Nhật Ngân là một nhạc sĩ Việt Nam sáng tác từ trước năm 1975 lẫn sau này ở hải ngoại. Một số bút hiệu khác của ông là Trịnh Lâm Ngân (khi viết chung với Trần Trịnh), Ngân Khánh, Song An và Phan Trần.
Tiểu sử[]
Trần Nhật Ngân sinh ngày 24 tháng 11 năm 1942, là con út trong một gia đình có sáu anh chị em, cha mất sớm. Mặc dù nguyên quán ở Hoàng Kim, Thanh Hóa nhưng hầu hết cuộc đời ông sống tại Huế, Đà Nẵng, Sài Gòn và sau này là ở Hoa Kỳ. Đến tuổi trưởng thành, ông gia nhập Quân lực Việt Nam Cộng hòa. Nhờ khả năng âm nhạc, ông được chuyển phục vụ trong Nha Chiến tranh Tâm lý. Ông lập gia đình năm 1969 và có ba người con.
Nhật Ngân xuất hiện trong làng nhạc miền Nam Việt Nam vào thập niên 1960 với bản nhạc đầu tay Tôi Đưa Em Sang Sông (đồng tác giả Y Vũ). Tiếp sau đó, ông thành công với đề tài người lính với những như Mùa Xuân Của Mẹ, Xuân Này Con Không Về, Qua Cơn Mê và Một Mai Giã Từ Vũ Khí (viết trong bối cảnh Hiệp định Paris kết thúc Chiến tranh Việt Nam). Trong sự nghiệp của mình, ông nhiều lần hợp tác với nhạc sĩ Trần Trịnh với nghệ danh chung là Trịnh Lâm Ngân.
Sau sự kiện 30 tháng 4 năm 1975, Nhật Ngân bị chính quyền mới cấm hoạt động nhưng bài Anh Giải Phóng Tôi Hay Tôi Giải Phóng Anh? vẫn được phổ biến ở hải ngoại. Dù bị cấm hoạt động nhưng thỉnh thoảng ông vẫn cùng cùng với đồng nghiệp cùng hoàn cảnh đi trình diễn nhiều nơi. Năm 1982, ông một mình vượt biên sang đến Thái Lan, sống tại trại tị nạn Sikiu trong vòng hai năm, rồi được ca sĩ Thanh Thúy bảo lãnh định cư ở phía Bắc Hollywood thuộc thành phố Los Angeles, California, Hoa Kỳ năm 1984, nhưng chỉ sau 19 tháng đoàn tụ với gia đình thì phát hiện bị ung thư dạ dày, và khi bác sĩ báo tin này cho các bằng hữu của ông, họ đã giấu ông chuyện này và tổ chức một đêm nhạc dành cho ông. Sau khi giải phẫu, ông bình phục và bắt đầu sinh hoạt văn nghệ trở lại và một thời gian sau ông mới biết là bạn bè mình đều nghĩ rằng sau lần phẫu thuật đó ông sẽ qua đời nên mới tổ chức đêm nhạc nọ. Bài hát đầu tiên của ông tại hải ngoại là Hương dựa trên ý thơ của Nguyễn Long. Tới năm 1990, vợ và các con qua Hoa Kỳ nhờ sự bảo lãnh của ông.
Kể từ năm 1993, ông hỗ trợ Trung tâm Thúy Nga trong việc viết nhạc cảnh, ca khúc cho các chương trình của trung tâm này. Trung tâm Thúy Nga từng thực hiện Paris By Night 66 - Người Tình Và Quê Hương vinh danh ông, cùng với hai nhạc sĩ Trần Trịnh và Ngô Thụy Miên. Năm 2005, Nhật Ngân tái xuất trong chương trình Paris By Night 76 - Xuân Tha Hương để giới thiệu một nhạc phẩm mới của ông có tựa đề Xuân Này Con Về Mẹ Ở Đâu. Ông còn làm giám khảo cuộc thi PBN Talent Show trong Paris By Night 86 - Talent Show - Semi-Finals & Paris By Night 87 - Talent Show - Finals. Ông cũng hướng dẫn một vài ca sĩ trẻ mà tiêu biểu nhất trong đó là Băng Tâm, Ngọc Ngữ, Cát Lynh.
Nhạc phẩm cuối cùng trong sự nghiệp của Nhật Ngân là Huế Ơi! Huế Mãi Còn Đây. Ông trút hơi thở cuối cùng vào ngày 21 tháng 1 năm 2012, ngay vào dịp Xuân Nhâm Thìn tại California, Hoa Kỳ sau một thời gian chống chọi với biến chứng của căn bệnh ung thư đã khiến ông mất đi 2/3 dạ dày. Cái chết của ông vào những ngày cận Tết đã khiến cho ca khúc Xuân Này Con Không Về trở thành một ca khúc đã tiên đoán trước cái chết của nhạc sĩ vào dịp Tết. Trong chương trình Paris By Night 105 - Người Tình - The Lovers, Nguyễn Ngọc Ngạn có một bài phát biểu về Nhật Ngân sau khi ông đã nằm xuống, và trung tâm Thúy Nga sử dụng ca khúc Bài Hát Cho Người Kỹ Nữ trình bày ngay sau bài phát biểu đó nhằm tưởng nhớ đến ông.
Ngày 21 tháng 1 năm 2022, trung tâm Thúy Nga đăng tải video phóng sự nhạc sĩ Nhật Ngân của đài VietFaceTV thực hiện ngay mùa xuân năm 2012 nhằm tưởng nhớ 10 năm ngày mất của ông.
Di sản để lại[]
Nhạc sĩ Nhật Ngân đã để lại một kho tàng khổng lồ với hơn 200 ca khúc được công bố ở nhiều thể loại khác nhau, chủ yếu được phân loại trong hai thể loại lớn là nhạc thuần Việt và nhạc ngoại lời Việt. Ngoài ra, một trong những di sản khác ông để lại là những giọng ca nhạc vàng nổi tiếng hải ngoại như Phi Nhung, Băng Tâm, Ngọc Ngữ và Cát Lynh, riêng Ngọc Ngữ được kế thừa chiếc xe của nhạc sĩ mà ông đã sử dụng trong suốt khoảng thời gian cuối cùng của cuộc đời ông tại hải ngoại.
Các mối quan hệ[]
Gia đình[]
Nhật Ngân nổi tiếng là một người yêu quý gia đình mình và chỉ gắn bó với bà Đinh Thị Nương suốt hơn 40 năm trời, và Nhật Ngân đã có nhiều ca khúc trữ tình viết riêng cho người vợ của mình.
Gia đình Tô Văn Lai[]
Nhật Ngân không bao giờ cho phép trung tâm Thúy Nga sử dụng nhạc của Anh Bằng vì Anh Bằng là chủ nhân trung tâm Asia và chỉ có trung tâm Asia mới độc quyền phát hành nhạc của nhạc sĩ này.[1] Chính vì điều đó nên Nhật Ngân, cùng với Lê Dinh và Thanh Sơn, là ba nhạc sĩ được trung tâm Thúy Nga tin tưởng về việc xác định xem nhạc phẩm nào là của Anh Bằng để tránh việc tình cờ vi phạm bản quyền mỗi khi trung tâm cần thực hiện một nhạc phẩm nào đó mà nghi ngờ đó là nhạc của Anh Bằng.[2]
Ngọc Lan[]
Khi Nhật Ngân nghe xong ca khúc Mưa Trên Biển Vắng do chính ông viết lời Việt và Ngọc Lan trình bày, ông cảm nhận rằng ca khúc ấy cũng chính là tâm sự của nữ danh ca. Đồng thời, nhạc sĩ cũng đánh giá cao hai ca khúc mà chính Ngọc Lan đã viết lời.
"Giai đoạn đó thì tôi nghĩ là Ngọc Lan đang có những chao đảo về tình yêu, tôi cảm thông cho những chao đảo đó, tôi đã viết bài Hạnh phúc nơi nào mang cái cảm xúc của Ngọc Lan trong thời gian đó, vì hạnh phúc thường là mình thấy có nhưng rồi lại không, nhiều khi mình nghĩ mình đã gặp hạnh phúc rồi mà cuối cùng vẫn chả thấy nó đâu cả."
- cảm nhận của nhạc sĩ Nhật Ngân về phong cách viết lời Việt từ nhạc nước ngoài của Ngọc Lan.
Ngọc Ngữ[]
"Anh có cảm giác là bất kể anh làm gì, anh cũng nhớ đến thầy."
- Ngọc Ngữ trải lòng với Châu Ngọc Hà về nhạc sĩ Nhật Ngân.
Ngọc Ngữ là người học trò cuối cùng của nhạc sĩ Nhật Ngân và anh thể hiện rất thuần thục những ca khúc nhạc vàng của vị nhạc sĩ quá cố này.
Trong suốt những năm tháng sau khi thầy của mình qua đời, Ngọc Ngữ đã luôn cầu nguyện, chủ động đi viếng mộ nhạc sĩ mỗi khi phát hành những sản phẩm âm nhạc mới, và chính anh cũng coi thầy như là người luôn phù hộ cho mình trên con đường nghệ thuật. Ngoài ra, chính anh là người được phu nhân của nhạc sĩ chọn để thừa kế chiếc xe của người thầy quá cố của mình.
Xuất hiện trong các chương trình Paris By Night[]
STT | PBN số | Mục đích xuất hiện |
---|---|---|
1 | 54 | Xuất hiện sau tác phẩm Cho Vừa Lòng Anh. |
2 | 66 | Xuất hiện trong chương trình vinh danh dòng nhạc của mình. |
3 | 76 | Giới thiệu tác phẩm mới, Xuân Này Con Về Mẹ Ở Đâu. |
4 | 86 | Đóng vai trò giám khảo cuộc thi Talent Show. |
5 | 87 |
Những lần nhạc của Nhật Ngân xuất hiện trong các chương trình Paris By Night[]
Xem danh sách những lần những ca khúc của Nhật Ngân xuất hiện trong các chương trình Paris By Night tại đây.
Thư viện ảnh[]
Thông tin bên lề[]
- Bút danh Phan Trần là ghép từ tên họ của hai nhạc sĩ Nhật Ngân và Mặc Thế Nhân (Mặc Thế Nhân tên thật là Phan Công Thiệt).[3]
- Bút danh Ngân Khánh chính là lấy từ tên của người con gái đầu lòng của ông.
- Bút danh Trịnh Lâm Ngân được ghép từ 3 cái tên Trần Trịnh, Lâm Đệ và Nhật Ngân. Trong 3 cái tên này thì Trần Trịnh và Nhật Ngân là 2 nhạc sĩ đã khẳng định được tên tuổi trước đó, còn Lâm Đệ là người vô danh. Sau này, trên Paris By Night, nhạc sĩ Nhật Ngân kể lại rằng Lâm Đệ là con trai của chủ hãng đĩa Sóng Nhạc, chỉ đánh đàn chứ không biết sáng tác.[3]
- Tuy nhiên, chủ của hãng đĩa Asia Sóng Nhạc vào thời điểm đó là ông Nguyễn Tất Oanh, và cô Hồng (vợ của nhạc sĩ Hoàng Trang) là con gái của ông Nguyễn Tất Oanh cho biết ông Lâm Đệ không phải là con trai của ông chủ hãng Sóng Nhạc như lời nhạc sĩ Nhật Ngân đã kể, mà đó chỉ là sự hiểu lầm trong cách xưng hô, dẫn đến sự ngộ nhận của chính nhạc sĩ Nhật Ngân. Kể từ sau đó, 2 nhạc sĩ Trần Trịnh và Nhật Ngân hợp tác cùng nhau để viết nhạc, chứ không liên quan gì đến cái tên Lâm Đệ.[3]