Nhạc kịch: Huế Mậu Thân là một liên khúc gồm 2 bài hát: Những Con Đường Trắng (Trầm Tử Thiêng, thơ: Tô Kiều Ngân) và Bài Ca Dành Cho Những Xác Người (Trịnh Công Sơn) được trung tâm Thuý Nga kết hợp thành một vở nhạc kịch dài 9 phút 37 giây (ở định dạng audio) và trình diễn một lần trong chương trình Paris By Night 91 - Huế, Sài Gòn, Hà Nội.

Hình ảnh minh họa vở nhạc kịch in trên mặt đĩa 2 trong DVD của chương trình Paris By Night 91 - Huế, Sài Gòn, Hà Nội.
Bối cảnh[]
Sáng sớm ngày 31 tháng 1 năm 1968, trong dịp Tết Nguyên Đán, Quân đội Nhân dân Việt Nam và Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam cùng lúc tấn công bất ngờ tại nhiều thành phố và địa phương trên miền Nam Việt Nam - trong đó có Sài Gòn và Huế, bất chấp việc hai bên đã ký thỏa thuận ngừng bắn để người dân hai miền được đón Tết. Sau các thành công quân sự ban đầu, họ bị đối phương áp đảo và đẩy lui khắp nơi, trừ Huế. Cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân tuy được xem là một thất bại chiến thuật nhưng phía Việt Nam Dân chủ Cộng hòa lại tuyên bố đây là một chiến thắng có tầm vóc lớn về chiến lược của hai lực lượng vũ trang.
Với mục đích giành giật chủ quyền tại Huế, trận chiến 28 ngày giữa Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam với Quân đội Hoa Kỳ và Quân lực Việt Nam Cộng hòa đã diễn ra và kết quả là 40% thành phố bị phá hủy, 116.000 người mất nhà ở. Quân đội Hoa Kỳ và Quân lực Việt Nam Cộng hòa chịu khoảng 4.400 lính thương vong, trong khi Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam và Quân đội Nhân dân Việt Nam cũng tổn thất trên 4.000 quân. Cũng trong cuộc tái chiếm này, quân đội Mỹ đã sử dụng tối đa vũ khí hạng nặng như bom napalm, đại bác, pháo xe tăng và súng không giật cỡ lớn. Trong số 17.134 ngôi nhà tại Huế, 9.776 ngôi nhà bị phá hủy hoàn toàn, 3.169 ngôi nhà bị hư hỏng nặng; số thường dân thiệt mạng theo ước tính đầu tiên của chính phủ Việt Nam Cộng hòa là 3.776 người. Tài liệu Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam cho biết họ đã chôn cất khoảng hai ngàn nạn nhân do bom đạn tại các khu mộ tập thể cùng với binh sĩ tử trận của chính họ (trong đó có nhiều nạn nhân của chính quân đội GPMNVN khi họ thực hiện những vụ thảm sát tập thể những người dân sống dưới chính thể Việt Nam Cộng hòa).[1]
Hai nhạc phẩm chính trong vở nhạc kịch này đã được viết vào chính thời điểm này, trong đó ca khúc Bài Ca Dành Cho Những Xác Người thường được gọi là một trong những ca khúc phản chiến của Trịnh Công Sơn, và vở nhạc kịch cũng như toàn bộ chương trình Paris By Night 91 nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của cộng đồng người Việt hải ngoại vì đã thể hiện và lên án tội ác của quân đội cộng sản Việt Nam vào thời điểm đó và ngược lại, những cơ quan ngôn luận trực thuộc chính quyền cộng sản Việt Nam đã lên án kịch liệt vở nhạc kịch này vì họ cho rằng đây là một sự xuyên tạc lịch sử.[2]
Kịch bản - lời bài hát[]
Những Con Đường Trắng[]
Ca sĩ/diễn viên chính: Quang Lê
Rèm được kéo lên, khung cảnh là cầu Tràng Tiền dưới ánh nắng sáng tươi cùng với một cô bé đứng ở phía dưới trải một tấm vải lớn và dần dần hoà vào dòng người đi đường (tất cả họ đều mặc áo trắng).
Ngày xưa Huế có con đường trắng, ơi con đường trắng.
Áo trắng đơn sơ,
Áo trắng ngây thơ,
Áo trắng như mơ,
Áo trắng học trò.
Nàng Tôn Nữ tóc nghiêng vành nón, ơi nghiêng vành nón.
Tiếng guốc khua vang,
Ánh mắt mênh mang.
Ríu rít như chim khắng khít tìm đàn.
Các em đi, vàng thu, lá thu bay.
Đường lên trường Đồng Khánh gió heo may.
Tôi đứng chờ bên dòng Hương xanh ngát.
Nghe lòng mình xao xuyến, ngất ngây say.
Phần nhạc dạo được phát lên và bỗng nhiên bị cắt ngang bởi những ánh sáng loé lên cùng với tiếng súng, tiếng gạch vỡ, cây cầu Tràng Tiền bị đứt gãy nhịp, hầu như tất cả các thường dân và nữ sinh ở tại đó bị giết chết, sau đó là tiếng của một em bé khóc (không có trong bản audio). Một lúc sau, tiếng đàn tranh cất lên. Một người phụ nữ lớn tuổi trải một tấm vải màu trắng lớn (tái hiện lại hình ảnh tương tự ở đầu vở nhạc kịch), những người còn sống đeo khăn tang và khóc bên cạnh người chết.
À ơi... ngày nay Huế có nhiều con đường trắng...
Áo qua Đông Ba,
Áo về Thượng Tử,
Áo lên Bến Ngự,
Áo ngược Phú Cam...
Đầu xanh ai quấn khăn tang.
Mùa xuân héo hắt... chứ mùa xuân héo hắt... dẫu hờn chưa nguôi....
Phần nhạc quay trở lại như cũ.
Ngày nay Huế có nhiều con đường trắng, ơi con đường trắng
Áo chế thương đau,
Nước mắt tuôn mau,
Áo trắng nơi nơi,
Áo trắng lạnh người...
Còn đâu nữa những con đường trắng,
Những con đường trắng?
Cuối phố Đông Ba,
Áo trắng đi qua,
Áo trắng ngây thơ,
Bóng dáng ngọc ngà
Áo trắng đi qua,
Áo trắng ngây thơ,
Bóng dáng ngọc ngà...
Bài Ca Dành Cho Những Xác Người[]
Ca sĩ/diễn viên chính: Khánh Ly
Trên màn ảnh hiển thị những tư liệu về sự kiện Huế Mậu Thân. Mọi người lấy những tấm vải màu trắng che những người đã chết. Nhạc nền được đổi sang trầm hơn.
Xác người nằm trôi sông,
Phơi trên ruộng đồng,
Trên nóc nhà thành phố,
Trên những đường quanh co...
Xác người nằm bơ vơ dưới mái hiên chùa,
Trong Giáo đường thành phố,
Trên thềm nhà hoang vu...
Mùa xuân ơi, xác nuôi thơm cho đất ruộng cày.
Việt Nam ơi, xác thêm hơi cho đất ngày mai.
Đường đi tới dù chông gai,
Thì quanh đây đã có người.
Xác người nằm quanh đây trong mưa lạnh này,
Bên xác người già yếu,
Có xác còn thơ ngây....
Xác nào là em tôi dưới hồ hầm này,
Trong những vùng lửa cháy,
Bên những vồng ngô khoai...
Xác người nằm trôi sông,
Phơi trên ruộng đồng,
Trên nóc nhà thành phố,
Trên những đường quanh co...
Xác người nằm bơ vơ dưới mái hiên chùa,
Trong Giáo đường thành phố,
Trên thềm nhà hoang vu...
Mùa xuân ơi, xác nuôi thơm cho đất ruộng cày.
Việt Nam ơi, xác thêm hơi cho đất ngày mai.
Đường đi tới dù chông gai,
Thì quanh đây đã có người.
Xác người nằm quanh đây trong mưa lạnh này,
Bên xác người già yếu có xác còn thơ ngây....
Xác nào là em tôi,
Dưới hồ hầm này,
Trong những vùng lửa cháy,
Bên những vồng ngô khoai...
Xác nào là em tôi dưới hồ hầm này...?
Nhạc nền kết thúc.