Lê Hựu Hà là một nhạc sĩ người Việt nổi tiếng với nhiều ca khúc nhạc trẻ và nhạc trữ tình. Ông là thành viên chủ chốt của ban nhạc Phượng Hoàng.
Tiểu sử[]
Lê Hựu Hà sinh ngày 5 tháng 6 năm 1946 tại Sài Gòn trong một gia đình Phật giáo, với Pháp danh là Đồng Thành. Ông là con thứ hai trong gia đình, cha mẹ đều là công chức và nhà giáo, hoàn toàn không có ai yêu thích và theo đuổi nghệ thuật, vì vậy dù yêu thích âm nhạc ngay từ nhỏ nhưng Lê Hựu Hà luôn bị cha cấm đoán và ngăn cản. Theo lời kể của những người em trong gia đình, ngay từ thời trung học, Lê Hựu Hà thường phải nói dối cha là đi học văn hoá nhưng thực chất là lén đi tập đàn. Chính vì hoàn cảnh éo le này mà Lê Hựu Hà không được học hành bài bản, chủ yếu là tự học.
Vì giỏi Tiếng Anh nên nhạc sĩ Lê Hựu Hà thường nghe rất nhiều các loại nhạc Âu - Mỹ, đến năm 17 tuổi thì đã bắt đầu tập tành sáng tác những ca khúc đầu tay theo phong cách trẻ trung, nhưng gia đình vẫn không hay biết. Gia đình chỉ biết chuyện Lê Hựu Hà chơi đàn và sáng tác nhạc trong một lần tình cờ nhìn thấy ông xuất hiện trên truyền hình, đang trình diễn cùng ban nhạc Hải Âu ông thành lập. Tuy nhiên, việc này vẫn không làm lay chuyển quan điểm của cha Lê Hựu Hà đối với giới nghệ sĩ và nghệ thuật. Do vậy, trong suốt nhiều năm, nhạc sĩ Lê Hựu Hà phải luôn sống trong hai vai trò, ban ngày là một viên chức ngân hàng mẫn cán, còn ban đêm thì trở thành một nghệ sĩ đúng với đam mê của mình.
“Tôi sinh năm 1946, là dân Sài Gòn chính gốc. Gia đình rất khó nên không dễ gì đến với âm nhạc. Từ nhỏ đến lớn ông bà già chỉ muốn tôi làm viên chức nhà nước. Thế là tôi trở thành một viên chức ngân hàng mấy chục năm. Tuy nhiên vì yêu âm nhạc từ thuở nhỏ, nên ban ngày thì làm việc, ban đêm tôi lén học nhạc, rồi làm nhạc công ở các club và sau đó chính thức hoạt động âm nhạc chủ yếu ở lĩnh vực biểu diễn. Còn sáng tác ca khúc, trước tiên tôi viết cho chính tôi. Tôi dùng âm nhạc để giải toả những tình cảm khi vui, khi buồn của chính mình.” - Lê Hựu Hà viết về cuộc đời của bản thân.
Ngược lại với người cha hà khắc, mẹ Lê Hựu Hà lại rất thương con. Bà âm thầm ủng hộ con bằng cách ngồi canh cửa hàng đêm, chờ Lê Hựu Hà đi diễn khuya về để mở cửa cho con vào nhà.
Năm 1966, khi đang là sinh viên trường Đại học văn khoa Sài Gòn, ban nhạc Hải Âu do Lê Hựu Hà thành lập từ năm 1965 có dịp trình diễn tại Đại nhạc hội Học sinh – Sinh viên diễn ra ở Trường trung học Lasan Taberd (này là trường Trần Đại Nghĩa ở đường Nguyễn Du). Trong số thành viên ban nhạc, có một giọng ca nữ mới chỉ học lớp 11 sau này trở thành nữ ca sĩ nổi tiếng Thanh Lan. Trong buổi diễn này, ban nhạc Hải Âu có dịp trình diễn một số ca khúc Việt hoá mang phong cách trẻ trung, hiện đại với dàn nhạc điện tử. Những thể nghiệm táo bạo này của Lê Hựu Hà và nhóm bạn chính là khởi đầu cho trào lưu âm nhạc Việt mới mẻ, cuồng nhiệt và sôi động tại Sài Gòn. Một số ca khúc đầu tay của Lê Hựu Hà cũng được ban nhạc Hải Âu đem ra trình diễn nhưng không đủ độ ép phê với khán giả trẻ thời bấy giới vốn chỉ thần tượng và đam mê các bản nhạc ngoại quốc. Có thể nói, mặc dù ban nhạc Hải Âu không gây được sự phấn khích cần có trong giới trẻ để phát triển mạnh mẽ như nhiều ban nhạc chuyên trình diễn nhạc ngoại thời đó như Spotlights của Tuấn Ngọc, Les Fanatics của Công Thành, Les Vampires của Đức Huy,… nhưng việc một ban nhạc trẻ dám mạo hiểm thử sức với loại nhạc trẻ sôi động thuần Việt đã gây ra nhiều bất ngờ cho giới thưởng nhạc. Sau buổi trình diễn cuối cùng tại Đại nhạc hội nhạc trẻ, ban Hải Âu tan rã, Lê Hựu Hà vẫn kiên định với con đường sáng tác nhạc trẻ Việt cho người Việt.
Đầu năm 1968, như hầu hết những thanh niên thời loạn khác, Lê Hựu Hà nhập ngũ theo lệnh tổng động viên của chính quyền. Sau thời gian học tại trường Thủ Đức, ông được phân về Cục Quân Nhu Gò Vấp, tuy nhiên, ông được giải ngũ sau một thời gian ngắn vì thị lực kém.
Đầu thập niên 1970, hầu hết các ban nhạc trẻ tại Sài Gòn đều tham gia vào trào lưu Việt hoá các ca khúc nhạc ngoại để trình diễn - "vua nhạc trẻ Sài Gòn" thời đó là nhạc sĩ Trường Kỳ cũng như một người bạn thân của ông là Nam Lộc cũng đã có ít nhất vài bài nhạc ngoại phổ lời Việt, cũng chính họ là những người đã khởi xuống nên phong trào này. Lê Hựu Hà có cơ duyên gặp gỡ với nhạc sĩ Nguyễn Trung Cang khi đó đang là nhạc sĩ của ban Rolling Sound. Ngày 15 tháng 6 năm 1971, tại phòng trà Đêm Màu Hồng của nhạc sĩ Phạm Đình Chương, đôi bạn nhạc sĩ tâm đầu ý hợp Lê Hựu Hà và Nguyễn Trung Cang chính thức cho ra mắt ban nhạc Phương Hoàng với chủ trương Người Việt chơi nhạc Việt. Tinh thần này được thể hiện ngay từ tên gọi của ban nhạc là Phượng Hoàng, chứ không phải là một tên gọi ngoại quốc nào đó như nhiều ban nhạc khác.
Ngoài việc trình diễn các ca khúc nhạc ngoại lời Việt, ban Phượng Hoàng còn nổi tiếng với các ca khúc nhạc Pop, Rock thuần Việt do chính hai nhạc sĩ Lê Hựu Hà Và Nguyễn Trung Cang sáng tác. Tuy nhiên, khi vừa mới ra mắt, ban Phượng Hoàng đã chọn địa điểm là phòng trà Đêm Màu Hồng, không phải là môi trường thích hợp cho nhạc trẻ, vì không mấy khi sinh viên – học sinh vào phòng trà nghe nhạc, và họ cũng không đủ tiền để vào những nơi sang trọng đó. Nhạc cho sinh viên – thanh niên phải là sân trường đại học, sân khấu ngoài trời, nơi có thể tiếp cận được số lượng đông đảo khán giả cùng hòa nhịp theo những giai điệu sôi động. Tuy nhiên những sân chơi như vậy không có thường xuyên, nên Ban Phượng Hoàng dời sang hoạt động ở các phòng trà khác là Queen Bee hoặc Maxim’s. Lúc này hai giọng ca chính của nhóm là Hoài Khanh và Mai Hoa, vốn là ca sĩ riêng của phòng trà Đêm Màu Hồng, không thể đi theo cùng ban nhạc nên phải rời nhóm. Tại Queen Bee, nhạc sĩ Lê Hựu Hà gặp được giọng ca đầy nội lực, nam tính và trẻ trung của Elvis Phương. Sau khi Elvis Phương thu thanh ca khúc Yêu Em của Lê Hựu Hà và khiến ca khúc trở thành bản hit trong giới trẻ, Lê Hựu Hà quyết định mời Elvis Phương tham gia vào ban nhạc Phượng Hoàng. Từ đây, ban Phượng Hoàng bắt đầu hành trình chinh phục giới trẻ Sài Gòn bằng những nhạc phẩm thuần Việt.
Những năm 1972 – 1973, trên sân trường Lasan Taberd, các chương trình Đại nhạc hội nhạc trẻ liên tục được tổ chức với sự tham gia của hàng vạn khán giả trẻ cuồng nhiệt (đỉnh điểm là 20.000 người tham dự). Hầu hết những ban nhạc trẻ đình đám của Sài Gòn thời kỳ này đều được mời đến sân khấu âm nhạc khổng lồ này. Đây chính là nơi đưa ban nhạc Phượng Hoàng đến với đông đảo khán giả trẻ Sài Gòn, đưa các thành viên của ban nhạc trở thành những tên tuổi huyền thoại trong lòng người yêu nhạc. Những ca khúc nhạc trẻ của Lê Hựu Hà như: Tôi Muốn, Hãy Ngước Mặt Nhìn Đời, Yêu Em, Lời Người Điên, Hãy Vui Lên Bạn Ơi, Bài Hát Cho Người Tuổi Trẻ, Huyền Thoại Người Con Gái, Yêu Người Và Yêu Đời,... được giới trẻ Sài Thành thời đó đặc biệt yêu thích. Sau bốn năm hoạt động, ban Phượng Hoàng tan rã. Đầu năm 1974, nhạc sĩ Lê Hựu Hà cùng một vài thành viên của nhóm thành lập ban Mây Trắng và trình diễn một số ca khúc mới của ông như: Đôi Khi Ta Muốn Khóc, Hãy Ngước Mắt Nhìn Đời,.. Tuy nhiên, ban nhạc chỉ hoạt động được một thời gian thì biến cố 30-4-1975 xảy đến.
Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, do nhầm lẫn ban nhạc Phượng Hoàng của Lê Hựu Hà chính là chương trình Phượng Hoàng của quân đội VNCH, Sở Văn hoá Thông Tin Thành phố đã triệu tập Lê Hựu Hà đi học tập cải tạo tư duy và viết bản tự kiểm điểm. Đồng thời, với lý lịch từng là “nguỵ quân”, từng học và làm việc cho quân đội cũ nên Lê Hựu Hà cũng gặp khá nhiều khó khăn, cản trở trong công việc và đời sống. Đến đầu thập niên 2000, mặc dù đã có thời gian tham gia hoạt động nghệ thuật khá dài trong nước, nhưng nhiều ca khúc Lê Hựu Hà sáng tác trước 1975 vẫn bị cấm lưu hành.
Cuối thập niên 1970, Lê Hựu Hà thành lập ban nhạc Hy Vọng. Đây cũng là một trong những ban nhạc nổi tiếng, có nhiều hoạt động nổi bật hơn cả ở giai đoạn này. Sau khi ban Hy Vọng tan rã, Lê Hựu Hà tiếp tục ra mắt ban nhạc Phiêu Bồng trình bày nhiều ca khúc khúc nổi tiếng của chính mình như: Hãy Yêu Như Chưa Yêu Lần Nào, Vị Ngọt Đôi Môi, Ngỡ Đâu Tình Đã Quên Mình… Trong sự nghiệp âm nhạc của mình, Lê Hựu Hà còn viết lời Việt cho khoảng 100 ca khúc nhạc ngoại, nổi tiếng nhất trong số đó là Người Đến Từ Triều Châu, Đồng Xanh, Tình Bạn…
Giai đoạn từ sau năm 1998, Lê Hựu Hà hợp tác với nhạc sĩ Tùng Châu thực hiện một số ca khúc độc quyền của Thuý Nga trong chương trình Paris By Night như: Khổ Vì Yêu Nàng, Hai Chiếc Bóng Cô Đơn, Tình Yêu Muôn Thuở, Vị Ngọt Đôi Môi… Các nhạc phẩm này, chủ yếu do Tùng Châu viết nhạc, Lê Hựu Hà viết lời.[1]
Lê Hựu Hà nổi tiếng là tài hoa nhưng đồng thời ông cũng đào hoa không kém. Người vợ đầu tiền của Lê Hựu Hà là một phụ nữ tên Mai Hương. Hai người quen nhau và kết hôn khi Lê Hựu Hà còn trẻ, vừa bắt đầu sáng tác. Bà chính là nguồn cảm hứng để ông sáng tác ca khúc mang tên Mai Hương được nam ca sĩ Elvis Phương trình bày vào đầu thập niên 1970. Hai người chia tay chỉ sau vài năm kết hôn và cùng có với nhau hai người con chung. Sau khi chia tay người vợ đầu, Lệ Hựu Hà còn có thêm ba đời vợ nữa trước khi đến với người vợ cuối cũng là nữ ca sĩ Nhã Phương (em của ca sĩ Bảo Yến). Theo lời kể của em gái Lê Hựu Hà, trong số năm người phụ nữ này thì chỉ có ba người là chính thức trở thành vợ của Lê Hựu Hà, trong đó có tình đầu Mai Hương và ca sĩ Nhã Phương.
Ngày 11 tháng 5 năm 2003, Lê Hựu Hà được phát hiện đã ra đi tại nhà riêng ở Hồ Hảo Hớn trong tư thế nằm ngửa dưới sàn nhà. Khi cảnh sát đến khám nghiệm hiện trường, cửa nhà đóng kín nhưng đồ đạc vẫn còn ngổn ngang trong phòng, tivi và quạt vẫn còn bật. Ông được kết luận là đã qua đời trước đó vài ngày do tai biến mạch máu não, vài tuần trước ngày sinh nhật lần thứ 57 của mình - trước đó không lâu, Lê Hựu Hà còn khoe với bạn bè đã nhận được giấy báo chấp thuận cho ông sang California để đoàn tụ với hai con chung với người vợ đầu. Cùng năm, Lê Hựu Hà được nhắc đến chương trình Paris By Night 71 - 20th Anniversary cũng như nam ca sĩ Thế Sơn thể hiện liên khúc nhằm tưởng nhớ ông.
Năm 2004, ông được truy tặng Giải thưởng Làn Sóng Xanh cho hạng mục Nhạc sĩ được yêu thích nhất.
Di sản để lại[]
Nhạc sĩ Lê Hựu Hà để lại cho hậu thế hơn 50 nhạc khúc nhạc trẻ và nhạc trữ tình. Xem danh sách các tác phẩm của nhạc sĩ tại đây.
Những lần nhạc của Lê Hựu Hà được trình bày trong các chương trình Paris By Night[]
STT | PBN số | Tên bài hát | Ca sĩ thể hiện | Ghi chú |
---|---|---|---|---|
1 | 17 | Huyền Thoại Người Con Gái, Hãy Ngước Mặt Nhìn Đời | Ban Nhạc Moon Flower |
|
2 | 24 | Hãy Yêu Như Chưa Yêu Lần Nào | Elvis Phương, Ái Vân | Nằm trong LK Hãy Yêu Như Chưa Yêu Lần Nào & Một Đời Yêu Anh. |
3 | 45 | Vào Hạ | Như Quỳnh | |
4 | 46 | Yesterday | Tuấn Ngọc, Duy Quang, Thái Hiền, Thái Thảo | Viết lời Việt cùng Nguyễn Trung Cang. |
5 | 48 | Tình Yêu Muôn Thuở | Thiên Kim | Viết lời Việt. |
6 | 51 | Kẻ Bịp Bợm Đáng Yêu | Lay Minh | |
7 | 52 | Khổ Vì Yêu Nàng | Nguyễn Hưng | Sáng tác với Tùng Châu. |
8 | Tình Là Gì | Thiên Kim | ||
9 | 53 | Hai Khía Cạnh Tình Yêu | Thiên Kim, Lay Minh | Viết lời Việt. |
10 | Đường Tình Hai Lối | Don Hồ, Thế Sơn, Châu Ngọc | Sáng tác với Tùng Châu. | |
11 | 56 | Trả Hết Cho Người | Nguyễn Hưng | |
12 | 57 | Tiếc Làm Gì | Thiên Kim | Viết lời Việt. |
13 | Tình Yêu Còn Đấy | Thế Sơn | ||
14 | Ước Vọng Tương Lai | Như Quỳnh, Lưu Bích, Thiên Kim, Thế Sơn, Don Hồ | Sáng tác với Tùng Châu. | |
15 | 58 | Chờ Một Tiếng Yêu | Nguyễn Hưng | |
16 | 60 | Hai Chiếc Bóng Cô Đơn | Nguyễn Hưng, Lưu Bích, Thiên Kim | Sáng tác với Tùng Châu. |
17 | Vũ Khúc Tình Yêu | Nguyễn Hưng, Lưu Bích | Viết lời Việt. | |
18 | 61 | Lắng Nghe Con Tim Hát | Loan Châu | |
19 | 62 | Tất Cả Là Âm Nhạc | Bảo Hân, Thiên Kim, Trúc Lam, Trúc Linh, Lynda Trang Đài, Châu Ngọc, Như Loan | Sáng tác với Tim Heinz. |
20 | Tình Là Thế Đó | Don Hồ | ||
21 | Ngàn Năm Mãi Yêu | Lưu Bích | Sáng tác với Tùng Châu. | |
22 | 63 | Vứt Đi Chữ Tình | Nguyễn Hưng | |
23 | 65 | Chiếc Bóng Mong Manh | Khánh Hà, Lưu Bích | |
24 | Nỗi Đau Người Để Lại | Don Hồ, Lương Tùng Quang | Sáng tác với Tùng Châu. | |
25 | 67 | Đừng Trách Người Ơi | Thủy Tiên | |
26 | 69 | Vị Ngọt Đôi Môi | Thế Sơn, Minh Tuyết | Sáng tác với Tùng Châu. |
27 | Thiên Đàng Không Xa | Don Hồ, Thanh Hà | ||
28 | 71 | Trương Chi Mỵ Nương | Lâm Nhật Tiến, Như Quỳnh | |
29 | LK Yêu Đời Yêu Người, Hãy Nhìn Xuống Chân, Lời Trái Tim Muốn Nói | Thế Sơn | ||
30 | 75 | Trái Tim Mong Manh | Lương Tùng Quang | Viết lời Việt. |
31 | 84 | Đồng Xanh | Bằng Kiều, Tuấn Ngọc | Nằm trong LK Đồng Xanh & Ôi! Giàn Thiên Lý Đã Xa. |
32 | 87 | Trả Hết Cho Người | Nguyễn Hưng, David Meng, Sunny Lương | |
33 | 93 | Chờ Một Tiếng Yêu | Minh Tuyết | |
34 | 95 | Khổ Vì Yêu Nàng | Nguyễn Hưng, Thùy Vân | Nằm trong LK Chỉ Riêng Mình Ta & Khổ Vì Yêu Nàng. |
35 | Divas | Nếu Đã Yêu | Lam Anh | |
36 | 100 | Yêu Em | Thu Phương, Thế Sơn | Nằm trong LK Lời Cuối Cho Em. |
37 | 100 VIP | Vị Ngọt Đôi Môi | Hồ Lệ Thu | |
38 | 104 VIP | Huyền Thoại Người Con Gái | Tóc Tiên | |
39 | 114 | Hai Chiếc Bóng Cô Đơn | Lương Tùng Quang, Kỳ Phương Uyên | |
40 | 126 | Tình Yêu Muôn Thuở | Lương Tùng Quang, Như Loan | |
41 | 128 | Vào Hạ | Hương Thủy, Kỳ Phương Uyên, Hoàng Nhung, Hà Thanh Xuân, Tâm Đoan, Loan Châu, Như Ý, Hạ Vy, Lam Anh, Trúc Lam, Trúc Linh, Như Loan, Diễm Sương, Băng Tâm, Mai Thiên Vân, Nguyễn Hồng Nhung, Phi Nhung, Quỳnh Vi, Ngọc Anh, Minh Tuyết | Lần đầu tiên nhạc của Lê Hựu Hà được dùng trong một tiết mục trình diễn thời trang. |
42 | 128 VIP | Hãy Yêu Như Chưa Yêu Lần Nào | Trần Thu Hà, Đình Bảo | Nằm trong LK Và Con Tim Đã Vui Trở Lại & Hãy Yêu Như Chưa Yêu Lần Nào. |
43 | 134 | Tình Là Gì | Như Loan, Kỳ Phương Uyên | Sáng tác với Tùng Châu. |
44 | 137 | Xin Cám Ơn Đời | Myra Trần | Tựa gốc của ca khúc Chờ Một Tiếng Yêu. |
45 | 138 | Hãy Ngước Mặt Nhìn Đời | Elvis Phương |