Wikia Thúy Nga - Paris By Night
Advertisement
Wikia Thúy Nga - Paris By Night

"It could be said that every Vietnamese person in the world has seen or heard of Paris By Night. It is estimated that 70 - 80 million Vietnamese people worldwide watch Paris By Night. With the Vietnamese community, Thuy Nga has now become a passion and an iconic brand for the Vietnamese community..."
- trích một phần giới thiệu về trung tâm Thúy Nga trên website thuynga.com/en_us/.

Các chương trình Paris By Night là sản phẩm chính của trung tâm Thúy Nga.

Định nghĩa[]

"...Paris By Night có nghĩa là: khi màn đêm buông xuống, tại Paris người ta hát nhạc Việt Nam để nhớ về đất nước của mình."
- Tô Văn Lai diễn giải về ý nghĩa của Paris By Night.[1]

Paris By Night (viết tắt: PBN) là một series các chương trình đại nhạc hội mang tính tạp kỹ (nghĩa là bao gồm ca múa nhạc và kịch, tổ hợp hầu hết các loại hình sân khấu đã được biết đến và phổ biến với người Việt Nam và nước ngoài), có nguồn gốc tại thủ đô Paris, Pháp từ năm 1983. Người chịu trách nhiệm lớn nhất cho những chương trình này là giáo sư Tô Văn Lai, đồng sáng lập trung tâm Thúy Nga năm 1972. Ngoài ra, Paris By Night cũng có thể được định nghĩa như là các buổi đại nhạc hội do những người đứng đầu trung tâm Thúy Nga cùng với các đạo diễn (hòa âm, ánh sáng, vũ đạo,...) cùng nhau phác họa ý tưởng, chuẩn bị và tổ chức.

Tô Văn Lai định nghĩa Paris By Night theo đúng nghĩa đen là "Paris về đêm", với việc tổ chức văn nghệ vào buổi tối tại thủ đô Paris của Pháp.[2] Chính vì được tổ chức văn nghệ tại nước ngoài nên các chương trình PBN cũng phải có sự kết hợp đa dạng giữa văn hóa phương Đông (điển hình là Việt Nam) và phương Tây, đáp ứng nhu cầu về tinh thần cho mọi thế hệ người Việt ở khắp nơi trên thế giới.

Mục đích tổ chức các chương trình Paris By Night là để biểu diễn nghệ thuật Việt cũng như giới thiệu những giá trị lớn của văn hóa Việt cho các hậu duệ người Việt tại hải ngoại và trong nước sau này, đồng thời đóng vai trò là cơ sở để các thế hệ tiếp nối tại hải ngoại tìm hiểu về văn hóa Việt và tìm cách gìn giữ nó.

Các chương trình Paris By Night có thể có những cách gọi như sau:

  • Thúy Nga Paris: gọi bởi một số người biết đến trung tâm Thúy Nga vì Paris By Night là sản phẩm chính của trung tâm Thúy Nga.
  • Thúy Nga về đêm: cách gọi của một số người có ý định miệt thị trung tâm Thúy Nga từ sau vụ bê bối liên quan đến chương trình Paris By Night 40 - Mẹ.
  • Viện bảo tàng nghệ thuật Việt: gọi bởi Tô Ngọc Thủy trong chương trình Paris By Night 126.
  • Thánh đường: cách gọi của các văn - nghệ sĩ từng cộng tác với trung tâm Thúy Nga (điển hình là Nguyễn Hồng NhungNgọc Hân) sau khi giáo sư Tô Văn Lai qua đời.

Thành phần chương trình[]

Thành phần chủ yếu[]

Mỗi chương trình như thế bao gồm các thành phần chủ yếu/bắt buộc như sau:

  • Khoảng 20 đến dưới 35 (dưới 20 đối với các cuốn PBN từ 20 trở về trước) ca khúc/liên khúc được chọn để thực hiện trên sân khấu thuộc 3 thể loại: nhạc trẻ (hoặc các ca khúc ra đời đã rất lâu nhưng được hòa âm theo kiểu nhạc pop hiện đại từ thập niên 1970 về sau và có thêm vũ đạo - hay còn được biết đến là nhạc dance), nhạc trữ tình (nhạc thính phòng hoặc hòa âm theo kiểu thính phòng) và nhạc quê hương (bao gồm những ca khúc được hòa âm phần lớn với các loại nhạc cụ cổ truyền của Việt Nam nói riêng và Á Đông nói chung như đàn bầu, sáo, đàn tranh,... và các bài hát được viết theo thể điệu boléro có nguồn gốc từ Cuba), có thể thuộc hoặc không thuộc chủ đề của chương trình. Một thời gian sau khi VHS hoặc DVD (và Blu-ray) của các chương trình được ra mắt, các ca khúc thuộc các chương trình trên sẽ được thu trong các CD (phân loại theo thể loại nhạc của những bài đó) và phát hành cùng một lúc với nhau.
  • Một hoặc hai vở hài kịch chủ yếu được viết bởi nhà văn kiêm MC Nguyễn Ngọc Ngạn (hoặc được viết bởi các nghệ sĩ thuộc nhóm kịch Thúy Nga đối với một số vở kịch của các cuốn PBN cũ hơn) hoặc không có phần hài kịch vì một số lý do nhất định (chẳng hạn Paris By Night 64 - Đêm Văn Nghệ Thính PhòngParis By Night 125 - Chiều Mưa Biên Giới không có hài kịch vì lý do để giữ tính nghiêm trang của đêm nhạc). Hai chương trình Paris By Night 82 - Tiếu Vương HộiParis By Night 116 - Nụ Cười Đầu Năm là hai chương trình duy nhất mà hài kịch chiếm phần lớn trong cấu trúc của một chương trình PBN bình thường.
  • Từ PBN 98 trở đi, hầu hết các chương trình PBN đều có phần đố vui khán giả với phần thưởng là một số tiền nhất định ($500 hay $1000, chủ yếu là $1000 hoặc hơn đối với những cuốn PBN sau này) hoặc một số dịch vụ, ưu đãi miễn phí từ các nhà tài trợ của chương trình.
  • Sau phần trình diễn cuối cùng luôn có phần Finale (tiếng Anh có nghĩa là "đoạn kết"). Trong phần Finale, những người điều khiển chương trình sẽ ra sân khấu tuyên bố kết thúc chương trình và các nghệ sĩ tham gia chương trình sẽ cùng ra sân khấu chào khán giả. Phần này thường được lồng với nhạc nền của phần trình diễn mở màn chương trình (ví dụ: phần Finale trong Paris By Night 129 - Dynasty sẽ được lồng với nhạc nền của ca khúc Không Lạc Loài vốn là ca khúc mở đầu chương trình). Trong DVD và Blu-ray, nó còn có thêm danh sách những cá nhân/tập thể đã tham gia sản xuất chương trình.

Thành phần tùy chọn/thứ yếu[]

Ngoài các thành phần chủ yếu được liệt kê ở trên, các chương trình PBN còn có các thành phần tùy chọn khác:

  • Video clip quay ngoại cảnh: các video clip quay ngoại cảnh thường xuất hiện nhiều nhất ở các cuốn PBN từ 52 trở về trước.
  • Trình diễn thời trang/Fashion Show: một số chương trình (đặc biệt là các chương trình có quy mô tổ chức lớn) sẽ xuất hiện thêm các phần trình diễn thời trang (tất cả đều là trình diễn thời trang áo dài). Nhạc nền thường là các ca khúc mà sau đó chúng được xuất hiện trong các CD gồm những bài hát thu âm từ các chương trình PBN.
  • Phỏng vấn các nhà tài trợ: có mặt ở một số chương trình PBN có sự đầu tư lớn đến từ các nhà bảo trợ chính.
  • Phỏng vấn các ca sĩ, nghệ sĩ hoặc những nhân vật đặc biệt nhất định.
  • Clip "Tưởng Niệm": các video clip này sẽ gợi nhớ cho khán giả về những nhạc sĩ mà trung tâm Thúy Nga đã thực hiện chương trình để vinh danh họ, những ca sĩ, nghệ sĩ đã từng cộng tác với trung tâm Thúy Nga mà đã qua đời. Các video tưởng niệm chỉ có mặt trong một số cuốn PBN kỉ niệm, gồm PBN 100 và 126.
  • BONUS: cuối mục lục chương trình ở mặt sau bìa đĩa DVD/Blu-ray của các chương trình PBN còn có phần bổ sung (Bonus). Phần BONUS có thể bao gồm:
    • Hậu trường sân khấu (Behind The Scenes): các video clip ở hậu trường sân khấu thu hình một số cảnh trong công cuộc chuẩn bị cho các phần trình diễn. Xuất hiện trong hầu hết các chương trình PBN thu ở dạng DVD và Blu-ray.
    • Các MV được thu hình và phát hành bởi các ca sĩ trực tiếp hoặc không trực tiếp cộng tác với trung tâm Thúy Nga.
    • Một vở hài kịch/bi kịch được thu hình ngoại cảnh.
    • Phóng sự về các nhà bảo trợ/công ty bảo trợ.
    • Phỏng vấn các ca sĩ, nghệ sĩ xuất hiện trong chương trình.

Các vai trò xuất hiện trong chương trình[]

Mỗi chương trình Paris By Night luôn có những người tham gia chương trình với những vai trò nhất định như sau:

  • Giám đốc sản xuất: người chịu trách nhiệm chính trong việc tổ chức và lên kế hoạch cho việc thu hình trực tiếp cho chương trình ngay từ những ngày đầu tiên lên kế hoạch. Vai trò của giám đốc sản xuất là chọn chủ đề, quyết định quy mô thực hiện của chương trình, liên lạc, đàm phán và trao đổi với những nhà bảo trợ, tuyển chọn ca khúc phù hợp, tuyển chọn ca sĩ phù hợp với thể loại và nội dung của các bài hát được sử dụng và kiểm soát công tác chuẩn bị cho những phần trình diễn trong ngày thực hiện chương trình. Ngoài ra, giám đốc sản xuất cũng là người có thể can thiệp trực tiếp vào các hoạt động chuẩn bị của các nghệ sĩ và vũ công (thường là hoạt động vũ đạo) nhằm hướng dẫn cho họ thể hiện đúng hướng và đúng mong muốn của họ và hạn chế các sai phạm có thể xảy ra trong những ngày thu hình chính thức.
  • Đạo diễn: gồm những người phụ trách việc thực hiện chương trình ở nhiều khía cạnh khác nhau như điều khiển camera, ánh sáng, âm thanh, ban nhạc, hình ảnh... Riêng đạo diễn chính hoạt động trong một căn phòng nhỏ (trailer, thường là ở ngoài trời) lắp đặt nhiều màn hình để theo dõi hình ảnh quay được từ nhiều camera khác nhau trong khán đài, và họ sẽ phối hợp cùng với giám đốc sản xuất để chỉ đạo thực hiện chương trình từ căn phòng này. Những người thường xuyên đảm nhận vai trò đạo diễn bao gồm John Pierre Barry, Richard Valverde (đối với các chương trình thu hình tại Pháp); Alan Carter, Michael Watt, Ron de Morales, Manuel Bonilla (đối với những chương trình có quy mô trung bình và lớn thu hình sau năm 2008); Khanh Nguyễn, Ken Nguyễn (đối với một số chương trình có quy mô nhỏ); riêng đối với lĩnh vực ánh sáng thì có Harry Sangmeister cùng với sự thiết kế đến từ Simon Miles.
  • Đạo diễn biên đạo (choreographer): một người mang vai trò chuyên biệt, chuyên thành lập các kịch bản vũ đạo có khả năng thực hiện trong các chương trình Paris By Night cũng như điều hành việc tập dượt cho các ca sĩ và vũ công những kịch bản đó. Người đảm trách vai trò này luôn là Shanda Sawyer.
  • Nhân viên điều phối sản xuất (production coordinator): người chịu trách nhiệm phân chia công việc cho các nhân viên hậu trường và quản lý tiến trình thu hình chương trình, đồng thời là người đưa ra chỉ đạo khắc phục các sự cố nếu có trong quá trình thu hình trực tiếp.
  • Nhân viên trang điểm & quản lý trang phục: những người có trách nhiệm điểm trang và thay đổi diện mạo cho các nghệ sĩ tham gia chương trình cũng như quản lý những bộ trang phục trình diễn cho các nghệ sĩ (đặc biệt là những nghệ sĩ nữ và các vũ công vì họ xuất hiện thường xuyên và với số lượng nhiều hơn so với số nghệ sĩ trên sân khấu) để họ có thể thu hút khán giả tốt hơn trên sân khấu và đáp ứng những cảm giác về mặt thẩm mỹ của khán giả. Thái Nguyễn là một trong những nhân vật tham gia vào khâu quản lý trang phục của các chương trình.
  • Nhân viên thiết kế & sắp xếp sân khấu: những người sẽ hoạt động trong việc vận chuyển và sắp xếp các đạo cụ trên sân khấu thành những khung cảnh nhất định tùy thuộc vào tính chất của phần trình diễn. Người thực hiện thiết kế sân khấu là Joe Stewart.
  • Cameraman: là những người điều khiển máy quay thu hình trực tiếp trong chương trình, họ được trang bị bộ đàm kết nối với đạo diễn và hoạt động dưới sự chỉ đạo của đạo diễn chính làm việc trong phòng chuyên biệt (trailer đạo diễn) để thu được những cảnh quay tốt nhất trên sân khấu, nhằm phục vụ cho việc sản xuất và phát hành chương trình dưới dạng DVD/Blu-ray/video đăng tải trên YouTube sau này. Một chương trình thu hình trực tiếp bất kỳ của trung tâm luôn có 12 cameraman, tương ứng với 12 màn ảnh trong trailer của đạo diễn, và mỗi cameraman đều được lệnh quay hình các góc quay khác nhau: có người chịu trách nhiệm tập trung vào ca sĩ, có người chịu trách nhiệm thu hình khán giả,...
  • Nhạc sĩ hòa âm, mix & master: Các nhạc sĩ sẽ hòa âm, phối khí để tạo nhạc nền cho những ca khúc đã được lên kế hoạch từ trước, dựa trên tính chất nhạc lý, nội dung và ý nghĩa của bài hát được giao. Những nhân vật với vai trò này có thể kể đến như Tùng Châu, Đồng Sơn, Nguyễn Tùng, Hoài Sa, Tim Heintz và John Tomlinson.
  • Các ca sĩ, nghệ sĩ, nhạc công, vũ công tham gia và MC là thành phần bắt buộc phải có.

Thời điểm thu hình & phân phối vé[]

Các chương trình Paris By Night thường được công bố poster đầu tiên trong vòng nhiều nhất là từ 60 đến dưới 100 ngày trước ngày thu hình chính thức, và các chương trình thường thu hình vào ngày thứ bảy lúc 19 giờ 30 phút và chủ nhật lúc 13 giờ 30 phút. Có một số chương trình PBN thu hình vào những ngày lễ đặc biệt như Lễ Độc lập của Hoa Kỳ (4 tháng 7) hoặc nhân một dịp lễ nào đó gần với ngày thu hình (cụ thể là ngày Hiền mẫu - Mother's Day).

Tối đa 90 ngày trước ngày thu hình và một thời gian sau khi công bố chương trình lần đầu tiên, khán giả hoàn toàn có thể đặt vé thông qua một trong hai hình thức chính: đặt vé thông qua đại lý trực tiếp và đặt vé bằng ứng dụng Thuy Nga PBN, và người ta sẽ không thể đặt vé vào những ngày sau ngày mà trung tâm Thúy Nga thông báo đã bán hết vé. Khán giả luôn được đại diện từ trung tâm khuyến khích đặt vé sớm vì thời gian giữa ngày bắt đầu mở bán vé đến ngày tuyên bố bán hết vé thường không kéo dài, nếu như đặt vé chậm trễ thì rất có khả năng sẽ không còn vé hoặc các nhóm bao gồm những người mua nhiều vé cùng một lúc cho nhiều người thân & bạn bè cùng đi xem chung sẽ phải ngồi cách xa nhau.

Giá tiền & kinh phí[]

Bộ đĩa DVD của mỗi chương trình Paris By Night thường có giá cố định là 24.95 USD và 29.95 USD đối với Blu-ray. Tuy nhiên, một số DVD của các chương trình Paris By Night cũ hơn thường có giá thấp hơn (hoặc bằng) con số trên. Riêng vé tham dự thu hình thường có giá dao động từ 300 đến dưới 1,500 USD tùy vào vị trí ngồi trong rạp và giá niêm yết do chủ rạp quy định - ghế VIP ở gần sân khấu có tầm giá từ 900 USD trở lên và thường dành riêng cho những nhân vật có quan hệ mật thiết với trung tâm (ví dụ: ông Tô Văn Lai, bà Nguyễn Thị Thúy, các nhạc sĩ đã từng được trung tâm Thúy Nga mời cộng tác, các đại diện của các nhà bảo trợ hoặc khách mời danh dự khác).

Theo Nguyễn Cao Kỳ Duyên, một chương trình Paris By Night trong thập niên 2010 và 2020 thu hình tại Hoa Kỳ có kinh phí rơi vào khoảng từ 1 triệu đến 2 triệu USD, và kinh phí thường đến từ các nhà bảo trợ của các chương trình. Một chương trình Paris By Night thường có từ 5 đến 9 doanh nghiệp tài trợ Kim cương & Platinum cùng một số nhà tài trợ nhỏ khác trong các chuyên mục đố vui khán giả, và tính đến cuối năm 2023 đã có hơn 40 doanh nghiệp lớn tại Hoa Kỳ hoặc đến từ Việt Nam đóng góp về mặt kinh tế cho các chương trình PBN.

Định dạng & thời lượng[]

Trước PBN 67, tất cả các chương trình PBN đều được thu vào băng VHS và một chương trình có thể thu trong một, hai hoặc tối đa ba băng VHS (thời lượng của chương trình đựng trong mỗi cuốn băng VHS thường không quá 100 phút). Từ PBN 67 trở đi, trung tâm Thúy Nga dần chuyển sang phát hành theo định dạng DVD (cụ thể là chuẩn DVD-9) thay cho băng VHS vì lượng bán băng VHS trên toàn cầu giảm và đĩa DVD cho phép thu hình ảnh chất lượng cao hơn. Từ PBN 104 trở đi, các chương trình còn được thu trong đĩa Blu-ray (dung lượng của nó rất lớn, cho phép thu hình với chất lượng cao hơn bởi dung lượng lớn hơn hẳn so với đĩa DVD với 25 GB dữ liệu có thể ghi được trên một mặt ghi của đĩa, cụ thể là có thể thu hết toàn bộ nội dung của chương trình trong một đĩa Blu-ray). Chuẩn âm thanh của các DVD/Blu-ray này là Dolby Sound và Dolby Stereo.

Mỗi chương trình như vậy thường kéo dài khoảng 3 đến 6 giờ đồng hồ tùy vào quy mô và sự ủng hộ đến từ các nhà bảo trợ (dưới 3 giờ đối với các cuốn PBN cũ hơn hoặc những chương trình đặc biệt như PBN Gloria), tương ứng với 2 hoặc 3 đĩa DVD hoặc 1 đĩa Blu-ray duy nhất có thể được đóng gói chung vào một hộp, mỗi đĩa DVD trong bộ đĩa thường có 11 đến 22 chương và chứa khoảng từ 90 đến 155 phút nội dung chương trình. Được biết:

  • PBN 50 là chương trình PBN đầu tiên có thời lượng cán mốc 4 giờ đồng hồ.
  • PBN 71 là chương trình đầu tiên có thời lượng cán mốc 5 giờ đồng hồ.
  • PBN 83 là chương trình đầu tiên có 3 đĩa DVD cùng đóng gói chung vào một hộp, với đĩa 1 và 2 ghi lại toàn bộ chương trình và đĩa 3 ghi lại MTV, các video phỏng vấn các nhạc sĩ và hậu trường sân khấu.
  • PBN 114 là chương trình đầu tiên có thời lượng cán mốc hơn 6 giờ đồng hồ.

Từ chương trình Paris By Night 133 trở đi, các chương trình được phát hành ở định dạng digital trên ứng dụng Thuy Nga PBN và người đăng kí phải trả một số tiền trong khoảng từ 10 đến 20 USD để xem đầy đủ trên ứng dụng này.

Thống kê liên quan[]

Đón nhận[]

"Mỗi một gia đình tị nạn Việt Nam có một điểm chung là đều có ba món: phở, chai nước mắm và cuốn băng Paris By Night."
- Nguyễn Ngọc Ngạn khẳng định trong một chương trình Paris By Night.

Các sản phẩm liên quan đến chương trình Paris By Night đã được các cộng đồng người Việt hải ngoại trên thế giới đón nhận một cách rộng rãi, ít nhất kể từ thập niên 2000 cho đến nay vì tinh thần bảo vệ và phổ biến văn hóa âm nhạc Việt đến với những thế hệ tiếp nối sinh ra và lớn lên tại hải ngoại và trong nước.

Riêng đối với những người Việt trong lãnh thổ Việt Nam, các sản phẩm của trung tâm Thúy Nga ban đầu chủ yếu được đón nhận thông qua những con đường vận chuyển lậu hoặc theo hành lí xách tay của những người từ nước ngoài về thăm quê hương và thân nhân trong giai đoạn cuối thập niên 1990 và đầu thập niên 2000 và một số chương trình PBN không được công bố rộng rãi (ví dụ: PBN 77 và 91 có nội dung mà nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam cho là không phù hợp với chế độ cai trị, dẫn đến hai cuốn này trở thành hàng quốc cấm). Sang nửa sau thập niên 2010, trung tâm Thúy Nga đăng tải nội dung của nó trên YouTube và tiếp cận với nhiều khán giả hơn thông qua nền tảng này, và việc những ca khúc nhạc vàng được phổ biến trở lại trong nước cũng là một phần lý do làm các sản phẩm của trung tâm được tìm đến nhiều hơn.

Cho đến hiện tại, trung tâm Thúy Nga vẫn chưa và sẽ chưa có ý định thu hình chương trình Paris By Night tại Việt Nam mặc dù lượng người hâm mộ tại quê hương rất lớn và cũng có một số nghệ sĩ bày tỏ mong muốn được tổ chức Paris By Night tại Việt Nam. Các lý do chính, dù không được chính trung tâm Thúy Nga tiết lộ, bao gồm:

  • Việt Nam thiếu các sân khấu đủ lớn để tập trung một lượng người với quy mô lớn (ít nhất từ 10,000 khán giả trở lên) cũng như vật tư, thiết bị phù hợp cho một sân khấu chuẩn theo tiêu chuẩn của Hollywood, đồng thời việc tổ chức sự kiện lớn tụ tập đông người sẽ làm cho chính quyền Việt Nam gây khó dễ với trung tâm với lý do có khả năng gây ra rối loạn trật tự công cộng.
  • Quy chế kiểm duyệt văn hóa của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam vẫn còn gắt gao, một phần vì trung tâm Thúy Nga giới thiệu các văn hóa phẩm đến từ nhà nước miền Nam Việt Nam trước năm 1975, vốn là một điều mà các nhà cầm quyền cộng sản (đặc biệt là những người cộng sản gốc từ miền Bắc) không mong muốn vì những mặc cảm nhất định với các thành tựu, di sản của nhà nước Việt Nam Cộng hòa tuy nhà nước này đã không còn tồn tại đã gần 50 năm kể từ sau biến cố 30 tháng 4 năm 1975.
  • Ngoài ra, để được thực hiện một chương trình ca nhạc lớn ở Việt Nam thì phải thực hiện thỏa hiệp với bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch của nhà cầm quyền, và trong những điều khoản cần phải thỏa hiệp sẽ có những điều gây ra những bất lợi nhất định đối với việc thực hiện các chương trình Paris By Night mà có khả năng lớn gây ảnh hưởng đến danh dự và lợi ích của trung tâm (phải thay đổi nội dung chương trình, chia lợi nhuận thu được cho những người cho phép tổ chức hoặc thực hiện những phần trình diễn không phù hợp với tôn chỉ của trung tâm cũng như khán giả hải ngoại,...). Nếu không thỏa hiệp những điều kiện đó, hoặc trung tâm Thúy Nga sẽ không thể thực hiện bất cứ một chương trình nào trên lãnh thổ Việt Nam, hoặc trung tâm có thể được chính quyền cho phép thực hiện nhưng có khả năng phải gánh chịu những rủi ro truyền thông (lời kích động, lăng mạ đến từ hệ thống báo chí và lực lượng tuyên truyền viên của đảng cộng sản trong nước) hoặc rủi ro kỹ thuật nào đó mà có chủ đích của một lực lượng thù ghét trung tâm đứng sau (bị cúp điện giữa chừng).

Xuất hiện trong văn hóa đại chúng[]

  • Rapper Suboi từng nhắc đến Paris By Night (và nữ ca sĩ Thanh Hà) trong bài N-Sao?.
  • Liveshow đầu tiên do chính Khải Đăng tổ chức tại Việt Nam, Đăng's Show By Night #1, lấy từ series các chương trình Paris By Night vốn là nơi đã giúp anh trở thành nổi tiếng.
  • Myra Trần từng nhắc đến Paris By Night (và trung tâm Thúy Nga) trong đêm chung kết Ca Sĩ Mặt Nạ – The Masked Singer.

Thư viện ảnh[]

Quảng cáo[]

Thông điệp cảnh báo[]

Thông điệp cảnh báo về việc in ấn, xuất bản mà không có được sự cho phép của nhà phát hành gốc của Cục Điều tra Liên bang (FBI) luôn xuất hiện trong các bộ VHS và DVD của trung tâm Thúy Nga. Ba phiên bản đầu tiên xuất hiện trong các băng VHS và DVD chương trình thu hình từ năm 1989 đến 2003, và phiên bản thứ tư xuất hiện từ năm 2004 trở đi.

Khác[]

Thông tin bên lề[]

  • Trong các trang Wikipedia bằng tiếng Anh, các chương trình Paris By Night được gọi là episode (các tập phim trong một bộ phim truyền hình nhiều tập) hoặc volume (ở website VietCeleb) dù PBN không phải là series phim truyền hình dài tập. Đối với người Việt, mỗi chương trình PBN như vậy thường được Nguyễn Ngọc Ngạn gọi là cuốn vì 66 chương trình Thúy Nga đầu tiên đã được thu vào những cuốn băng VHS, và điều này vẫn xảy ra dù trung tâm Thúy Nga đã hoàn toàn chuyển sang định dạng DVD và Blu-ray để thu hình các chương trình PBN.
  • Tính đến năm 2023, trung tâm Thúy Nga chưa từng thu hình bất cứ chương trình Paris By Night nào ở những quốc gia/vùng lãnh thổ ở vùng ôn đới phía Nam, cũng như chưa từng thu hình bất cứ chương trình Paris By Night nào ở những quốc gia có màu xanh lá trong quốc kỳ của nước đó.
    • Mặc dù nước Úc có rất nhiều người Việt sinh sống và tạo thành một cộng đồng lớn, trung tâm Thúy Nga cũng chỉ thu hình các liveshow ở Úc mà chưa từng thu hình một chương trình Paris By Night nào ở đây cả.
  • Paris By Night cũng là tên của một bộ phim giật gân (thriller) được sản xuất tại Anh vào năm 1988[3], và đồng thời là tựa đề của một bộ phim trinh thám được sản xuất tại Pháp vào năm 2012[4].
  • Khi việc sử dụng mạng xã hội ở Việt Nam bắt đầu bùng nổ từ thập niên 2010, luôn có danh sách các phần trình diễn từ các chương trình Paris By Night được đăng tải lên bởi những người hâm mộ có mặt tại những nơi mà trung tâm Thúy Nga đã thu hình chương trình đó ngay sau suất diễn ngày chủ nhật kết thúc. Điều này hoàn toàn được chính trung tâm Thúy Nga chấp nhận và không coi đó là việc làm gây tổn hại đến lợi ích của trung tâm, miễn là người đăng tải những thông tin đó không đăng tải những thông tin sai sự thật về chúng.
    • Ngược lại, hành động thu hình lén các phần trình diễn trong rạp rồi đăng tải trên mạng được trung tâm xem là không hợp lệ và gây ảnh hưởng đến lợi ích của trung tâm cũng như các khán giả hâm mộ.
  • Trong sự kiện kỷ niệm 25 năm Paris By Night, trung tâm Thúy Nga tiết lộ người chịu trách nhiệm thiết kế bìa cho bản VHS và DVD là Cung Đỗ.
  • Chương trình Paris By Night 88 - Đường Về Quê Hương là chương trình duy nhất có định dạng DVD mà không có phần Finale.
  • Những người Việt và những người Mỹ tham gia sản xuất chương trình, mỗi bên có cách nhớ về những tiết mục khác nhau - vì tất cả các bài hát vũ đạo đều có tựa đề tiếng Việt nên Shanda Sawyer và những người Mỹ sẽ ghi nhớ và gọi các phần trình diễn kia theo những đặc trưng của nó.[5]

Chú thích[]

Advertisement