Thúy Nga - Paris By Night Encyclopedia
Advertisement
Thúy Nga - Paris By Night Encyclopedia
Sớm trưa khuya tối, nhìn quanh một mình
Đường quen không tới, tìm nhau ngại ngùng
Chỉ vì đời mình chưa có bình minh...

—Lam Phương, tác phẩm "Một Mình"


Lam Phương là một trong những nhạc sĩ tiêu biểu nhất của nền âm nhạc Việt Nam trước và sau năm 1975.


Tiểu sử[]

Thời niên thiếu & nổi tiếng trước tuổi 20[]

Lâm Đình Phùng sinh ngày 20 tháng 3 năm 1937 tại làng Vĩnh Thanh Vân, quận Châu Thành, tỉnh Rạch Giá (hiện nay là phường Vĩnh Thanh Vân, thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang). Nội tổ của ông vốn là người Hoa, bỏ nước sang Việt Nam lập nghiệp trong đợt di dân ồ ạt của người Hoa chống đối với nhà Mãn Thanh, và ông cố nội của ông là Lâm Quang Ky, vốn là phó tướng của nhà yêu nước Nguyễn Trung Trực. Đời ông nội của ông đã bắt đầu lai Việt Nam và đến đời cha của Lam Phương thì chẳng còn dấu vết gì là người Hoa nữa. Lam Phương là con đầu lòng, lớn lên với mẹ và năm người em trong cảnh nghèo nàn xơ xác. Cha ông đã bỏ đi theo người đàn bà khác từ lúc ông còn nhỏ.

Dù nhà không có nhiều điều kiện nhưng Lam Phương vẫn được mẹ gửi lên Sài Gòn để học tiểu học năm ông 10 tuổi, sống ở nhà người bác ruột trên đường Đinh Công Tráng ở Dakao. Ngày ngày trên đường đi học về, cậu bé Lâm Đình Phùng thường khi ấy thường đi ngang qua các quán cafe, rồi bị hút hồn bởi các giai điệu bài hát Tây phương được phát ra từ máy hát trong quán. Ông trở nên thích thú, tự tìm hiểu âm nhạc bằng cách mua tờ nhạc về xem, rồi tìm theo học tại tại nhà của một thầy giáo không tên tuổi ở Tân Định, với tài liệu chủ yếu là các bài nhạc của hai nhạc sĩ Phạm Duy và Lê Thương. Thấy người cháu đam mê học nhạc, ông bác cũng đầu tư mua sắm các nhạc cụ cơ bản như guitar và mandoline. Hiện nay cây đàn guitar đầu tiên của Lam Phương này vẫn còn được lưu giữ tại Sài Gòn.

Đến đầu năm 1950, Lam Phương may mắn gặp nhạc sĩ Hoàng Lang, khi đó mới 20 tuổi, và người nhạc sĩ này đã khơi nguồn cảm xúc âm nhạc cho Lam Phương, giúp Lam Phương hình thành nên những giai điệu đầu tiên của sáng tác đầu tay mang tên Chiều Thu Ấy ngay từ năm 1950, khi Lam Phương vẫn còn là một cậu bé mới 13 tuổi. Đó là 1 ca khúc nói về chuyện tình dang dở, có giai điệu phảng phất cái chất của dòng nhạc tiền chiến. Hai năm sau, Lam Phương quyết định tự in và phát hành năm 1952, lấy bút danh là Lam Phương (ông đã lấy từ hai chữ trong tên thật của mình là Lâm và Phùng với ý nghĩa "hướng về phương trời màu xanh hy vọng").

Vào những năm đầu của sự nghiệp (những năm 1953 - 1954), ông gặp rất nhiều khó khăn về tài chính khi thường xuyên phải vay tiền những người bạn của mình để tự phát hành các tác phẩm âm nhạc, và những ca khúc như Chuyến Đò Vĩ Tuyến Kiếp Nghèo (cả hai ca khúc đều được viết năm 1954) được sáng tác trong hoàn cảnh như vậy, riêng ca khúc Kiếp Nghèo chính là sự đúc kết từ những kỉ niệm của ông với gia đình thời còn rất nghèo, và với những ký ức về vùng quê thanh bình năm xưa vẫn luôn đau đáu trong lòng, vị nhạc sĩ trẻ tuổi đã sáng tác hàng loạt những ca khúc về quê hương với sự khuyến khích của nhạc sĩ Phạm Duy và sự hướng dẫn thêm từ nhạc sĩ Lê Thương: Khúc Ca Ngày Mùa, Trăng Thanh Bình, Hương Thanh Bình.

Trong khoảng thời gian những năm 1954 - 1955, với những cảm xúc khi được chứng kiến từng đoàn người di cư vào miền Nam sau hiệp định Geneve, ông đã sáng tác Chuyến Đò Vỹ Tuyến, Nhạc Rừng Khuya, Đoàn Người Lữ Thứ, Nắng Đẹp Miền Nam,... và đều trở nên nổi tiếng, được yêu thích cho đến ngày nay. Ít ai biết được rằng, trong thời điểm này nhạc sĩ Lam Phương có một mối tình đơn phương với nữ ca sĩ Thúy Nga mà sau này, năm 1957 bà đã trở thành phu nhân của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ.

Sau đó, Lam Phương tung ra hàng loạt ca khúc viết về quê hương, trong đó nổi tiếng nhất là Khúc Ca Ngày Mùa sáng tác năm 1957 được hầu hết các trường học ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long chọn để dạy cho học trò ca múa. Được biết, để in tờ nhạc ca khúc Chiều Thu Ấy, Lam Phương đã phải đi vay bạn bè 200 đồng, rồi tự đi bán lẻ nhạc ở khắp Sài Gòn. Nhưng lúc đó chưa ai biết đến tên tuổi Lam Phương nên không thể bán được, phi vụ in tờ nhạc đầu tay vì niềm đam mê này đã làm cho ông phải ôm món nợ người bạn 200 đồng. Thời gian này Lam Phương lại đi làm thuê để kiếm tiền trả nợ, rồi lại sáng tác và vay tiền in nhạc, số nợ to dần, lên đỉnh điểm là 600 đồng. Số tiền nợ này chỉ được trả hết vào năm 1954, khi Lam Phương thành công với bài Khúc Ca Ngày Mùa nói trên, bài hát đã vén bức màn để đưa tên tuổi của Lam Phương ra ánh sáng trước công chúng cùng với những sáng tác trước đó của ông. Chính nhạc sĩ Ngọc Sơn cũng từng khẳng định rằng ông dấn thân vào con đường sáng tác nhạc vì sự hâm mộ mà ông dành cho những ca khúc đang trên đà nổi tiếng của người nhạc sĩ trẻ kém mình tới ba năm tuổi đời.

Sự nghiệp trước năm 1975[]

Năm 1958, khi được 21 tuổi, nhạc sĩ Lam Phương vào quân ngũ, thực hiện trách nhiệm công dân. Trong thời gian này, những sáng tác nổi tiếng về lính của Lam Phương có thể kể đến là Chiều Hành Quân, Bức Tâm Thư, Tình Anh Lính Chiến… Trở về dân sự một thời gian thì được lệnh tái ngũ, gia nhập đoàn văn nghệ Bảo An. Sau khi đoàn này giải tán, ông tham gia ban văn nghệ Hoa Tình Thương và sau cùng là Biệt đoàn Văn nghệ Trung ương cho đến ngày Sài Gòn thất thủ năm 1975.

Một năm sau khi gia nhập quân ngũ, ông gặp kịch sĩ Túy Hồng và kết hôn với bà. Cũng trong năm này, ông viết ca khúc Ngày Hạnh Phúc để thể hiện niềm vui của ông khi được nên duyên vợ chồng với nữ nghệ sĩ. Đó là những lời hát quen thuộc mở đầu bài hát từng được phát thường xuyên trên đài phát thanh quân đội hồi đầu thập niên 1960 vào mỗi 6 giờ sáng hàng ngày (tức 5 giờ sáng hiện nay, vì múi giờ Sài Gòn lúc đó là GMT+8) bởi Ngày Hạnh Phúc đã được chọn là nhạc hiệu của chương trình "gia binh" trên đài phát thanh quân đội mỗi sáng sớm, và đã trở thành giai điệu quen thuộc với hầu hết tất cả những người miền Nam trước năm 1975, nhất là trong những tiệc cưới và ngày tân hôn. Chính quản đốc của đài Phát thanh Quân đội ngày ấy là nhà thơ Nhất Tuấn đã phải công nhận rằng Lam Phương là trường hợp nhạc sĩ đặc biệt nhất trong số tất cả các nhạc sĩ nổi tiếng cùng thời với ông như Phạm Duy, Văn Phụng, Nguyễn Hiền,... vì bài Ngày Hạnh Phúc của ông quá nổi tiếng và quá phổ biến.

Vào khoảng thời gian trước khi Lam Phương kết hôn, ông có phải lòng nữ danh ca Bạch Yến kém ông 5 tuổi. Tuy nhiên, việc Bạch Yến đi lưu diễn vào năm 1961 đã khiến mối tình này phai nhòa dần trong ông.

Suốt thập niên 1960, Lam Phương viết rất nhiều bản nhạc nổi tiếng ở nhiều thể loại khác nhau của dòng nhạc trữ tình, cùng với việc đóng phim đã đem lại cho ông những khoản lợi rất lớn về tài chính. Thời điểm đó, lương một vị đại tá quân đội cả phụ cấp vào khoảng 50 nghìn đồng tiền Việt Nam Cộng Hòa, lương một vị giám đốc cũng vào tầm đó, và mỗi ca khúc ông sáng tác đều có giá trị lớn hơn con số trên, thậm chí là theo cấp số cộng hoặc cấp số nhân. Cũng trong thời gian này, dù đã có vợ nhưng Lam Phương vẫn có những mối tình thoáng qua, hoặc cảm xúc đơn phương với một số nữ ca sĩ tài sắc như Minh Hiếu, Bạch Yến, Hạnh Dung, trở thành cảm hứng cho những ca khúc nổi tiếng lần lượt ra đời: Tình Bơ Vơ, Vĩnh Biệt, Bọt Biển, Biển Tình, Phút Cuối, Em Là Tất Cả, Tình Nghĩa Đôi Ta Chỉ Thế Thôi, Biết Đến Bao Giờ, Tình Chết Theo Mùa Đông,... Ngoài sáng tác và biểu diễn âm nhạc ra, Lam Phương còn cộng tác với trung tâm Quốc gia Điện ảnh xuất hiện trong một số phim mang chủ đề vận động, cải tiến xã hội, chẳng hạn như Chân Trời Mới, Niềm Tin Mới,... với lời đề nghị không ai khác đến từ nhạc sĩ Phạm Duy, khi ấy đang là trưởng phòng đạo diễn của trung tâm Quốc gia Điện ảnh. Sau năm, sáu bộ phim, ông ngừng trở thành diễn viên và chuyên tâm vào việc sáng tác và phát hành các nhạc phẩm của mình.

Trong một lần một mình đi lên Đà Lạt biểu diễn văn nghệ vào năm 1970 (được biết nhạc sĩ Lam Phương từng hẹn hò với Hạnh Dung ở đây), vào một sáng chủ nhật, ông ngồi trên một căn nhà trọ nhìn xuống một khu phố vắng vẻ và đã viết nên ca khúc Thành Phố Buồn. Sau đó, nhạc sĩ đã mang bài hát này đến nhà danh ca Chế Linh sau khi về lại Sàigòn để nam ca sĩ thể hiện nó trước khi bán nó với giá 12 triệu đồng (tương ứng với $500,000 vào thời điểm hiện tại và gấp 240 lần lương của một đại tá Quân lực Việt Nam Cộng hòa) và đưa danh tiếng của một trong Tứ Trụ Nhạc Vàng lên tột đỉnh. Cũng trong năm này, Bạch Yến về nước sau 9 năm lưu diễn ở nước ngoài, khiến những kỉ niệm giữa nhạc sĩ và nữ danh ca được khơi dậy và ông đã sáng tác ca khúc Chờ Người.

Cho đến tận cuối tháng 4 năm 1975, ông đã có 30 triệu đồng VNCH trong tài khoản ngân hàng. Ngày 28 tháng 4, khi Sài Gòn trong cơn hấp hối, Hạnh Dung có rủ ông cùng đi vượt biên nhưng ông đã từ chối, tới ngày 30 tháng 4, ông mới vội vã lên tàu Trường Xuân cùng gia đình mà không mang theo tài sản gì giá trị. Sau ngày này, các tác phẩm của ông đã bị cấm, bôi nhọ và tiêu hủy bởi chính quyền cộng sản Việt Nam.

Cuộc sống cơ cực tại Hoa Kỳ và các ca khúc chỉ có một từ[]

Hành trình của tàu Trường Xuân lênh đênh trên biển, chở theo gia đình nhạc sĩ Lam Phương và gần 4000 người khác (trong đó có nam ca sĩ Elvis Phương) không hề suôn sẻ. Thuyền trưởng Phạm Ngọc Lũy đã ghi lại trong hồi ký như sau:

“Ánh trăng mờ mờ tựa hơi sương làm tăng thêm vẻ cô quạnh vùng biển Nam Hải. Trường Xuân dật dờ trôi giữa cái mông mênh vô tận. Những vì sao chơi vơi lấp lánh trên trời cao. Sóng nhỏ lăn tăn, lấp loáng ánh trăng phả nhẹ vào vỏ tàu tạo nên trong đêm vắng những âm thanh rì rào nghe như những lời than van hay nguyện cầu van vỉ.

Máy tàu, máy đèn đều tê liệt. Những thanh niên vẫn tiếp tục thay nhau xuống phòng máy tát nước. Hai bên cánh đài chỉ huy, những bà mẹ mang theo con nhỏ tìm nơi qua đêm an toàn hơn, nằm ngồi la liệt, không còn chỗ len chân. Mấy lần tôi muốn lấy thiên máy lục phân (sextant) đo chiều cao sao Bắc đẩu để định vĩ tuyến của tàu nhưng không thể nào di chuyển ra mé ngoài.

Tim đập dồn dập mỗi lần nghĩ đến nguy cơ tàu chìm nếu nước phá mạnh ngập phòng máy. Không có phương tiện liên lạc với “thế giới bên ngoài” để kêu gọi tiếp cứu. Đài chỉ huy tối om, không có ánh sáng để nghiên cứu lộ trình trên hải đồ. Tình trạng bi đát không được tiết lộ để tránh tình trạng rối ren…”

Thật may mắn là ngày 2 tháng 5, gần 4000 người trên tàu Trường Xuân đã được tàu chở hàng Clara Maersk của Đan Mạch ứng cứu kịp thời trong lúc nguy cấp, vào lúc Trường Xuân đã bị nước vào rất nhiều và không thể cầm cự được lâu hơn. Gia đình nhạc sĩ Lam Phương đến được trại tị nạn ở Hồng Kông, đến tháng 11 năm 1975 thì được chấp thuận định cư ở Mỹ, riêng ca sĩ Elvis Phương đi cùng con tàu đó được đi thẳng đến Pháp.

Khi đặt chân đến xứ người, ông phải mưu sinh, làm đủ mọi ngành nghề khác nhau để kiếm sống. Có lẽ từ thời ấu thơ sống trong “Kiếp Nghèo”, nhạc sĩ Lam Phương đã quen với nghèo khó, nên dù đã trải qua những đỉnh cao cuộc đời, cho đến khi bị cuộc đời đưa xuống hố sâu, ông vẫn nhanh chóng thích nghi được với cái nghèo trên xứ người.

Làm công việc chân tay nặng nhọc được một thời gian, Lam Phương đưa vợ con đến Texas, nơi có cộng đồng người Việt đông đúc hơn, nên bước đầu đôi vợ chồng Lam Phương - Túy Hồng có thể trở lại được với sân khấu. Ban ngày đi làm thuê cho hãng Sears, ban đêm Lam Phương đi đệm đàn cho một vài quán nhỏ. Tích góp được một thời gian, trong nỗi khát thèm trở lại với ánh đèn sân khấu, Lam Phương - Túy Hồng thuê lại một quán ăn để dựng lại Ban Kịch Sống lừng lẫy một thời.

Đôi vợ chồng nghệ sĩ lại được sống với nghề, được gặp gỡ bạn bè văn nghệ, gặp khán giả, đêm đêm sống lại hào quang dưới ánh đèn sân khấu... Tuy nhiên, sau đó được một thời gian, Túy Hông đã ly dị ông vào năm 1978. Cũng trong khoảng thời gian đó, ông đã bắt đầu viết một seri những ca khúc mà tên của nó chỉ có đúng một chữ: Lầm, Mất, Buồn, Say... tất cả các ca khúc trên đều là những ca khúc có tông điệu buồn giống như nhạc phẩm Vĩnh Biệt được viết khoảng năm 1964 nhằm thể hiện những chuỗi ngày đau khổ, day dứt của ông khi ấy.

"Anh đã lầm, đưa em sang đây
Để đêm trường, nghe tiếng thở dài...
Thà cuộc đời im trong lòng đất,
Được trở về tiếng khóc ban sơ
Hơn là mang kiếp mong chờ..." - 5 câu đầu ca khúc Lầm, được viết sau khi Lam Phương ly hôn Túy Hồng.

10 năm tại Paris[]

Năm 1980, sau năm năm sống vất vả tại Hoa Kỳ với gia đình, nhạc sĩ Lam Phương đặt chân sang Pháp, định cư tại thủ đô Paris. Tương truyền rằng, khi nhạc sĩ đặt chân đến đất Pháp lần đầu tiên sau chuyến bay dài từ Mỹ qua, việc đầu tiên ông làm là tiêu hủy tấm thẻ xanh định cư tại Hoa Kỳ như là minh chứng cho việc ông thề sẽ không trở lại Hoa Kỳ một lần nữa.[1] Cuộc sống ở Pháp ban đầu khó khăn hơn ở Mỹ nhiều và ông phải làm việc đóng gói trong một tiệm tạp hóa vì những người thân quen xung quanh ông đều không có việc cho ông làm. Một năm sau, ca khúc Gửi Người Ngàn Dặm ra đời trong niềm nhớ người yêu Hạnh Dung của ông, và sau đó nó đã được trình bày thành công trong băng nhạc đầu tiên của nữ ca sĩ Thanh Tuyền phát hành tại hải ngoại.[2] Sau này, em gái út của Lam Phương là bà Lâm Thị Minh Khai mở nhà hàng Như Ánh, trở thành nơi lui tới thường xuyên của người Việt tại Pháp, và nhạc sĩ đã trở thành quản lý của nhà hàng này cùng em mình, thay cho những công việc tay chân mệt nhọc trước đó. Được biết, vào ban đêm ông chơi nhạc tại sân khấu nhỏ của nhà hàng này. Nhà hàng ngày nào đã trở nên đắt khách và ông có cơ hội tiếp xúc với nhiều người hơn, và đó cũng một phần giúp cho tâm hồn nghệ sĩ của ông được hồi phục trở lại.

Năm 1984, Lam Phương tìm gặp Bạch Yến, lúc này cũng đang định cư tại Pháp cùng chồng là giáo sư Trần Quang Hải, sáng tác và đưa cho bà bản nhạc ca khúc Cho Em Quên Tuổi Ngọc và nói rằng bài hát này chỉ dành riêng cho bà mà thôi - thực tế, bài này ông viết cho một bộ phim nói về cuộc đời của một cựu nữ sinh phản chiến vào đầu thập niên 1970 và sau khi ra hải ngoại sinh sống. Theo báo nhacxua.vn, phiên bản lời Pháp của ca khúc này lại có nội dung khác so với phiên bản lời tiếng Việt, rằng phiên bản tiếng Pháp viết về một chuyện tình đau thương và cay đắng. Năm 1988, khi biết tin nữ ca sĩ Họa Mi phải trốn ở lại Pháp để tìm cách chữa bệnh mắt cho chồng, Lam Phương sau này đã sáng tác ca khúc Em Đi Rồi để dành riêng cho giọng hát của cô.

Ở một thời điểm nào đó trong thập niên 1980, nhạc sĩ Tùng Giang đến Paris theo lời mời của ông Tô Văn Lai. Tùng Giang đã ở nhờ căn hộ của nhạc sĩ Lam Phương, và trong một lần Lam Phương rủ Tùng Giang đi dạo Paris, ông đã vô tình tạo cho Tùng Giang cảm hứng viết ca khúc Paris Và Em.[3]

Ông từng tâm sự rằng, nếu như có viết một bài nhạc tương tự như bài Kiếp Nghèo để mô tả cuộc sống của ông hiện tại, ông sẽ đặt tên bài đó là Kiếp Mạt. Tuy nhiên, khi ông chưa kịp viết Kiếp Mạt thì ông đã gặp một người phụ nữ tên là Lê Thị Cẩm Hường, cũng vào khoảng giữa những năm 1980, và ông đã kết hôn với người phụ nữ này sau đó và sống với nhau cho đến năm 1995 - Cẩm Hường cũng tham gia vào việc quản lý nhà hàng Như Ánh cùng với chồng và em chồng mình.

Như vậy là trong suốt 15 năm này, Lam Phương đã sáng tác tới hơn 100 ca khúc và hầu hết chúng đều được khán giả hải ngoại đón nhận nồng nhiệt, đồng thời ông cũng là nhạc sĩ ăn khách bậc nhất trong các cộng đồng người Việt hải ngoại tại Pháp và Hoa Kỳ.

Những năm 1990 và biến cố cuộc đời[]

Nhạc sĩ trở về Mỹ vào khoảng năm 1990, và trở lại Pháp vào năm 1993 khi trung tâm Thúy Nga thực hiện chương trình Paris By Night 22 - 40 Năm Âm Nhạc Lam Phương để vinh danh ông - năm đó ông đã 56 tuổi. Một năm sau, trung tâm lại thực hiện tiếp chương trình Paris By Night 28 - Lam Phương 2 - Dòng Nhạc Tiếp Nối - Sacrée Soirée 3.

132650432 10158992212269485 3662839358407269607 n

Nhạc sĩ Vũ Thành An viếng thăm Lam Phương

Năm 1990, Lam Phương viết thêm bài Một Mình, và cũng trong thời gian còn ở Pháp, ông vô tình gặp một người xem bói và người này đã bói rằng cuối đời ông sẽ sống trong cô đơn. Chính ca khúc đó giống như lời tiên tri về cuộc đời của mình - chín năm sau, trong một buổi tiệc tại nhà một người thân vào ngày 13 tháng 3, Lam Phương bất ngờ lên cơn đột quỵ. May mắn là ông vẫn sống sót, nhưng ông phải ngồi xe lăn trong suốt phần đời còn lại của mình vì liệt nửa người.

Sau khi sống sót từ cơn đột quỵ, ông nhận được rất nhiều sự quan tâm đến từ người thân và những người hâm mộ, từ chuyện người em gái bỏ cả cửa hàng ăn bên Pháp bay sang Mỹ để chăm sóc cho anh trai và Cẩm Hường cũng từ Pháp qua Mỹ để chăm sóc chồng cũ cùng với em chồng, đến chuyện một người yêu nhạc từ bên Úc mua cho ông một căn nhà và ngày nào cũng gọi điện để bắt ông phải nói chuyện. Bà còn đến tận nơi, vứt chiếc xe lăn ra xa để bắt ông tự đi. Những tình cảm đó giúp nhạc sĩ Lam Phương đã dần bình phục, dù không thể đi đứng bình thường được như xưa.

Nhạc phẩm cuối cùng mà ông đã sáng tác sau khi lên cơn đột quỵ được hai năm là Hạnh Phúc Mang Theo. Bản thân Lam Phương cũng cho rằng, ông ít nhiều không bị suy giảm tinh thần vì đã biết trước về cuộc đời sau này của mình, nhưng cũng từ đó mà ông đã không còn sáng tác nữa.

Những năm tháng cuối đời trên xe lăn[]

Từ khi nhạc sĩ bắt đầu ngồi xe lăn, Lam Phương đã có nhiều cơ hội để được đi ra nước ngoài hơn, nhất là đối với những chương trình vinh danh dòng nhạc của ông được tổ chức tại các cộng đồng người Việt hải ngoại ở các quốc gia ngoài nước Mỹ. Năm 2003, nhạc sĩ Lam Phương tham gia một buổi giao lưu văn nghệ tại nhà hàng Thành Được do nghệ sĩ Thành Được tổ chức và ông đã gặp lại nhạc sĩ Huỳnh Anh tại đây - chính nhạc sĩ Huỳnh Anh đã khẳng định rằng ông xúc động khi thấy Lam Phương đã không còn được khỏe mạnh như trước vì cơn đột quỵ nghiệt ngã bốn năm trước.

Năm 2007, trung tâm Thúy Nga thực hiện tiếp chương trình Paris By Night 88 - Đường Về Quê Hương nối tiếp hai chương trình Paris By Night vinh danh nhạc sĩ Lam Phương cách đây 13 - 14 năm về trước. Trong dịp này ông có cơ hội được tái ngộ với Bạch Yến vốn là mối tình thuở thiếu thời của mình, nhưng Bạch Yến cũng rất hạn chế nói về quan hệ giữa mình và nhạc sĩ trước các khán - thính giả theo dõi chương trình này. Bốn năm sau, khi ông đã 74 tuổi, nhạc sĩ Lam Phương xuất hiện một lần nữa trong chương trình Paris By Night 102 - Nhạc Yêu Cầu: Tình Ca Lam Phương. Thi thoảng ông cũng có thể được nhìn thấy đang ngồi dưới ghế khán giả trong một số chương trình Paris By Night mà trong đó nhạc của ông được sử dụng để trình diễn, và điều này cũng xảy ra tương tự với những liveshow vinh danh nhạc của ông được tổ chức ở ngoài nước Mỹ và Việt Nam. Khi Lam Phương ngồi xem các chương trình ca nhạc như vậy, người ta miêu tả ông "chăm chú ngồi nghe và xem từ đầu đến cuối".

Cuối năm 2012, Lam Phương xuất hiện trở lại trong video clip thu hình các thân hữu của trung tâm Thúy Nga phát biểu về nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn trong Paris By Night 107 - Nguyễn Ngọc Ngạn - 20 Năm Sân Khấu. Năm 2013, khi Nguyễn Ngọc Ngạn và Lam Phương sang Pháp để tham gia một liveshow về các tác phẩm của ông thì hai người được dịp gặp lại Cẩm Hường. Ba người có dịp nói chuyện với nhau, và nhà văn đã nhắc đến bà trước toàn thể mọi người vào đêm show đó, và đó là lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng mà Nguyễn Ngọc Ngạn được gặp người vợ cũ của ông - Cẩm Hường đã qua đời vào ngày 24 tháng 8 năm 2014, hưởng dương 64 tuổi.

Ở tuổi gần 80, bất chấp sự cô đơn đã vây quanh cuộc đời ông suốt gần 20 năm, nhạc sĩ vẫn luôn nở nụ cười trên môi và có một lần ông tâm sự rằng bản thân chỉ cần một người bạn để tâm sự hết quãng đời ít ỏi còn lại. Năm 2018, nhạc sĩ Lam Phương xuất hiện trong đêm Chung kết cuộc thi V-Star mùa thứ năm, và các nhạc phẩm của ông được chọn để các thí sinh bắt buộc phải trình bày. Đây cũng là lần cuối cùng mà Chí Tài và Lam Phương được xuất hiện trên cùng một sân khấu.

Năm 2019, tròn 20 năm nhạc sĩ Lam Phương ngồi trên xe lăn, kênh YouTube của nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn đã đăng tải một bài nói chuyện mang tên Lam Phương và những cuộc tình vây quanh, vốn là bài nói chuyện tái bản lại từ bài viết cùng tên mà chính nhà văn đã đăng tải trong một tờ báo người Việt tại Canada nhiều năm về trước. Cũng trong năm này, nhà báo Nguyễn Thanh Nhã hoàn thành cuốn sách Lam Phương - Trăm Nhớ Ngàn Thương, dựa trên nguồn tư liệu từ gia đình của nhạc sĩ và được Nhà Xuất bản Phụ nữ phát hành.

Vào năm 2020, mặc dù ông không bị nhiễm COVID-19, nhưng bệnh tim của ông đã trở nặng và ông phải nằm viện suốt một thời gian dài. Nhạc sĩ Lam Phương xuất hiện trong hình ảnh tư liệu do trung tâm Thúy Nga cung cấp trong chương trình Thúy Nga Music Box #12.

135713464 3537285153057928 2700140866710469351 o

Trương Quốc Huy tại lễ tang của nhạc sĩ Lam Phương

Qua đời[]

Nhạc sĩ Lam Phương trút hơi thở cuối cùng vào lúc 18 giờ 7 phút ngày 22 tháng 12 năm 2020 tại Fountain Valley, California theo giờ địa phương sau một thời gian dài điều trị bệnh tim, hưởng thọ 83 tuổi. Ông qua đời chỉ chưa đầy chục giờ đồng hồ sau thánh lễ an táng cố nghệ sĩ Chí Tài tại nơi an nghỉ cuối cùng, người vừa mới qua đời cách đó 13 ngày trước.

Post-mortem[]

Vào dịp lễ Giáng sinh, trung tâm Thúy Nga đăng tải ca khúc Một Mình do nữ ca sĩ Hương Giang trình bày trong Paris By Night 88 để tưởng nhớ đến ông.[4]

Tang lễ của ông được cử hành tại chùa Huệ Quang vào ngày 3 và 4 tháng 1 năm 2021 cùng với một chương trình ca nhạc ngay bên cạnh linh cữu Lam Phương để tưởng nhớ đến vị nhạc sĩ quá cố. Tang lễ đã chứng kiến sự viếng thăm của rất nhiều nhân vật nổi tiếng của cộng đồng người Việt hải ngoại yêu mến cố nhạc sĩ, bên cạnh hơn 20 nghệ sĩ đã và đang trung tâm Thúy Nga còn bao gồm các nghệ sĩ Nguyên Khang, Huỳnh Phi Tiễn, Ái Ni, Ngọc Huyền, Gia Huy, Diễm Liên vốn là các cựu ca sĩ của trung tâm Asia và Trương Quốc Huy - người sở hữu kênh truyền thông chính trị thiên hữu N10Tv.

Em rể của nhạc sĩ Lam Phương là Lâm Tòng (sinh ngày 31 tháng 8 năm 1959) - người luôn ở bên cạnh cố nhạc sĩ để đẩy xe lăn và chăm sóc ông trong suốt những năm tháng cuối đời - cũng đột ngột nằm xuống vào ngày 4 tháng 1 năm 2021, hưởng dương 61 tuổi.

Trong quá trình chương trình Paris By Night 131 được thực hiện, trung tâm Thúy Nga quyết định sử dụng hai trong số các ca khúc chủ đề mùa xuân mà ông từng sáng tác, Xuân MộngMùa Xuân Không Còn Nữa với sự trình bày lần lượt của Như Quỳnh và Phương Hồng Quế nhằm mục đích tưởng nhớ đến ông, bên cạnh ca khúc Tiếc được trình bày bởi Hương LanAnh Dũng. Ngày 28 tháng 3 năm 2021, lễ giỗ 100 ngày mất của nhạc sĩ được cử hành tại chùa Huệ Quang.

Tháng 11 năm 2022, đêm nhạc Ngày Hạnh Phúc được nữ ca sĩ Họa Mi công bố sẽ tổ chức Sài Gòn và tro cốt của cố nhạc sĩ sẽ được đưa về Việt Nam an táng theo ý nguyện sinh thời của ông.[5] Từ ngày 21 tháng 11 đến ngày 19 tháng 12, tro cốt của ông cùng em rể Lâm Tòng được đặt tại chùa Giác Ngộ. Sáng ngày 20 tháng 12, thi hài của cố nhạc sĩ được cải táng tại nghĩa trang Hoa viên Bình Dương dưới sự chủ trì của gia đình của người cháu nhà họ Lâm là ông Lâm Minh Sĩ Vũ, sau khi nghệ sĩ Việt Hương và Hoài Phương hoàn thành trọng trách đưa tro cốt của ông về nước.[6]

Di sản để lại[]

Xem danh sách các sáng tác của nhạc sĩ Lam Phương tại đây.

Nhạc sĩ Lam Phương đã để lại cho hậu thế tới khoảng 200 ca khúc (hơn 60 trong số đó được phổ biến rộng rãi) ở đủ mọi thể loại khác nhau, từ dòng nhạc trữ tình đến nhạc ca ngợi quê hương, nhạc dành cho người lính chiến và sau này là một số ca khúc nhạc trẻ ở hải ngoại - dù số lượng sáng tác của ông chỉ gần bằng với số lượng sáng tác được công bố của Trịnh Công Sơn với 250 ca khúc, nhưng tầm ảnh hưởng của kho tàng âm nhạc của Lam Phương ở mảng nhạc trữ tình vẫn không kém gì Trịnh Công Sơn, thậm chí hơn hẳn Trịnh về lượng người nghe tự cổ chí kim - chúng nổi tiếng đến mức thu hút được cảm xúc của người nghe ở những tầng lớp, giai cấp khác nhau từ bình dân đến trí thức, đồng thời người ta cũng khẳng định rằng không có một ca sĩ nào thành công ở các dòng nhạc trữ tình mà không biểu diễn ít nhất là một nhạc phẩm của ông. Sau này, khi các dòng nhạc vàng bắt đầu trở nên phổ biến trở lại tại Việt Nam, rất nhiều ca sĩ trong nước như Đàm Vĩnh Hưng, Lệ Quyên,... đã thành danh hoặc ngày càng nổi tiếng hơn với những sáng tác trước năm 1975 của ông. Cũng chính nhờ việc những ca khúc này được phổ biến trở lại đã góp phần đánh bại hoàn toàn âm mưu xóa sổ những giá trị tốt đẹp của nền văn hóa Việt Nam Cộng hòa của chính quyền cộng sản Việt Nam.

Cũng chính bản thân Chế Linh cũng phải thừa nhận rằng chưa một lần nào ông tham gia liveshow mà khán giả lại không yêu cầu ông hát nhạc của Lam Phương.

LamPhuong-FinalRestingPlaceInVN

Nơi an nghỉ cuối cùng của nhạc sĩ Lam Phương tại nghĩa trang Hoa viên Bình Dương

Các mối quan hệ[]

Kịch sĩ Túy Hồng & gia đình[]

Túy Hồng là người vợ thứ nhất của nhạc sĩ Lam Phương, đến với ông khi ông mới 22 tuổi. Cuộc hôn nhân giữa ông và nữ kịch sĩ là nguồn cảm hứng lớn lao cho ca khúc Ngày Hạnh Phúc.

Không ai chia sẻ nguyên nhân của cuộc chia tay của hai người vào năm 1978, nhưng có vẻ như họ đã không vượt qua những thử thách khắc nghiệt của hoàn cảnh mới; dù vậy sau này cả hai vẫn dành cho nhau những lời lẽ tốt đẹp. Cuộc chia tay tuy diễn ra trong buồn khổ nhưng vẫn văn minh, giống như quan hệ giữa nữ danh ca Thái Thanh và tài tử Lê Quỳnh, và con cháu của họ vẫn có cơ hội quan tâm đến ông cho đến tận ngày cuối đời.

“Nhạc sĩ Lam Phương vẫn luôn là người tôi kính trọng, dẫu đã từ lâu duyên đã cạn…” - nghệ sĩ Túy Hồng nói về Lam Phương.

Thông qua mối quan hệ này, nhạc sĩ Lam Phương và Túy Hồng đã có 2 người con gái, bao gồm Lâm Ánh Hằng và Lâm Ánh Loan. Ông có hai người cháu trai của ông gọi ông bằng cậu bao gồm Lâm Minh Sĩ Vũ và Lâm Ngọc Vinh. Lâm Minh Sĩ Vũ sinh sống tại Việt Nam, sau này có một người con gái sinh năm 1994, đặt tên là Lâm Huỳnh Thượng Nguyên.[7]

Bạch Yến[]

Nhạc sĩ Lam Phương từng phải lòng Bạch Yến khi cả hai người đang ở tuổi mới lớn. Năm 1961, Bạch Yến đi lưu diễn khiến tình cảm giữa hai người dang dở. Sau này, Bạch Yến cũng chỉ coi Lam Phương như một người bạn cố tri và không nhắc đến tình cảm mà nhạc sĩ đã dành cho bà.

Minh Hiếu[]

Ca khúc Em Là Tất Cả được viết dựa trên cuộc tình của chính Lam Phương với nữ nghệ sĩ này.

Hạnh Dung[]

Nhạc sĩ Lam Phương gặp Hạnh Dung trong Biệt đoàn Văn nghệ Trung ương. Hai người đã yêu nhau một khoảng thời gian nhưng rồi phải chia tay, và từ cuộc tình này ông đã viết ca khúc Bọt Biển và sau này là Tình Nghĩa Đôi Ta Chỉ Thế ThôiPhút Cuối ("...Biết em sẽ buồn, vì mình chẳng có ngày mai.")

Lê Thị Cẩm Hường[]

Lê Thị Cẩm Hường là người vợ thứ hai của nhạc sĩ Lam Phương, đến với ông khi ông đã ở tuổi trung niên. Ông đã viết một chuỗi các tình khúc với giai điệu vui tươi để mô tả niềm vui khi tình yêu trong ông đã hồi sinh sau những năm tháng không có niềm tin vào tình yêu và cuộc sống, gồm Nửa Đời Yêu Em, Mùa Thu Yêu Đương, Bài Tango Cho Em,... Hai người đã sống bên nhau gần 10 năm, và sau khi ông lại ly dị một lần nữa, ông lại viết ca khúc Tình Vẫn Chưa Yên.

Mặc dù người ta vẫn cho rằng Cẩm Hường là một người bội tình khi cô đã để Lam Phương phải sống phần đời còn lại trong sự cô đơn, cả bà lẫn vị nhạc sĩ đều chứng minh điều ngược lại là dù chia tay nhưng hai người vẫn giữ liên lạc và quan hệ tốt với nhau và khi Lam Phương phải ngồi xe lăn sau cơn đột quỵ, chính bà cũng đã quay lại để giúp gia đình chồng cũ chăm sóc ông.

“Dù xa cách Paris 15 năm nay, nhưng hình bóng Paris vẫn còn trong tâm trí của tôi. Tôi xin cám ơn một người đã cho tôi nhiều ước mơ để sống, và cho tôi nhiều cảm hứng để viết dòng nhạc mà cuộc đời tôi khó quên. Và cám ơn thành phố Paris đã cho tôi những đêm rất đẹp trong cuộc đời này tôi khó tìm lại được.” - nhạc sĩ Lam Phương tri ân Cẩm Hường mà không nhắc đến cô, cũng như thành phố Paris trong Paris By Night 88.

Tô Văn Lai & Marie Tô[]

Nhạc sĩ Lam Phương và gia đình ông Tô Văn Lai quen biết nhau, ít nhất là từ khi Lam Phương sang Pháp và sống tại Paris (không rõ trước năm 1975 hai người có biết nhau hay không). Giữa gia đình nhà họ Tô với nhạc sĩ (cũng như là các thành viên khác trong gia đình) có một mối thâm tình khá thắm thiết với nhau và kéo dài cho đến tận ngày hôm nay, thể hiện ở việc trong seri các chương trình Paris By Night đã có tới 4 chương trình có chủ đề mang tên ông và trung tâm Thúy Nga đã tổ chức hẳn một liveshow gồm các ca khúc của ông tại Singapore và sử dụng các nhạc phẩm của ông cho các thí sinh thể hiện trong đêm chung kết cuộc thi V-Star mùa thứ năm. Tô Ngọc Thủy cũng gọi nhạc sĩ Lam Phương là tonton (phiên âm tiếng Pháp: tông-tông, nghĩa là "chú" hoặc "bác") một cách thân tình.

Nguyễn Ngọc Ngạn[]

Nhạc sĩ Lam Phương và nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn là hai người bạn rất thân thiết với nhau, ít nhất là từ sau thập niên 80 của thế kỉ XX cho đến nay. Trước năm 1975, Nguyễn Ngọc Ngạn là một trong những người hâm mộ nhạc sĩ Lam Phương vì vẻ đẹp điển trai, sự giàu có và độ nổi tiếng vượt bậc khi ông tham gia đóng phim, cùng với những nhạc phẩm bất hủ gắn liền với những câu chuyện tình của ông.

132146589 10164535014550319 8511595842211685016 n

Nhạc sĩ Lam Phương (giữa, ngồi xe lăn) cùng với gia đình nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn

Hai người có nhiều lần xuất hiện trong cùng một show diễn, đặc biệt là các chương trình liveshow nhằm vinh danh các tác phẩm của nhạc sĩ, và thân đến mức Lam Phương từng hứa sẽ tặng hẳn cho nhà văn một chiếc xe lăn một khi ông không còn di chuyển bình thường như trước, và khi nào nhà văn về nước thì nhạc sĩ cũng sẵn sàng về nước theo.

"Chừng nào ông về thì tôi về." - nhạc sĩ Lam Phương trả lời khi Nguyễn Ngọc Ngạn hỏi ông về việc có muốn về Việt Nam để ra mắt những người hâm mộ các tác phẩm của ông.

Nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn cũng là một trong số những người biết rất rõ về thiên tình sử của nhạc sĩ Lam Phương cũng như về thân thế, cuộc đời của những người phụ nữ đã đi qua đời ông và lý do đằng sau sự ra đời của những ca khúc nổi tiếng, và ông đã cho xuất bản một video sách nói trên kênh YouTube chính thức của ông để thuyết minh về vấn đề này, vốn là bài viết mà ông đã từng đăng trên một tờ báo của người Việt hải ngoại tại Canada vào những năm 2000.

Chế Linh, Nguyễn Hưng & Ngọc Anh[]

Tên tuổi của Chế Linh trở nên vang dội nhờ những ca khúc của nhạc sĩ Lam Phương, nổi bật trong số đó là bài Thành Phố Buồn, chính vì vậy nên Chế Linh rất biết ơn nhạc sĩ. Tương tự với nam ca sĩ Nguyễn Hưng, ca khúc Lầm của ông đã làm cho anh trở nên nổi tiếng trong giới hải ngoại, đặc biệt là với những người hâm mộ trung tâm Thúy Nga.

Ngọc Anh cũng biết ơn ông vì những ca khúc của ông cũng đã là một phần không thể không nhắc đến trong sự nghiệp âm nhạc của cô, bên cạnh các tác phẩm của nhạc sĩ Phú Quang.

Một số nhạc sĩ nổi tiếng trước năm 1975[]

Lam Phương được quý trọng bởi hầu hết các nhạc sĩ trước năm 1975, và sau năm 1975 ông có cơ hội tiếp xúc với những nhạc sĩ đã định cư tại Pháp hoặc Hoa Kỳ nhiều hơn, điển hình là nhạc sĩ Huỳnh Anh và sau này là Vũ Thành An.

Trương Quốc Huy[]

Trương Quốc Huy từng có cơ hội được gặp mặt nhạc sĩ Lam Phương một khoảng thời gian khá lâu sau khi anh qua Mỹ định cư. Chính anh cũng có tình cảm gắn liền kỉ niệm với một trong những nhạc phẩm của cố nhạc sĩ, Thu Sầu vì anh đã từng được nghe bài này từ nhỏ.

Cộng tác với trung tâm Thúy Nga[]

Xuất hiện trong các chương trình Paris By Night[]

STT PBN số Mục đích xuất hiện
1 22 Thuyết minh về hoàn cảnh ra đời của các tác phẩm của mình.
2 28
3 46 Xuất hiện với vai trò được phỏng vấn.
4 71
5 88 Xuất hiện trong chương trình Paris By Night vinh danh dòng nhạc của mình.
6 102
7 107 Xuất hiện trong video clip các thân hữu nói về Nguyễn Ngọc Ngạn.

Xuất hiện trong các liveshow[]

Lam Phương xuất hiện trong các liveshow do chính trung tâm Thúy Nga thực hiện để vinh danh ông, bao gồm:

Xuất hiện trong các chương trình V-Star[]

Lam Phương xuất hiện trong đêm chung kết của chương trình V-Star mùa thứ năm.

Những lần nhạc của Lam Phương được trình bày trong các chương trình Paris By Night[]

Xem những lần nhạc của ông xuất hiện trong các chương trình PBN (trừ các chương trình PBN 22, 28, 88 và 102) tại đây.

Thư viện ảnh[]

Thông tin bên lề[]

  • Sau khi sáng tác và xuất bản xong ca khúc Thành Phố Buồn, nhạc sĩ Lam Phương từng dự đoán rằng ca khúc Tình Bơ Vơ sẽ thành công, nhưng Thành Phố Buồn đã thành công vượt quá tầm mong đợi của ông.
  • Nhạc sĩ Lam Phương có thể nhớ tới 200 ca khúc ông đã sáng tác, và ông còn nhớ rõ về việc ca sĩ hát sai từ nào trong các bài hát của ông.
  • Lúc sinh thời, nhạc sĩ Lam Phương muốn được về Việt Nam để thăm mộ mẹ mình, vốn là người đã cố gắng nuôi dưỡng ông cùng những người em vào thời điểm sau khi cha ông bỏ đi theo một người phụ nữ khác. Tuy nhiên, sau cái chết của nhạc sĩ, mong muốn ấy đã không thể thành hiện thực cho đến cuối năm 2022, tro cốt của cố nhạc sĩ đã được cải táng tại nghĩa trang Hoa viên Bình Dương.

Chú thích[]

  1. Được chính Elvis Phương khẳng định trong Music Box #44: https://www.youtube.com/watch?v=digTTaMRrAM
  2. Trong lần phỏng vấn Thanh Tuyền trong chương trình Paris By Night 122, Nguyễn Ngọc Ngạn đã đệ trình khán giả băng nhạc đầu tiên của Thanh Tuyền tại hải ngoại, có ca khúc Gửi Người Ngàn Dặm.
  3. Được chính Tùng Giang kể lại khi giới thiệu ca khúc Paris Và Em.
  4. https://www.youtube.com/watch?v=zUeczX1sWYU
  5. https://www.phunuonline.com.vn/ngay-hanh-phuc-cua-co-nhac-si-lam-phuong-tai-que-nha-a1477465.html
  6. https://www.youtube.com/watch?v=EF5LmMp7i-o
  7. Profile Facebook của Lâm Huỳnh Thượng Nguyên: https://www.facebook.com/lamhuynhthuongnguyen
Advertisement