“ | Chuyện gì rồi cũng qua... Thời gian qua thật nhanh, rồi tóc bạc, da nhăn, rồi xuống lòng đất. Nên cố gắng để Tâm Đức lại, để kỷ niệm tốt đẹp còn lưu lại vài năm sau. Rồi Thanh Nga, Hùng Cường,... cũng đi vào quá khứ. Nói qua rồi nói lại... rồi cũng đi vào im lặng, chỉ nghe gõ mõ tụng kinh rồi trở nên tro bụi. Nên từ bi hỷ xả còn gặp nhau tại thế giới bên kia... |
” | |
—Tô Văn Lai viết về cuộc đời con người, và cũng là thông điệp dành riêng cho nhạc sĩ Nguyễn Đức |
Tô Văn Lai là một trong hai nhà sáng lập của trung tâm Thúy Nga, cùng với phu nhân là bà Nguyễn Thị Thúy.
Tiểu sử[]
Thời niên thiếu[]
Tô Văn Lai sinh ngày 11 tháng 5 năm 1937[1][2] (có nguồn ghi ông sinh ngày 12 tháng 5) tại Sàigòn - Gia Định.[3] Từ nhỏ, ông đã được học và tìm hiểu về những giá trị và các thành tựu văn hóa nổi tiếng của nước Pháp.
Năm 17 - 18 tuổi, ông có được bằng Thành Chung (Diplôme) nhờ trình độ tiếng Pháp và tiếng Việt xuất sắc (tương đương với bằng tốt nghiệp trung học phổ thông ngày nay), và vào thời điểm đó, những người có bằng này sẽ được trực tiếp trở thành Đại tá. Ông kể rằng, nếu như ông theo nghiệp binh, ông có thể trở thành một sĩ quan cấp tướng và có thể đã chết vì bị đày đi cải tạo.
Sự nghiệp trước năm 1975[]
Gia đình ông từng mong ông trở thành bác sĩ, nhưng mong ước đó đã không thành vì hoàn cảnh gia đình thiếu thốn không đủ để lo cho ông theo học ngành này. Sau khi có bằng Thành Chung, ông đã theo học Sư phạm tại Đại học Sư phạm Đà Lạt theo ý nguyện của mẹ (vì ngành Sư phạm đào tạo trong vòng 3 năm trong khi ngành Y phải mất tới 7 năm). Khi được trúng tuyển vào Sư phạm, ông được nhận vào ban Triết học của ngành và tu nghiệp tại Viện Đại học Đà Lạt. Ra trường với bằng đại học cấp cao vào mùa hè năm 1963, ông được bổ nhiệm dạy học tại trường Nguyễn Đình Chiểu tại Mỹ Tho, bắt đầu từ niên khóa 1963 - 1964. Ngoài việc giảng dạy và luyện thi Tú Tài cho các học sinh Đệ nhị cấp (tương đương với lớp 11 hoặc năm thứ sáu của bậc Trung học ở Việt Nam vào thời điểm hiện tại), ông còn phụ trách tuyển chọn nhạc cho chương trình Văn nghệ Phát thanh Học đường hàng tuần, và thời gian trôi qua, ông đã bắt đầu có đam mê trong lĩnh vực nghệ thuật. Ông cũng từng dạy thêm tại các trường tư thục ở Gia Ðịnh, Văn Hóa Quân Ðội bên cạnh việc chính là giảng dạy trường nữ Lê Ngọc Hân đã tách ra từ trường Nguyễn Đình Chiểu trong ba ngày đầu tiên trong tuần - vào những ngày còn lại trong tuần, ông mở lớp dạy thêm tại nhà số 265 Bis Võ Tánh, bên cạnh tư gia của thủ tướng Việt Nam Cộng hòa Trần Văn Hương.
Vào một thời điểm nào đó sau khi tốt nghiệp đại học, Tô Văn Lai đã gặp bà Thúy và kết hôn với bà. Năm 1964, hai người có một người con gái là Tô Ngọc Thủy. Sau đó, vợ chồng ông đã có thêm một người con trai nữa, đặt tên là Tô Ngọc Kim. Năm 1966, Tô Văn Lai có cơ hội sang Cambod một lần, khi ấy ông 29 tuổi.
Đầu thập niên 1970, ông mua một cửa hàng băng đĩa tại thương xá Tam Đa (Crystal Palace) tại số 13B đường Công Lý và bà Nguyễn Thị Thúy là người trực tiếp điều hành nó. Năm 1972, cửa hàng này đã sản xuất ra album thứ hai là Thanh Tuyền 1 - Tiếng Hát Thanh Tuyền thu dưới dạng băng cối, sau album đầu tiên Thái Thanh Sélection tuyển chọn những ca khúc do danh ca Thái Thanh trình bày. Sau này, album đã nổi tiếng và bán chạy đến mức nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông bấy giờ là giám đốc hãng băng đĩa Continental từ mặt Thanh Tuyền suốt hai năm, và một năm sau đó, trung tâm Thúy Nga được thành lập mà sau đó, trung tâm Thúy Nga còn sản xuất thêm một số cuốn băng khác của Khánh Ly. Chính bản thân ông cũng từng thừa nhận rằng ông đã nhận phải một khoản lỗ nặng khi phát hành băng đầu tiên.
“ | Ai ở Sài Gòn thời đó đều biết cửa hàng của ba má tôi trong thương xá Tam Đa, cạnh nước mía Viễn Đông, gần cửa hàng của chú Ngọc Chánh. Gian hàng của chú Phạm Mạnh Cương thì ở trên lầu. Trong thương xá đó còn có nhiều cửa hàng băng nhạc khác... | ” | |
—Tô Ngọc Thủy nhắc về cửa tiệm Thúy Nga đầu tiên tại Sàigòn[4] |
“ | “Tôi lỗ tơi bời,” Tô Văn Lai nhớ lại, “giới trí thức sành điệu ở Sài Gòn khá hà tiện.” Họ là những người dường như luôn rón rén so đo giữa nghệ thuật và tiền bạc. “Họ thèm khát những chương trình do tôi làm ra, nhưng lại rất hiếm khi bỏ tiền ra mua chúng.” Là một người am tường nghệ thuật, Tô Văn Lai sợ hãi sự tầm thường, đặc biệt là những thứ nghệ thuật rẻ tiền. Tuy nhiên, “không giống như toán và khoa học với những lời giải chắc chắn, nghệ thuật khơi dậy muôn vàn cung bậc cảm xúc khác nhau,” Tô Văn Lai nói. Với thị hiếu đẳng cấp nằm ngoài tần số cảm nhận của đông đảo quần chúng, những gì ông xem là uỷ mị, sướt mướt thì lại trở nên quyến rũ lạlùng với nhiều người khác. Băng nhạc thứ hai được ra đời ở Sài Gòn là những bản tình ca của Thanh Tuyền, một danh ca khác của dòng nhạc mới, nổi tiếng với các tình khúc nhạc vàng miền Nam, được vang lên trên khắp các chuyến xe khách từ thành thị đến nông thôn, từ miền quê ra thành phố, trôi vời vợi, miên man trên những con đường Sài Gòn. | ” | |
—Võ Hương Quỳnh, Trên Tháng Ngày Hờ Hững Phôi Phai[5] |
Sau sự kiện 30 tháng 4 năm 1975, hãng băng đĩa Thúy Nga đóng cửa và ông không còn được dạy học tại trường công lập như trước. Gia đình ông ở lại Sài Gòn cho đến tháng 12 năm 1976 mới vượt biên sang Pháp - cách đó hai tháng trước ông đã gặp lãnh sự Pháp Michel Mocombes và cho biết ông là giáo sư Pháp và có phu nhân là người mang quốc tịch Pháp, và gia đình ông đã được bảo lãnh sang Pháp bằng cách này.[4] Gia đình ông từ đó bắt đầu xây dựng cuộc sống tại Paris với toàn bộ những tài liệu liên quan đến văn hóa, nghệ thuật từ thời Việt Nam Cộng hòa mang theo, trong đó có những băng nhạc băng gốc master ghi âm những giọng ca tên tuổi với những ca khúc nổi tiếng - giai điệu dành cho người xa xứ mà ông may mắn giữ lại được sau một thời gian chính quyền cộng sản từ ngoài Bắc tràn vào thi hành chính sách xóa bỏ văn hóa phẩm của miền Nam Việt Nam bằng cách đốt bỏ và phá hủy những sách vở, tài liệu và băng nhạc quý giá mà những người cộng sản năm đó cho là "văn hóa đồi trụy của Mỹ - ngụy".
“ | Đặt chân lên đất Pháp trong mùa Giáng sinh 1976 thật là một HẠNH PHÚC RỰC SÁNG khi đã thực hiện được giấc mơ mà mình đã ôm ấp từ khi tuổi lên 5, cắp sách đến trường làng Việt Nam để học ngôn ngữ Pháp, lịch sử Pháp, KỊCH ẢNH văn hóa Pháp như Le Cid (P. Corneille), Andromaque (J. Racine), Harpagon (Molière), Fables (La Fontaine)…nghệ thuật ca diễn tượng trưng cho nền văn minh Pháp đã trải qua nhiều thế kỷ mà hôm nay những gì học được trong sách vở mới hiện ra trước mắt, bao nhiêu tượng đài lịch sử mà văn hóa trường lớp đã dạy mình lúc còn ở Việt Nam như Palais Royal, Ngục Bastille, Place de la Concorde, Champs Élysées, Sacré Coeur Basilica trên đồi Montmartre và khu Moulin Rouge... Trong lịch sử văn hóa Pháp cũng không thể quên 2 triết gia danh tiếng là Descartes (Je pense donc je súis) và Pascal (Le coeur a ses raisons que la raison ne connait point). | ” | |
—Tô Văn Lai, Nói về Thúy Nga - Paris By Night (Phần 4) |
Tái thành lập trung tâm Thúy Nga tại hải ngoại[]
Gia đình Tô Văn Lai sống trong một chung cư dành cho người Pháp hồi hương tại Oissel – một thành phố nhỏ gần Rouen, cách thủ đô Paris 200 km. Tại xứ người, cả ông lẫn bà Thúy vẫn còn muốn ấp ủ mong muốn xây dựng lại trung tâm Thúy Nga với quy mô lớn hơn tại hải ngoại, và ông đã làm nhiều nghề khác nhau để kiếm tiền mua lại một cửa hàng của "kinh đô ánh sáng" Paris và trang trải cuộc sống. Sang tháng 2 năm 1979, vợ chồng ông tiếp quản một cây xăng ở thành phố Bondy, ngoại ô Paris theo hình thức nhượng quyền (franchise) và bắt đầu xây dựng sự nghiệp ở Pháp từ đó.[4]
Năm 1981, cửa hàng đầu tiên của trung tâm Thúy Nga tại hải ngoại và cũng là cửa hàng băng đĩa đầu tiên do người Việt quản lý được thành lập tại số 45 Boulevard Saint Germain des Prés tại quận 5 thành phố Paris, được Tô Văn Lai mô tả là con đường văn hóa danh tiếng của Pháp lúc xưa thường có mặt các triết gia Jean Paul Sartre, Simone de Beauvoir tại các quán café và cũng trên đại lộ này xưa kia đã có danh họa Picasso bày bán những tranh họa của mình trên hè phố - ông cho rằng việc thành lập cửa hiệu này là một "phép lạ của Thiên chúa". Rất nhiều tên tuổi ca sĩ nhạc sĩ lừng lẫy của Sài Gòn trước 1975 như nhạc sĩ Lam Phương, ca sĩ Hương Lan, Ngọc Hải, nhà tổ chức ca nhạc Hà Phong, ca sĩ Bạch Yến, Thanh Mai… đến chung vui ngày khai trương tiệm băng đĩa Thúy Nga Paris.
Năm 1983, Tô Văn Lai tìm đến công ty truyền thông Euromedia và ngỏ ý cùng với nhà sáng lập kiêm giám đốc Jean Pierre Barry thực hiện chương trình Paris By Night đầu tiên, và vào cuối năm, chương trình Paris By Night số 1 đã được phát hành.[6] Sau khi thực hiện thành công chương trình Paris By Night đầu tiên, vợ chồng Tô Văn Lai mang băng VHS của chương trình này sang Hoa Kỳ và nhượng tác quyền phát hành dưới dạng băng VHS cho Bích Liên (đại diện vũ trường Tự Do nơi tổ chức buổi ra mắt cuốn băng PBN đầu tiên) băng cassette cho hãng băng Thanh Lan, và hãng băng này cũng là nhân tố đã mang Paris By Night đến với các cộng đồng người Việt hải ngoại tại Hoa Kỳ và Canada sau này.[7] Ba năm sau nữa, gia đình ông mới có đủ vốn để thực hiện tiếp chương trình Paris By Night thứ hai. Năm 1984, Marie Tô đã đậu Tú tài II.
Lúc đó các chương trình Paris By Night được sản xuất và phát hành tại Paris, nội dung có hơi hướng đến những tuồng cải lương, sau đó vì phát hiện ra có một số thành viên tham gia các vở cải lương bị bệnh (Hương Lan từng bị bệnh trong quá trình thu hình vở cải lương Lương Sơn Bá, Chúc Anh Đài) nên Tô Văn Lai mới đi đến quyết định hướng trung tâm Thúy Nga phát triển những chương trình ca nhạc kịch múa tổng hợp như được biết sau này. Được biết, mặc dù gặp phải những ý kiến không mấy lạc quan về việc nhạc Việt không thể cạnh tranh nổi và ngôn ngữ mẹ đẻ đang dần mai một trên xứ người, Tô Văn Lai vẫn tiếp tục sự nghiệp điều hành và phát triển trung tâm Thúy Nga cùng với các sản phẩm của nó với một tư tưởng duy nhất: khi nhớ về những người di dân khác đã đến như thế nào và bảo lãnh gia đình họ ra sao, rồi cộng đồng người Việt đông dần lên như thế nào và sự khao khát được nghe lại những giai điệu của hoài niệm ra sao, thì chỉ có những khúc tình ca ngày cũ mới xoa dịu được nỗi nhớ nhà, những buồn thương, sầu muộn của những người Việt xa xứ.[5]
Năm 1989, con trai ông là Tô Ngọc Kim cũng đã đậu Tú tài II, Marie Tô cùng Paul Huỳnh sau đó cũng đã rời Pháp và sang Hoa Kỳ tiếp tục mở một chi nhánh khác của trung tâm Thúy Nga mà sau này nó đã trở thành trụ sở chính, vài năm sau đó Tô Văn Lai mới nhập tịch Hoa Kỳ cùng các con cháu - một trong những nguyên nhân phải kể đến việc gia đình ông tìm đường qua Mỹ là vào năm 1983, sau thành công của chương trình PBN đầu tiên, vợ chồng ông đã bay đến tiểu bang California, ghé vào tiểu bang Little Saigon và có dịp được gặp gỡ nhạc sĩ Anh Bằng, người chỉ vừa mới sáng lập hãng băng đĩa Dạ Lan (tiền thân của trung tâm Asia) được một năm, và khi biết được trung tâm Dạ Lan vừa mới mở được một năm đã nhận được một đơn đặt hàng lên tới 500 băng cassette đến từ nhà sách Alpha của tiểu bang Virginia, ông bà nhà họ Tô đã thấy được tiềm năng lớn của Hoa Kỳ trong việc phát triển trung tâm Thúy Nga lên đến một tầm cao mới.[5]
Năm 1991, nhạc sĩ Vũ Thành An và gia đình đến Hoa Kỳ, và đích thân Tô Văn Lai đã giúp đỡ nhạc sĩ trong việc hòa nhập với người Mỹ cũng như văn hóa người bản địa, và từ đó trung tâm Thúy Nga cũng có mối thâm tình với tác giả các ca khúc "không tên".
Tiếp tục phát triển trung tâm Thúy Nga[]
Sau lời đề nghị của John Pierre Barry, Tô Văn Lai chủ động đi tìm những người có khả năng phù hợp để làm MC lâu dài cho trung tâm Thúy Nga, tuy nhiên suốt mấy năm trời ông chưa thể nào tìm được một người hội đủ các yếu tố: hài hước, uyên bác, duyên dáng, lôi cuốn như mong đợi của bản thân. Rồi ông quyết định tìm đến cửa hàng sách Tú Quỳnh (cũng nằm tại Paris) như là một giải pháp nhằm tìm kiếm người phù hợp thông qua khả năng văn chương của họ.[5] Khi biết được cuốn sách bán chạy nhất của cửa hàng là do nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn sáng tác, và khi biết được câu chuyện Nguyễn Ngọc Ngạn vượt biên cùng gia đình mà chỉ mình ông còn sống và từ nỗi đau mất người thân mà đã viết nên một tác phẩm bán chạy như vậy, vào tháng 5 năm 1992, Tô Văn Lai gửi một số cuốn băng VHS các chương trình Paris By Night đến cho Nguyễn Ngọc Ngạn hiện đang định cư tại Toronto, Canada cùng một lá thư với ngỏ ý muốn Nguyễn Ngọc Ngạn cộng tác với trung tâm Thúy Nga trong việc làm MC trong các chương trình Paris By Night.[8]
Vì vấp phải lý do gia đình lúc đầu không đồng ý cho ông tham gia làm MC nên một thời gian khá lâu sau Nguyễn Ngọc Ngạn mới chấp thuận lời mời của ông Lai và sau này ông Lai đã gọi điện cho Nguyễn Ngọc Ngạn để mời ông sang Paris, và cũng từ sau chương trình Paris By Night số 17, Nguyễn Ngọc Ngạn trở thành MC độc quyền cho các chương trình Paris By Night. Mặc dù sau này Nguyễn Ngọc Ngạn đã từng không dưới một lần gây ra scandal khiến trung tâm phải hứng chịu chỉ trích nặng nề từ các cộng đồng người Việt cả trong nước lẫn hải ngoại, hầu như ông không có phản ứng gì nặng nề với nhà văn, bù lại ông còn tiếp tục tạo cho Nguyễn Ngọc Ngạn thêm nhiều cơ hội để tiếp tục thể hiện tài năng của mình thông qua các chương trình Paris By Night.
Chính bản thân ông cũng là người đã gửi lời mời đến các nhạc sĩ nhất định hoặc chủ động tìm đến họ, dù họ đang sống tại hải ngoại hay đang ở Việt Nam, để mời họ cộng tác thực hiện những chương trình Paris By Night với chủ đề vinh danh dòng nhạc của những nhạc sĩ đó, và nhạc sĩ Lam Phương đã trở thành một trong những bằng hữu thân thiết của gia đình ông khi Tô Văn Lai có nhiều lần tổ chức chương trình ca nhạc vinh danh dòng nhạc của ông.
Sản phẩm thành công nhất của Thúy Nga là loạt chương trình Paris By Night sau đó được phát hành hàng năm kể từ năm 1987, là chương trình theo thể loại “đại nhạc hội” bao gồm hầu hết các thể loại tân nhạc, cổ nhạc, nhạc trữ tình trước năm 1975, vũ đạo, sau bổ túc thêm hài kịch, phóng sự, nhạc theo chủ đề,... Thời đỉnh cao của trung tâm đã kéo dài từ thập niên 1990 cho đến tận đầu thập niên 2010, và trong thời gian này, ông Tô Văn Lai cũng đã âm thầm giao trách nhiệm giám đốc/CEO cho vợ chồng cô Tô Ngọc Thủy sau khi chứng kiến được những thành tựu mà vợ chồng con gái đã đạt được sau những lần trở thành giám đốc sản xuất của hơn 30 chương trình Paris By Night, và đồng thời trở thành người lên kế hoạch và cố vấn nội dung cho các chương trình sau này. Năm 2000, trung tâm Thúy Nga cho ra mắt tạp chí Văn nghệ nhằm mục đích quảng cáo cho các chương trình Paris By Night và luận bàn về nghệ thuật âm nhạc của người Việt trước và sau năm 1975.
Năm 2002, nữ ca sĩ Ngọc Hạ, khi ấy mới 21 - 22 tuổi, xuất hiện lần đầu trong chương trình Paris By Night 63 - Dòng Thời Gian. Vào thời điểm cô mới trở thành ca sĩ của trung tâm Thúy Nga, Nguyễn Ngọc Ngạn là người đã dẫn dắt cô đến với con đường ca sĩ trong khi Tô Văn Lai tìm cách đưa cô đi chữa bệnh mất ngủ kinh niên và vợ chồng Tô Ngọc Thủy tạo điều kiện cho Ngọc Hạ tiếp tục được thể hiện tài năng của mình trên sân khấu Paris By Night - nhờ vậy nên sau này Ngọc Hạ mang ơn trung tâm rất nhiều. Tính đến năm 2003, trung tâm Thúy Nga ngoài có một trụ sở chính ở Little Saigon, California còn có một cửa hàng băng đĩa khác ngụ tại 44 Avenue D'Ivry, quận 13, thủ đô Paris.
Tháng 2 năm 2006, sau thành công của chương trình Paris By Night 81 - Âm Nhạc Không Biên Giới 2, ông Tô Văn Lai trở về Việt Nam và tìm gặp nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông, bây giờ đã về hưu và mở một tiệm tạp hóa. Hai người đã thảo luận và lên kế hoạch cho một chương trình Paris By Night với chủ đề vinh danh nhạc sĩ kiêm cựu Đại tá Quân lực Việt Nam Cộng hòa này. Tuy nhiên, việc nhạc sĩ không thể ra nước ngoài đã khiến ông phải gác lại việc thực hiện chương trình này theo kịch bản đã đề sẵn, và một kịch bản khác đã được lập ra để thay thế, và kịch bản đó đã được sử dụng để thực hiện Paris By Night 82 - Tiếu Vương Hội.
Năm 2007, ông Lai từng bị bắt khi về Việt Nam quay phim cho chương trình của Thúy Nga mà không đăng kí xin phép chính quyền Việt Nam. Qua kiểm tra của công an Việt Nam thì ông Lai mang cùng hơn 30 băng, đĩa có các cảnh quay tại Việt Nam để chuẩn bị cho chương trình Paris By Night 90 - Chân Dung Người Phụ Nữ Việt Nam. Theo kịch bản, đây sẽ là một DVD mang nội dung về phụ nữ Việt trong xã hội Việt Nam thời mở cửa, có đề cập đến về vấn đề phụ nữ lấy chồng Đài Loan, Trung Quốc... Sau sự cố này, ông Tô Văn Lai được về nước, và kịch bản chương trình đã thay đổi và chủ yếu tập trung vào những người phụ nữ Việt tại hải ngoại nhiều hơn. Năm 2008, trung tâm Thúy Nga lại bị chỉ trích bởi chính quyền cộng sản Việt Nam thông qua nhạc kịch Huế Mậu Thân mô tả sự kiện Mậu Thân năm 1968.
Đầu thập niên 2010, giáo sư cùng với các cộng sự thành lập đài truyền hình VietFaceTV. Năm 2012, trung tâm Thúy Nga thực hiện chương trình Paris By Night kỷ niệm 20 năm nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn cộng tác với trung tâm Thúy Nga, và ông là người đã ca ngợi những cống hiến của Nguyễn Ngọc Ngạn và trao tặng kỷ niệm chương/quà lưu niệm cho nhà văn. Năm 2015, tạp chí Văn nghệ phát hành ấn bản thứ 46 và cũng là số cuối cùng.
Ngày 26 tháng 2 năm 2018, nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông qua đời. Biết tin, gia đình ông đã tìm lại kịch bản mà chính ông Lai đã lên kế hoạch từ mười hai năm về trước cùng với cố nhạc sĩ, hoãn lại kế hoạch thực hiện series Hành Trình 35 Năm để thực hiện chương trình Paris By Night 125 - Chiều Mưa Biên Giới để tưởng nhớ đến ông.
Thập niên 2020[]
Năm 2020, khi đại dịch COVID-19 bùng nổ trên thế giới và trung tâm Thúy Nga thực hiện MV Áo Trắng Áo Xanh, Tô Văn Lai có thể được nhìn thấy đang đứng cạnh gia đình mình trong MV, chứng tỏ rằng gia đình ông vẫn khỏe mạnh và chưa bị nhiễm virus. Tháng 12 cùng năm, ông Lai một lần nữa xuất hiện dưới ống kính camera của trung tâm Thúy Nga khi ông dự lễ tang nghệ sĩ Chí Tài cùng con gái ông và nhiều nghệ sĩ trong cộng đồng người Việt hải ngoại. Đầu năm 2021, ông tham gia lễ an táng cố nhạc sĩ Lam Phương vốn là một trong những người bạn cố tri của mình và cả gia đình. Tô Văn Lai cũng chính là một trong những người ở bên linh cữu cố nhạc sĩ cho đến khi thi hài nhạc sĩ được đưa vào hỏa táng.
Ngày 12 tháng 10 năm 2021, Tô Văn Lai xuất hiện trong lễ tang của nghệ sĩ Phi Nhung. Ông gặp một ít khó khăn trong vấn đề đi lại và cần người giúp đỡ. Ngày 7 tháng 11, ông có dịp được hội ngộ cùng nhạc sĩ Phạm Mạnh Cương, Trường Sa và Tuấn Khanh trong đêm nhạc Thương Hoài Ngàn Năm & Xin Còn Gọi Tên Nhau. Được biết, Tô Văn Lai mặc dù tưởng chừng như đã nghỉ hưu nhưng ông vẫn tự mình biên soạn nội dung, kịch bản cho nhiều liveshow gần đây của trung tâm Thúy Nga tại Quận Cam.
Giữa tháng 4 năm 2022, trong một lần đi ăn tại nhà hàng Á Đông, Tô Văn Lai bất ngờ bất tỉnh sau một cơn đau tim và được đưa vào bệnh viện cấp cứu. Trung tâm Thúy Nga sau đó thông báo về việc ông đang gặp vấn đề lớn về sức khỏe (sau này được tiết lộ là ông đang mắc bệnh tim) khi phải nhập viện và dưỡng bệnh trong ICU (đơn vị điều trị tích cực) tại Trung tâm Y tế Orange Coast.
“ | Trên giường bệnh trong ICU ông Ngoại không nói được... nhưng đã viết nguệch ngoạc những dòng chữ này vì ông Ngoại biết trước từ lâu ngành nghề làm nghệ thuật của gia đình không thể tiếp tục lâu dài... nên ông dặn dò cháu ngoại cưng của ông Nathalie phải mở tiệm bán bánh để hầu lo cho Daddy & Mommy (Thủy) sau này... | ” | |
—Tô Ngọc Thủy viết về tình hình của cha mình vào ngày 27 tháng 4 (26 tháng 4 theo giờ địa phương) |
Ngày 28 tháng 4 năm 2022, ca sĩ, MC Anh Dũng khi đang tham gia livestream giới thiệu liveshow Con Thương Nhớ Mẹ thì phát hiện ra tài khoản Facebook của Tô Văn Lai đang theo dõi livestream, chứng tỏ vào thời điểm này ông đã tỉnh lại và đang theo dõi chương trình. Được biết, liveshow Con Thương Nhớ Mẹ tổ chức vào ngày 8 tháng 5 năm 2022 là liveshow cuối cùng mà Tô Văn Lai tham gia thực hiện thông qua việc trực tiếp biên soạn danh sách tiết mục và tuyển chọn nghệ sĩ thực hiện. Đúng ngày sinh nhật lần thứ 85 của giáo sư theo giờ địa phương, Tô Ngọc Thủy đã thông báo trên Facebook rằng tình trạng của ông đã cải thiện và được chuyển từ ICU sang phòng thường để tiếp tục điều trị, tuy nhiên, chiều tối ngày 2 tháng 6, tình hình của ông diễn biến xấu trở lại, phải can thiệp bằng máy trợ thở. Hơn hai tuần lễ trôi qua và ông vẵn còn nằm trong tình trạng nguy kịch, và theo như Tô Ngọc Kim cho hay, trong khoảng thời gian cuối cùng của cuộc đời ông, hệ tuần hoàn (tim) của ông chỉ hoạt động được 10%.
Trong thời gian lâm trọng bệnh, ông đã viết một dòng chữ để lại cho cháu ngoại út của mình là Huỳnh Linh Thảo, thể hiện mong muốn Nathalie tiếp tục duy trì tiệm bánh của mình.[9]
Qua đời[]
Ngày 19 tháng 7 năm 2022, sau 45 ngày kể từ lần nhập viện cuối cùng để điều trị bệnh tim và nhiễm trùng máu và 2 ngày trở về nhà riêng, Tô Ngọc Thủy đã thông báo rằng giáo sư đã trút hơi thở cuối cùng vào lúc 11 giờ 5 phút sáng, hai tháng sau khi bước sang tuổi 85.[10] Ngoài các thành viên trong gia đình chứng kiến cái chết của ông, nữ ca sĩ Ngọc Anh là người tiếp theo đến bên cạnh ông sau khi ông đă từ trần.
Post-mortem[]
Theo như báo RFA đưa tin, các tờ báo nhà nước Việt Nam sau khi đồng loạt đưa tin về sự qua đời của Tô Văn Lai được một thời gian ngắn, đều đồng loạt gỡ các bản tin đó khỏi các mặt báo.[11] Ngày 22 tháng 7, trung tâm Thúy Nga thông báo về việc tang lễ của ông được cử hành tại Peek Funeral Home vào ngày 2 và 3 tháng 8 - sau khi suất diễn thứ hai của chương trình Paris By Night 133 kết thúc. Lễ tang của ông thu hút rất nhiều sự quan tâm của giới văn - nghệ sĩ người Việt trong và ngoài nước Mỹ và được rất nhiều nhân vật từng cộng tác với trung tâm Thúy Nga đến dự, trong đó có thị trưởng thành phố Westminster Tạ Đức Trí.
Sau khi Tô Văn Lai qua đời, nam ca sĩ Đình Bảo đã thể hiện ca khúc Khi Thái Sơn Ngả Bóng Cuối Trời của soeur Trầm Hương để tưởng nhớ đến ông; trong chương trình Paris By Night 133, bài hát Bông Hồng Cài Áo được trình bày để tưởng nhớ đến cố giáo sư và tác giả của đoản văn cùng tên, tức thiền sư Thích Nhất Hạnh vừa mới qua đời cùng năm. Ngoài ra, bài hát Đường Trần của nhạc sĩ Lam Phương được thực hiện bởi 24 giọng hát đã và đang cộng tác với trung tâm Thúy Nga được công chiếu trong livestream thánh lễ an táng của giáo sư vào ngày 3 tháng 8. Cố giáo sư được đưa đến nơi an nghỉ cuối cùng tại nghĩa trang The Good Shepherd cùng ngày.
Sau tang lễ của ông năm ngày theo giờ Việt Nam, ảnh background của kênh YouTube cũng như trang Facebook chính thức của trung tâm đổi thành ảnh thông báo về việc sắp tới sẽ đăng tải/công chiếu liveshow Con Thương Nhớ Mẹ vốn là liveshow cuối cùng mà Tô Văn Lai đã tham gia thực hiện với vai trò biên tập nội dung chương trình và tuyển chọn ca sĩ tham gia - liveshow này được công chiếu trên YouTube vào ngày 13 tháng 8 theo giờ Việt Nam - mở đầu liveshow là video clip ngắn quay hình Tô Văn Lai phát biểu vào khoảng thời gian ông còn khỏe[12]:
“ | Trong thế giới tâm linh, ta tin vào Thượng đế, tin vào sinh vật, có âm có dương, có cha có mẹ, có quê hương đất tổ, cho nên chúng ta không thể nào quên nguồn gốc của cha mẹ và quê hương của mình. Ai cũng biết cuộc đời là cát bụi, còn cha còn mẹ thì chúng ta phải hiếu thảo. Công cha nghĩa mẹ thì hay, không cha, không mẹ như cây đàn đứt dây. Trong lễ cha, lễ mẹ hàng năm, chúng ta phải biết là ai cũng là con người, cho nên có thể nói lời "God Bless You" cho những người con có hiếu thảo với cha, với mẹ, với quê hương đất nước. | ” | |
—Tô Văn Lai, mở đầu liveshow Con Thương Nhớ Mẹ |
Ngày 6 tháng 9, thánh lễ cầu siêu 49 ngày tưởng niệm ngày mất của cố giáo sư được cử hành vào lúc 17 giờ 30 phút tại nhà thờ Thánh Linh (Holy Spirit). Ba ngày sau, nhạc sĩ Nguyễn Đức tổ chức đêm tưởng niệm cố giáo sư Tô Văn Lai cũng như tri ân các nghệ sĩ cao niên nhân dịp tết Trung thu tại Sài Gòn. Ngày 27 tháng 10, nhân kỷ niệm tròn 100 ngày mất của cố giáo sư, trung tâm Thúy Nga thực hiện một video dài 24 phút để cho một số nghệ sĩ lão thành tại hải ngoại chia sẻ những ký ức về Tô Văn Lai cũng như gợi lại cho khán giả những lần Tô Văn Lai đích thân xuất hiện trên sân khấu Paris By Night.[13]
Ngày 31 tháng 8 năm 2023, bài báo về giáo sư Tô Văn Lai của nhà báo Kalynh Ngô thuộc tòa soạn Người Việt đoạt giải Ethnic Media Awards - giải thưởng truyền thông dành riêng cho những nghiên cứu về các cộng đồng thiểu số khác nhau tại Hoa Kỳ.[14] Ngày 15 tháng 11, gia đình ông được hội đồng thành phố Fountain Valley tặng tấm tưởng lục ghi nhận các công lao truyền bá, duy trì và phát huy nền văn hoá Việt Nam, đặc biệt trong lãnh vực âm nhạc trước năm 1975, trong các chương trình Paris By Night, góp phần phong phú hoá các hoạt động văn hoá đa dạng của cộng đồng người bản xứ.
Ngày 1 tháng 5 năm 2024, nhạc sĩ Vũ Thành An công bố dự án Tô Văn Lai tại Tanzania đã được hoàn thành phần khai thác nước ngầm cho giếng nước sinh hoạt cho người dân bản xứ. Ngoài ra, ông cũng công bố việc xây dựng trung tâm văn hóa mang tên cố giáo sư tại Sanya Station thuộc tỉnh Moshi.[15]
Di sản để lại[]
Di sản lớn nhất của giáo sư Tô Văn Lai và phu nhân của ông chính là trung tâm Thúy Nga cùng với các sản phẩm của nó xuyên suốt 50 năm hình thành và phát triển, bao gồm:
- Các video cải lương vốn là tiền thân của Paris By Night.
- Series các chương trình Paris By Night duy trì từ năm 1983, Tô Văn Lai là nhà sản xuất và sau này trở thành người biên tập và đóng góp nội dung cho chúng.
- Các DVD Karaoke từ các chương trình PBN hoặc tuyển tập các phần trình diễn hay nhất của các ca sĩ trong các chương trình đó.
- Tạp chí Thúy Nga Magazine duy trì từ thập niên 1990.
- Radio Thúy Nga có từ thập niên 1990 đến thập niên 2000.
- Đài truyền hình VietFaceTV hình thành từ đầu thập niên 2010.
- Project Tô Văn Lai, vốn là tên của quỹ từ thiện được lập ra và nhắc đến từ năm 2022 sau khi giáo sư đã qua đời để tưởng nhớ đến công lao của ông đối với văn hóa người Việt hải ngoại. Ngân quỹ dành cho dự án này được tiếp quản và thực hiện tại Tanzania bởi nhạc sĩ, phó tế Vũ Thành An cùng đoàn từ thiện Teresa Charities.[16]
Ngoài ra, rất nhiều trong số các liveshow do trung tâm Thúy Nga thực hiện cũng do giáo sư là người biên tập. Tất cả các sản phẩm trên ít nhiều đã ảnh hưởng rất lớn đến tư tưởng, nhận thức của người Việt trên khắp thế giới, đặc biệt là việc giữ gìn, phát triển và truyền bá văn hóa, truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam, đặc biệt là những di sản đến từ nhà nước Việt Nam Cộng hòa như những tác phẩm nhạc vàng từ những băng nhạc mà ông đã thu thập được từ khi còn ở Việt Nam cho đến lúc hoàn toàn ổn định cuộc sống tại đất Pháp và sau này là Hoa Kỳ. Trong các cộng đồng người Việt hải ngoại trên thế giới, ông là một trong những người có ảnh hưởng lớn nhất mà đã từng bước ra từ nghề nhà giáo, bên cạnh nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn.
Theo Ngọc Hân, Tô Ngọc Thủy và Huỳnh Thi vẫn muốn tiếp tục thực hiện các chương trình Paris By Night nhằm tiếp tục duy trì di sản do chính cha mẹ cô để lại.[17]
Khả năng đặc biệt[]
Ngoại ngữ & trình độ học vấn[]
Tô Văn Lai thông thạo tiếng Pháp trước khi ông học tiếng Anh, và trình độ tiếng Pháp xuất sắc của ông đã giúp ông có được bằng Thành Chung, vốn là thành tích học thuật hiếm có trong xã hội miền Nam Việt Nam vào thập niên 50, 60 của thế kỉ XX. Sau này, Tô Văn Lai trở thành một giáo sư chuyên lĩnh vực Triết học và Toán học, mặc dù lĩnh vực làm việc chủ yếu của ông sau này là nghệ thuật.
Việc gia đình ông hiện tại đang sinh sống tại Mỹ chứng tỏ rằng Tô Văn Lai cũng thông thạo tiếng Anh.
Khiếu nghệ thuật[]
Tô Văn Lai và Nguyễn Thị Thúy cùng có những năng khiếu và sự thẩm định, cảm thụ nhất định về nghệ thuật, ảnh hưởng rất lớn từ văn hóa nghệ thuật trước năm 1975, và đó là một trong những yếu tố tiên quyết quyết định sự thành công của các chương trình Paris By Night thuở ban đầu. Chính bản thân cô Tô Ngọc Thủy cũng có phần nào thừa hưởng được khả năng này từ bố mẹ mình.
Các mối quan hệ[]
Gia đình[]
Tô Văn Lai rất trân trọng gia đình của ông cũng như công trình lớn nhất mà gia đình ông từng tạo dựng trên xứ người là trung tâm Thúy Nga cùng các chương trình nhạc hội lừng danh mang tên Paris By Night. Ông không có ý định rao bán quyền sở hữu trung tâm vì đó là tài sản gia đình, và Tô Ngọc Thủy là người đã thừa kế cả trung tâm theo ý nguyện của vợ chồng ông.
Các văn - nghệ sĩ và các nhạc sĩ cộng tác với trung tâm Thúy Nga nói chung[]
Hầu hết tất cả những văn - nghệ sĩ và các nhân vật từng cộng tác với trung tâm Thúy Nga đều rất kính trọng Tô Văn Lai với vai trò nhà sáng lập của trung tâm, người đứng sau những thành công nhất định trong việc truyền bá, giữ gìn, bảo tồn và phát triển văn hóa Việt Nam tại hải ngoại, và đồng thời trung tâm cũng là nơi mà họ trở nên nổi tiếng với các cộng đồng người Việt trong và ngoài lãnh thổ Việt Nam. Ngược lại, Tô Văn Lai cũng là người sẵn sàng giúp đỡ (chủ yếu giúp đỡ về mặt tinh thần) bất cứ ai trong số họ nếu họ gặp khó khăn trong cuộc sống (đặc biệt là khi họ mới đặt chân đến Hoa Kỳ), thiếu kinh nghiệm đối với các hoạt động liên quan đến nghệ thuật trên sân khấu hoặc do chính bản thân ông muốn chỉnh sửa nội dung các chương trình nhạc hội sao cho đáp ứng những yếu tố nhất định như chủ đề hay mạch cảm xúc của khán giả xem chương trình.
Theo Hương Lan và Ý Lan, Tô Văn Lai từng lái xe chở các ca sĩ đi đến phòng thu để giúp họ thu âm và tập dượt cho các phần trình diễn đặc biệt (đặc biệt là Hương Lan vì vào thời điểm bà ở Pháp, bà không biết lái xe và nhà lại cách xa chỗ thu hình/thu âm), và Ý Lan khẳng định rằng dù ông đã lớn tuổi nhưng đích thân ông vẫn chở họ đi bất kể việc họ có khả năng tự lái đến nơi làm việc (năm 2021 Ý Lan từng được Tô Văn Lai, lúc ấy đã 84 tuổi, đích thân lái xe đến tư gia đưa nữ ca sĩ đi và hai người đã có cơ hội tâm sự với nhau trên đường tới cơ sở thu âm).[18] Năm 1984, Hương Lan mắc bệnh rất nặng và chính Tô Văn Lai đã đích thân đưa bà đến bệnh viện, và cũng chính Tô Văn Lai đã tạm thời đưa bà ra khỏi bệnh viện để thực hiện băng video thứ ba là vở cải lương Lương Sơn Bá - Chúc Anh Đài.[19]
Quang Lê còn khẳng định rằng một khi Tô Văn Lai đã tâm đắc giọng ca nào, ông sẽ cố gắng cho bằng được để đưa giọng ca đó đến với sân khấu Paris By Night và giúp người đó được nổi tiếng.[20]
Đối với nam ca sĩ Thế Sơn, dù anh không còn cộng tác với trung tâm Thúy Nga từ năm 2014 nhưng anh là một trong những giọng hát được ông Tô Văn Lai yêu thích, vì thế nên chính giáo sư đã mời Thế Sơn xuất hiện trong ba liveshow cuối cùng của ông thực hiện. Đồng thời, mỗi khi kênh YouTube của trung tâm Thúy Nga đăng tải các phần trình diễn của Thế Sơn trong các chương trình Paris By Night, khán giả ít nhiều đều yêu cầu anh quay lại với các chương trình này.
Nhạc sĩ Ngọc Chánh[]
Ngọc Chánh và Tô Văn Lai quen biết nhau từ trước năm 1975 với cùng niềm đam mê sản xuất âm nhạc. Sau này khi Ngọc Chánh được định cư tại Hoa Kỳ và trở lại với công việc phát hành băng nhạc, Tô Văn Lai và bà Thúy khi còn ở Pháp đã mua bản quyền những băng nhạc cassettes mà nhạc sĩ Ngọc Chánh đã thực hiện tại Mỹ và phân phối chúng tại châu Âu.[21]
Nguyễn Ngọc Ngạn[]
Tô Văn Lai là một trong số ít những người biết được khả năng làm MC của nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn vào thời điểm trước ngày thu hình chương trình Paris By Night 17, đồng thời chính vì bản thân ông muốn MC cho các chương trình PBN có hiểu biết sâu rộng về lịch sử và văn hóa Việt[22] nên ông đã cố gắng mời Nguyễn Ngọc Ngạn làm MC cho bằng được, và sau một thời gian khá lâu thì nhà văn mới đồng ý. Cho đến khi Tô Văn Lai qua đời, hai người vẫn có mối quan hệ tốt với nhau, mặc dù cả hai đã phải trải qua không ít các scandal lớn mà Nguyễn Ngọc Ngạn thường là người chịu trách nhiệm về chúng.
Ngược lại, Nguyễn Ngọc Ngạn cũng tuyên bố rằng bản thân mình xem Tô Văn Lai như là một ân nhân lớn của cuộc đời và sau khi chương trình Paris By Night 133 thành công, nhà văn quyết định ở lại Hoa Kỳ thêm vài ngày để dự lễ tang và tham gia tiễn đưa ân nhân của mình về nơi an nghỉ cuối cùng.
Jean Pierre Barry[]
Jean Pierre Barry là người đã đặt nền móng cho sự phát triển của series các chương trình Paris By Night thông qua vai trò đạo diễn của 15 chương trình Paris By Night đầu tiên, và cũng là một trong những người bày tỏ sự ủng hộ rất lớn đối với ý tưởng thực hiện một chuỗi các đại nhạc hội nổi tiếng khắp thế giới mang tên Paris By Night, và các chương trình Paris By Night đã giúp ông thực hiện ước mơ đó. Chính vì vậy, ông Barry luôn là một trong những ân nhân lớn nhất của trung tâm Thúy Nga và gia đình ông Tô Văn Lai.
Theo Nguyễn Ngọc Ngạn, chính ông Barry là người đã đề nghị Tô Văn Lai thực hiện một chương trình Paris By Night có sự xuất hiện của một MC.[22]
Ngọc Hồ[]
Tô Văn Lai từng quen biết Ngọc Hồ - chủ doanh nghiệp S365 - khá lâu trước khi ông ngã bệnh và qua đời, và giáo sư đã từng ngỏ ý muốn cô tài trợ cho các chương trình Paris By Night, nhưng Ngọc Hồ đã từ chối vì lúc đó S365 không đủ tài chính để tài trợ, và thực tế cô chỉ đồng ý tài trợ cho chương trình Music Box số 47 vì số TNMB này được thực hiện với chủ đề nhạc của nhạc sĩ Thái Thịnh, vốn là đồng hương của cô.[23] Sau này, khi Tô Văn Lai ngã bệnh và nhập viện vào cuối tháng 4, Tô Ngọc Thủy đang phải gánh áp lực tổ chức chương trình Paris By Night 133 trong lúc phải chăm sóc cho cha mình vào những ngày cuối đời, Ngọc Hồ mới hình thành những mối quan hệ sâu rộng hơn với các thành viên nhà họ Tô và đi đến quyết định tài trợ cho chương trình PBN 133.
Đàm Vĩnh Hưng[]
Tô Văn Lai và Tô Ngọc Thủy có quan hệ khá tốt với nam ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng mỗi khi anh qua Mỹ trình diễn hoặc thăm bạn bè và người thân, và ông từng cho lời khuyên và phân tích về việc anh nên làm gì trong sự nghiệp của mình.
Trên thực tế, Đàm Vĩnh Hưng chưa từng cộng tác với trung tâm Thúy Nga một cách trực tiếp vì chính gia đình nhà họ Tô cũng có những mối quan hệ nhất định và thậm chí không thể tách rời với cộng đồng người Việt hải ngoại (ví dụ: Ngô Kỷ và Trần Nhật Phong có quan hệ với Tô Văn Lai hoặc Tô Ngọc Thủy, sự ủng hộ của người Việt hải ngoại vốn đã giúp trung tâm Thúy Nga phát triển và trở thành hãng băng đĩa lớn nhất trong các cộng đồng người Việt hải ngoại) và họ không muốn tự làm tổn hại đến danh dự của trung tâm qua việc mời những kẻ tuyên truyền cho chủ nghĩa cộng sản xuất hiện trong những sự kiện lớn do trung tâm tổ chức.
Nhạc sĩ Anh Bằng[]
Nhạc sĩ Anh Bằng là người sáng lập trung tâm ASIA, một trong hai trung tâm hải ngoại lớn nhất bên cạnh trung tâm Thúy Nga. Ông Tô Văn Lai khi tới California để phát hành băng đĩa nhạc của trung tâm Thúy Nga thì được gặp nhạc sĩ Anh Bằng và ăn tối cùng nhà sáng lập trung tâm Asia. Thời điểm đó nhạc sĩ Anh Bằng đang điều hành trung tâm Dạ Lan (tiền thân của ASIA) khi phát hành băng cassette, có một cuộc gọi từ trung tâm bán lẻ Alpha ở tiểu bang Virginia đặt mua 500 cuốn băng cassette, từ đó khiến Tô Văn Lai thấy được tiềm năng lớn của thị trường Hoa Kỳ và quyết định về Paris và quyết định đưa trung tâm Thúy Nga đặt tại California, từ đó tạo nên mối quan hệ thân tình giữa Tô Văn Lai và nhạc sĩ Anh Bằng. Khi trung tâm Asia thực hiện chương trình chủ đề nhạc Anh Bằng thì nhạc sĩ đã mời Tô Văn Lai đến xem và khi cuốn băng đó được phát hành thì chính nhạc sĩ Anh Bằng trao tặng cho ông Lai cuốn băng có chữ ký của nhạc sĩ trên đó, gọi là "cây nhà lá vườn".[24]
Xuất hiện trong các chương trình Paris By Night[]
Trong rất nhiều chương trình Paris By Night và các liveshow do trung tâm Thúy Nga tổ chức, Tô Văn Lai được thấy trên ghế ngồi khán giả (cụ thể là ở hàng ghế đầu), và đó là nơi duy nhất ông thường ngồi để quan sát chương trình, và thi thoảng ông còn ngồi cạnh bà Thúy trong những sự kiện nói trên. Trong những chương trình Paris By Night vinh danh nhiều nhạc sĩ trong một chương trình, các nhạc sĩ ngồi ngay bên cạnh ông.
STT | PBN số | Mục đích xuất hiện |
---|---|---|
1 | 81 | Phỏng vấn nhạc sĩ Lữ Liên cùng MC Nguyễn Ngọc Ngạn. |
2 | 100 | Phát biểu và trao giải thưởng đặc biệt cho Shanda Sawyer. |
3 | 107 | Trao kỷ niệm chương cho MC Nguyễn Ngọc Ngạn trong chính chương trình vinh danh ông. |
Xuất hiện trong các chương trình đặc biệt/sự kiện khác[]
- Lễ tang nghệ sĩ Chí Tài
- Lễ tang nhạc sĩ Lam Phương
- Lễ tang nữ ca sĩ Phi Nhung
Thư viện ảnh[]
Sinh thời[]
Post-mortem[]
Thông tin bên lề[]
- Số điện thoại của Tô Văn Lai là +1 714-465-7407.
- Trong thập niên 2010, ông có một hoặc một số lần về thăm Việt Nam, và trong hầu hết các tấm ảnh được chụp khi ông về Việt Nam trong giai đoạn này đều được chụp ở thành phố Đà Lạt, vốn là nơi ông từng tu nghiệp trước khi về Sàigòn bắt đầu con đường dạy học.
- Tô Văn Lai có một bộ sưu tập gồm những cuộn băng cối reel-to-reel và nó được trưng bày trong chương trình Thúy Nga Music Box số 35.
- Bản thân Tô Văn Lai đã không có suy nghĩ tích cực về việc trung tâm Thúy Nga có thể tồn tại một cách lâu dài (trên 30 năm) khi biết được tại Việt Nam, có người đã bán được tới hơn 5 ngàn bộ DVD các chương trình PBN lậu.[5]
- Theo nữ ca sĩ Ngọc Anh, giáo sư cũng yêu thích những ca khúc của nhạc sĩ Phú Quang và từng có dự định mời ông sang Hoa Kỳ và thực hiện riêng một đêm nhạc về các tác phẩm của ông, và nếu như đại dịch COVID-19 không xảy ra, điều này đã có thể thực hiện được.[18]
- Chí Tài, Phi Nhung và Tô Văn Lai là những nhân vật gắn liền với trung tâm Thúy Nga mà sau khi họ qua đời, tên của họ đã được đặt cho những công trình nhằm phục vụ lợi ích công cộng: tên của Chí Tài đã được đặt cho hai cây cầu được xây dựng tại xã Đất Mới, huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau; tên của Phi Nhung được đặt cho trường Việt ngữ được xây dựng từ chính quỹ từ thiện mà cố ca sĩ để lại cho Wendy Phạm và tịnh xá Giác An; tên của Tô Văn Lai được đặt cho một trung tâm văn hóa xây dựng tại Tanzania, châu Phi do phó tế kiêm nhạc sĩ Vũ Thành An chủ trương thông qua Project Tô Văn Lai.
Chú thích[]
- ↑ Bài đăng của Tô Ngọc Thủy chúc mừng sinh nhật lần thứ 83 của cha trên Facebook (ngày giờ hiển thị trong bài đăng là 0 giờ 34 phút ngày 12 tháng 5 theo giờ Việt Nam, nghĩa là nếu quy sang giờ Los Angeles thì sẽ là 10 giờ 34 phút sáng ngày 11 tháng 5 năm 2020).
- ↑ https://www.dignitymemorial.com/obituaries/westminster-ca/lai-to-10873819
- ↑ https://www.voatiengviet.com/a/to-van-lai-nguoi-kien-tao-paris-by-night-qua-doi-o-tuoi-85/6666077.html
- ↑ 4,0 4,1 4,2 https://saigonnhonews.com/van-hoa-van-nghe/ong-to-van-lai-va-di-san-thuy-nga-paris-by-night/?fbclid=IwAR0HRC59Ak5BzhdvcF3zNSgFwq31Zo5QqFc-d9hEOeJVGTSVgPdIX0JPHTk#google_vignette
- ↑ 5,0 5,1 5,2 5,3 5,4 https://dvan.org/2023/04/tren-thang-ngay-ho-hung-phoi-phai/?fbclid=IwAR2J_V5szM3ZBleO5nYOBHvO0xexpcrcZbHD2VYTzgpZdbHlCW2onrZ6oUs
- ↑ https://nhacvangbolero.com/doi-net-ve-ong-to-van-lai-va-qua-trinh-sang-lap-trung-tam-thuy-nga-paris/?fbclid=IwAR1XLm2FVtb5rE5pV7HMUZJr79jZJFbJwv7d1zQmZGAF0rGK_488XlPc2kw
- ↑
- ↑ Nguyễn Ngọc Ngạn phát biểu về ông Tô Văn Lai trong PBN 133: https://www.youtube.com/watch?v=Qndo9jRRGJw
- ↑ https://saigonnhonews.com/the-next-gen/mot-uoc-nguyen-cua-hau-due-ong-to-van-lai/
- ↑ https://nhacxua.vn/ong-to-van-lai-sang-lap-trung-tam-thuy-nga-qua-doi/?fbclid=IwAR1x-yDCb7jOBvYHca4SwePFbNO98Gp9RLGPi5xb2d2ObhZBGOpRa1qCpJY
- ↑ https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/features-about-the-biography-of-paris-by-night-founder-to-van-lai-withdrawn-07202022075855.html
- ↑ https://www.youtube.com/watch?v=WcVaoyCf5L0
- ↑ https://www.youtube.com/watch?v=43OHHTcz-Rg
- ↑ https://www.youtube.com/watch?v=qq49VjW0mUg
- ↑ https://www.youtube.com/watch?v=hGnYlt7J2Ps
- ↑
- ↑ https://www.youtube.com/watch?v=3r3gc0Mbp6U
- ↑ 18,0 18,1 https://www.youtube.com/watch?v=z18vTZmsBFE
- ↑ https://www.youtube.com/watch?v=EWWCflk1fVg
- ↑ https://www.youtube.com/watch?v=fFlNdMrDJyA
- ↑
- ↑ 22,0 22,1 https://www.youtube.com/watch?v=NPyjNBQRfr8
- ↑ https://www.youtube.com/watch?v=P0DiN0UcHiU
- ↑ https://www.youtube.com/watch?v=xEe6wFxpLx0&t=7022s