành danh, Từ Công Phụng cũng theo đuổi con đường học vấn cho đến cùng và là nhạc sĩ Việt Nam hiếm hoi tốt nghiệp 2 trường đại học.

Sau năm 1975, vợ chồng Từ Dung – Từ Công Phụng còn lại ở Sài Gòn và mở một quán cà phê nhỏ trên đường Trần Quang Khải, nhưng thời gian ngắn sau thì họ chia tay. Từ Công Phụng nói rằng thời gian từ năm 1975 đến năm 1980 là giai đoạn trắc trở nhất trong đời. Khi đó đời sống rất bất ổn, không có gì bám víu vào mà sinh sống nên việc mưu sinh rất vất vả, phải làm tất cả những gì có thể có thể để nuôi sống con cái và gia đình. Phải đến năm 1980, nhạc sĩ Từ Công Phụng vượt biên đến Singapore[1] và sau này chính thức được nhập tịch vào Hoa Kỳ và bắt đầu cuộc sống mới tại Portland thuộc tiểu bang Oregon cùng với người vợ thứ hai mà bà vẫn còn chung sống với ông cho đến ngày nay. Bà tên là Kim Ái, tên nước ngoài là Lauren Kim, là người đã ở bên cạnh ông vào những lúc gian nan nhất cũng như là hạnh phúc nhất.

Năm 1998, ông có trở về thăm quê hương Ninh Thuận một lần nhưng không tham gia hoạt động âm nhạc; cũng trong năm này ông thực hiện một CD mang chủ đề Mãi Mãi Bên Em gồm 10 ca khúc do chính ông cùng một số nữ ca sĩ nổi tiếng từ trước năm 1975 trình bày - album đã được phát hành bởi Từ Công Phụng Productions và đại diện phát hành bởi Thăng Long Music. Năm 2002, ở tuổi tròn 60, nhạc sĩ Từ Công Phụng xuất hiện trong chương trình Paris By Night 64 - Đêm Văn Nghệ Thính Phòng cùng hai nhạc sĩ là Vũ Thành AnTuấn Khanh.

Năm 2007, nhạc sĩ Từ Công Phụng bị chẩn đoán ung thư túi mật và đã được giải phẫu, tuy nhiên di chứng để lại đã khiến sức khỏe của ông suy yếu, dẫn đến vào năm 2010, ông lại được chẩn đoán ung thư gan ở giai đoạn cuối, bác sĩ nói ông chỉ còn có thể sống được 3 tháng nữa; tuy nhiên nhờ vào niềm tin, ý chí và tinh thần lạc quan cùng với sự cứu chữa tận tình của bác sĩ và sự chăm sóc chu đáo của vợ, ông đã hồi phục và sống khoẻ mạnh trong 10 năm qua. Tháng 5 năm 2008, ông lại trở về Việt Nam và lần này có biểu diễn trong chương trình "45 năm tình ca Từ Công Phụng" tại một phòng trà có tiếng ở Sài Gòn.

Cho đến hiện tại, Từ Công Phụng vẫn tiếp tục theo dõi sức khỏe kể từ sau khi chữa khỏi khối ung thư trong gan hơn một thập kỷ trước. Ngày 7 tháng 10 năm 2019, thi sĩ Du Tử Lê, tác giả của nhiều bài thơ mà Từ Công Phụng đã phổ nhạc và là một người bạn thân của ông đã qua đời. Năm 2020, vợ chồng Từ Công Phụng có cơ hội được giao lưu với vợ chồng Tô Ngọc Thủy và cuộc gặp gỡ này đã đưa đến dự định tổ chức một liveshow chủ đề nhạc Từ Công Phụng mang tên Trên Ngọn Tình Sầu nhưng đã bị hủy bỏ do dịch COVID-19. Ba năm sau, tựa đề và kịch bản của liveshow được sử dụng lại cho chương trình Paris By Night số 135 nhằm hoàn thành lời hứa tổ chức đêm nhạc này với ông. Sau thành công của chương trình này, số tiền mà Từ Công Phụng nhận được từ chương trình được ông dành tặng hết cho cộng đồng người dân tộc Chăm vì ông có xuất thân là người Chăm.[2]

Ngày 21 và 22 tháng 9 năm 2024, trung tâm Thúy Nga cùng đài truyền hình VietFaceTV và hai tòa soạn Sàigòn Nhỏ và Người Việt cùng tổ chức buổi ra mắt tuyển tập nhạc mang tên Tình Khúc Từ Công Phụng.[3][1]

Sự nghiệp âm nhạc[]

Các ca khúc sáng tác[]

Nhạc sĩ Từ Công Phụng đã sáng tác hơn 200 ca khúc trong sự nghiệp kéo dài của mình.[2]

Tên ca khúc Năm sáng tác
Âm Thầm Mưa (thơ: Tuệ Nga) 1988
Bài Cho Em 1965
Bây Giờ Tháng Mấy 1960
Bây Giờ Tháng Mấy 2 (thơ không rõ tác giả) 1964
Bên Dòng Tịch Liêu[4]
Bên Kia Đời Quạnh Quẽ 1997
Bóng Hoàng Hôn
Cánh Chim Vùng Hoang Dại
Còn Một Buổi Chiều
Đêm Không Cùng 1969
Đêm Độc Thoại
Đời Bỗng Phù Du 1985
Đừng Nữa Nhé, Chia Ly (thơ: Du Tử Lê) 1994
Giận Hờn (thơ: Nguyễn Đình Nhạc) 1997
Giáng Sinh Xanh
Giọt Lệ Cho Ngàn Sau 1969
Hóa Kiếp (thơ: Nguyễn Đông Ngạc)
Hóa Thạch (thơ: Hà Huyền Chi) 1992
Khi Tôi Đến Nơi Đây 1981
Kiếp Dã Tràng 1968 - 1969
Lời Của Mẹ
Lời Của Thành Phố 1968
Lời Cuối 1968
Mãi Mãi Bên Em 1998
Mắt Em Buồn (thơ: Linh Vũ)
Mắt Lệ Cho Người 1972
Mòn Mỏi[4] 1968
Một Góc Đời Phôi Pha 1997
Mùa Thu Mây Ngàn 1963
Mùa Xuân Trên Đỉnh Bình Yên 1968
Mưa Trên Ngày Tháng Đó 1968
Nằm Nghe Em Hát Trên Vùng Biển 1976
Ngồi Bên Nhau
Như Chiếc Que Diêm 1975
Như Ngọn Buồn Rơi 1969
Rời Nhau 1965
Tạ Ơn Em (Giữ Đời Cho Nhau) (thơ: Du Tử Lê) 1970
Thiên Đường Hiu Quạnh (ý: Ngô Xuân Hậu)
Thư Khúc (thơ: Nguyễn Hùng)
Trên Tháng Ngày Đã Qua 1968
Tình Tự Mùa Xuân 1971
Trên Ngọn Tình Sầu (thơ: Du Tử Lê) 1970
Tuổi Xa Người 1967
Từ Khúc 1969
Vào Mưa
Xứ Thâm Trầm (lời: Đông Duy) 1968
Yêu Người (lời: Hạ Đỏ Bích Phượng)[4] 2022

Xuất hiện trong các chương trình Paris By Night[]

STT PBN số Mục đích xuất hiện
1 58 Trình bày liên khúc Tuổi Xa Người & Bài Cho Em cùng với Khánh Ly.
2 64 Xuất hiện trong chương trình Paris By Night vinh danh ông.
3 94 Xuất hiện với vai trò được phỏng vấn.
4 135 Xuất hiện trong chương trình Paris By Night vinh danh ông.

Xuất hiện trong các chương trình đặc biệt & sự kiện khác[]

Những lần nhạc của Từ Công Phụng được sử dụng trong các chương trình Paris By Night[]

Tính đến thời điểm hiện tại, trung tâm Thúy Nga đã có 53 lần sử dụng nhạc của Từ Công Phụng vào các chương trình PBN, trong đó đã tính 38 tiết mục trong 2 chương trình PBN 64 và 135. Danh sách này không tính những lần nhạc của Từ Công Phụng xuất hiện trong 2 chương trình trên.

STT PBN số Tên phần trình diễn Ca sĩ thể hiện Ghi chú
1 6 Bây Giờ Tháng Mấy Lưu Hồng Lần đầu tiên nhạc của Từ Công Phụng được sử dụng trong các chương trình Paris By Night.
2 18 Tuổi Xa Người Ý Lan
3 29 Như Chiếc Que Diêm
4 50 Tình Tự Mùa Xuân Phi Khanh
5 58 LK Tuổi Xa Người & Bài Cho Em Từ Công Phụng, Khánh Ly
6 75 Mưa Trên Ngày Tháng Đó Bằng Kiều
7 92 Tuổi Xa Người Trần Thái Hòa, Hương Giang
8 94 Như Chiếc Que Diêm Quang Dũng
9 Tình Tự Mùa Xuân Tuấn Ngọc Ca khúc này là một phần trong LK Lời Yêu Thương.
10 100 Giọt Lệ Cho Ngàn Sau Duy Quang, Phi Khanh
11 101 Mùa Xuân Trên Đỉnh Bình Yên Quang Dũng
12 109 Bây Giờ Tháng Mấy Tuấn Ngọc, Khánh Hà Ca khúc này là một phần trong LK Swing.
13 124 Trên Ngọn Tình Sầu Quang Dũng Thơ: Du Tử Lê.
14 128 VIP Giữ Đời Cho Nhau Vũ Khanh
15 130 Đình Bảo

Thư viện ảnh[]

Thông tin bên lề[]

  • Trái với nhiều người từng lầm tưởng cái tên Từ Công Phụng chỉ là bút danh, thật ra đó là tên thật của ông.
  • Ở tuổi 80, Từ Công Phụng trở thành nhân vật lớn tuổi nhất từng xuất hiện trong một livestream do trung tâm Thúy Nga thực hiện. Người lớn tuổi thứ nhì từng xuất hiện trên livestream là Nguyễn Ngọc Ngạn khi ông xuất hiện trong lần livestream giới thiệu Paris By Night 133 vào năm 2022 ở tuổi 77.
  • Cuộc đời của Từ Công Phụng có nhiều đặc điểm giống với nam ca sĩ Chế Linh như sau:
    • Cả hai người cùng sinh năm 1942: Chế Linh sinh ngày 3 tháng 4, Từ Công Phụng ngày 27 tháng 7.
    • Cả hai đều là người dân tộc Chăm.
    • Cả hai đều nổi tiếng mà sự nổi tiếng của họ liên quan đến Đà Lạt: tên tuổi của Chế Linh nổi lên rất nhanh chóng nhờ ca khúc Thành Phố Buồn mà nhạc sĩ Lam Phương đã sáng tác ở Đà Lạt, Từ Công Phụng và Từ Dung là cặp song ca nổi tiếng cùng với Trịnh Công Sơn - Khánh Ly, Lê Uyên - Phương nổi tiếng từ Đà Lạt.
    • Cả hai đều là ca sĩ kiêm nhạc sĩ, đồng thời tự trình bày những ca khúc do chính mình sáng tác.
    • Cả hai đều có một hay những cuộc hôn nhân đầu không được trọn vẹn: Chế Linh đã phải trải qua ba đời vợ liên tục từ năm 1967 đến năm 1975, Từ Công Phụng sớm ly hôn với người vợ đầu vào sau năm 1975.
    • Cả hai đều vượt biên ra nước ngoài sinh sống sau một thời gian sau biến cố 30 tháng 4 năm 1975.
    • Cả hai đều nói được tiếng Pháp và có những hoạt động liên quan đến giáo dục Pháp: Chế Linh có một thời gian sống tại Pháp và tham gia dự án nghiên cứu về dân tộc Chăm tại trường đại học Sorbonne; Từ Công Phụng học nhạc với chương trình dạy nhạc của Pháp nên có thể nói được tiếng Pháp.
    • Cả hai đều đã và đang sinh sống ở những khu vực phía Bắc của Bắc Mỹ: Chế Linh hiện đang sống tại Canada, Từ Công Phụng sống ở tiểu bang Oregon vốn nằm ở phía Tây Bắc của Hoa Kỳ.
    • Cả hai đều đã từng xuất hiện trong một livestream của trung tâm Thúy Nga khi đã ngoài 70 tuổi: Chế Linh từng xuất hiện trong livestream đặc biệt trong quá trình thực hiện Paris By Night 120 - Còn Chút Gì Để Nhớ vào năm 2016 ở tuổi 74.
    • Cả hai đều từng xuất hiện trong một chương trình Paris By Night thu hình trong năm 2023: Từ Công Phụng xuất hiện trong Paris By Night 135 - Từ Công Phụng - Trên Ngọn Tình Sầu; Chế Linh xuất hiện trong Paris By Night 137 - 40 Năm Hành Trình (Phần 2): Tác Giả & Tác Phẩm.
    • Cả hai đều phát hành tập nhạc tuyển tập các tác phẩm của họ trong thập niên 2020: Chế Linh ra mắt tuyển tập các tác phẩm do chính ông sáng tác với bút danh Tú Nhi mang tên Chế Linh - Tình ca Tú Nhi.
  • Ý Lan khẳng định rằng trong rất nhiều đêm nhạc trữ tình và thính phòng mà cô tham gia, không có đêm nào mà khán giả lại không yêu cầu cô hát một bài của Từ Công Phụng.[5]
  • Sinh thời, Tô Văn Lai từng hối thúc Tô Ngọc Thủy thực hiện một chương trình về chủ đề nhạc Từ Công Phụng vì không biết rằng ông sẽ ra đi vào lúc nào.[5]
  • Giống như một số nhạc sĩ cùng thời, ông học nhạc theo chương trình của người Pháp nên ông có thể nói được tiếng Pháp.[4]
  • Đối với Trần Thái Hòa, nhạc của Từ Công Phụng khó hát nhất vì ông sử dụng các quãng âm rộng để viết.[6]
  • Email của Từ Công Phụng trong khoảng cuối thập niên 1990, đầu thập niên 2000 là tucongp@aol.com.

Chú thích[]

Advertisement