Hoàng Thi Thơ là một trong những nhạc sĩ tiêu biểu nhất với thành tích có nhiều sáng tác nhất Việt Nam, chỉ sau nhạc sĩ Phạm Duy. Ông nổi tiếng với những ca khúc Ai Nhớ Chăng Ai, Chuyện Tình Người Trinh Nữ Tên Thi, Đưa Em Xuống Thuyền,...
Tiểu sử[]
Thời niên thiếu[]
Nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ sinh ngày 1 tháng 7 năm 1929[1] (bài viết về gia tộc họ Hoàng của Hoàng Phủ Ngọc Phan ghi ông sinh ngày 16 tháng 7)[2] tại làng Bích Khê, phủ Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Ông thuộc dòng họ Hoàng Hữu, là dòng họ khoa bảng lừng lẫy ở đất Quảng Trị, Trung Bộ. Những người khai khoa đầu tiên cho làng Bích Khê và dòng họ Hoàng là Hoàng Hữu Xứng, Hoàng Hữu Bỉnh và Hoàng Hữu Bính đều đậu cử nhân, trong đó Hoàng Hữu Bỉnh chính là thân phụ nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ và là ông nội của nghệ sĩ violin Hoàng Thi Thao (Hoàng Thi Thao gọi Hoàng Thi Thơ là chú ruột). Hoàng Hữu Bỉnh có tổng cộng 24 người con, và Hoàng Thi Thơ là người con thứ 22 của cụ.
Sau Cách mạng tháng Tám gây ra bởi đảng cộng sản Việt Nam nhằm lật đổ chính quyền Trần Trọng Kim, Hoàng Thi Thơ gia nhập Đoàn Văn nghệ Quảng Trị như một diễn viên ca kịch nhạc do nhạc sĩ Nguyễn Hữu Ba làm trưởng đoàn. Tháng 12 năm 1946, Hoàng Thi Thơ khi đang tham gia tuyên truyền cùng nhạc sĩ Trần Hoàn ở Huế thì kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Sau khi Huế thất thủ, ông trở ra Vinh theo đề nghị của nhà thơ Lưu Trọng Lư. Tháng 5 năm 1947, ông bắt đầu làm báo, viết văn, trở thành phóng viên và biên tập viên cho tờ nhật báo Cứu quốc của Việt Minh. Tháng 9 năm 1948, ông trở lại Huế, tiếp tục hoàn thành chương trình trung học ở trường Khải Định (về sau trường dời ra Hà Tĩnh và đổi tên thành Trường Huỳnh Thúc Kháng). Sau khi học xong Tú tài, tháng 10 năm 1950, ông vào đại học tại trường Dự bị đại học Liên khu 3 và 4 tại Thanh Hóa, theo khoa Văn - Triết.
Từ năm 20 tuổi, ông đã hăng hái ghi danh học nhạc và sớm bộc lộ tài năng về sáng tác nhạc. Năm 1951, Hoàng Thi Thơ về Huế thăm gia đình người anh ruột (là cha của Hoàng Thi Thao), với mục đích là muốn xin gia đình người anh một số tiền để trở lại vùng kháng chiến (tức Liên Khu Tư ở Thanh Hóa) để sau đó đưa người yêu ra Hà Nội để theo học trường Văn Khoa ở đây. Nhưng khi trở về thì cả gia đình giữ Hoàng Thi Thơ lại và khuyên là không nên trở ra Liên Khu Tư, mặc dù ông rất nôn nóng muốn trở ra với người yêu là ca sĩ Trương Tân Nhân cùng hoạt động trong đoàn Kháng chiến Tuyên truyền Trung Bộ. Cuối cùng ông cũng xiêu lòng trước những lời khuyên nhủ của những người thân nên quyết định vào Sài Gòn để được an toàn, còn người yêu của ông vẫn ở lại vùng kháng chiến. Kể từ sau hiệp định Genève, hai người không còn liên lạc gì nhau nữa.
Sau khi Hoàng Thi Thơ trở về Huế, bà Tân Nhân mới biết là đã mang thai. Người con của hai người tên Lê Khánh Hoài (lấy theo họ của người cha kế), hiện nay là nhà báo có bút danh Châu La Việt. Năm 1952, Hoàng Thi Thơ từ vùng kháng chiến tức Liên Khu Tư ở Thanh Hóa về Huế định xin gia đình người anh một số tiền để có thể đưa người yêu ra Hà Nội với mục đích theo học Văn Khoa ở đây. Tuy nhiên, hai người anh của ông ở Huế đã bị Việt Minh nửa đêm lôi đi hành quyết vì bị vu khống cho tội thân Pháp. Lòng tin vào kháng chiến của Hoàng Thi Thơ do đó sụp đổ và ông quyết định vào Sài Gòn cùng với hai người cháu là Hoàng Thi Thao và Hoàng Kiều bắt đầu lại cuộc sống. Trước khi rời Huế, ông có dạy kèm cho nhạc sĩ Trịnh Công Sơn khi ấy chỉ mới là một cậu bé 13 tuổi. Sau này, cũng chính gia đình của Trịnh Công Sơn đã di cư vào Huế cùng với ba chú cháu nhà họ Hoàng, và Hoàng Thi Thao cùng học chung trường Aurore với hai người em của Trịnh Công Sơn.
Ba chú cháu ban đầu trọ tại căn nhà số 47 đường Catinat (vào thời Việt Nam Cộng hòa đổi thành đường Tự Do) của một người quản gia cho một gia đình người Pháp, và hai người cháu chủ yếu được nuôi dưỡng nhờ vào những đồng tiền từ nghề dạy học của người chú. Thời điểm này, ông bắt Hoàng Thi Thao phải học đàn violin với nghệ sĩ vĩ cầm lừng danh Tạ Bôn. Năm 1953, cả nhà lại chuyển qua đường Ký Con và trong thời gian này, Hoàng Thi Thơ tổng hợp lại toàn bộ những hiểu biết, kiến thức thu thập được về nhạc lý, hòa âm phối khí, luật sáng tác,... rồi viết ra một cuốn sách dày 500 trang có tựa đề Để Sáng Tác Một Bài Nhạc Phổ Thông, sau này được xem là sách gối đầu giường của các nhạc sĩ nổi tiếng Thanh Sơn, Ngọc Sơn, Thăng Long,...
Nổi tiếng tại miền Nam Việt Nam và nước ngoài[]
Năm 1957, Hoàng Thi Thơ bắt đầu tổ chức những kỳ Đại nhạc hội tại rạp Thống Nhất Sài Gòn. Cũng trong năm đó, vào ngày 10 tháng 10, ông kết hôn với nữ ca sĩ Thúy Nga (không phải Thúy Nga "Paris"), con gái của nhiếp ảnh gia Nguyễn Giao. Bấy giờ Hoàng Thi Thao đã trở thành thần đồng vĩ cầm và được chính chú mình chở đến các rạp chiếu bóng để trình bày những ca khúc tân nhạc phụ diễn, và chính Hoàng Thi Thơ cũng đã sáng tác được rất nhiều bản nhạc tự tình quê hương.
Năm 1961, ông thành lập Đoàn Văn nghệ Việt Nam gồm hơn 100 nghệ sĩ tên tuổi và lưu diễn qua nhiều nước Á Châu cũng như nhiều thành phố trên thế giới: Vạn Tượng, Hồng Kông, Ðài Bắc, Tokyo, Bangkok, Singapore, Sénégal, Paris, London... và nhiều nơi ở Hoa Kỳ. Hai năm sau, Hoàng Thi Thơ đạo diễn sáng tác vở nhạc kịch đầu tiên mang tên Từ Thức Lạc Lối Bích Đào. Năm 1964, nhạc sĩ lại cho ra vở nhạc kịch thứ nhì Dương Quý Phi, năm 1966 với vở Cô gái điên và năm 1968 với vở Ả Đào Say.
Năm 1965, Hoàng Thi Thơ trở thành đạo diễn điện ảnh với cuốn phim đầu tiên là Cô Gái Điên quay thành phim từ nhạc kịch cùng tên của ông, do Trung tâm Điện ảnh Quốc gia sản xuất. Cuối năm đó, nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ lại được chính phủ mời làm trưởng đoàn văn nghệ và đi trình diễn tại nhiều quốc gia ở Âu Châu và cả Châu Phi.
Vào khoảng những năm 1967 - 1968, sau khi vũ trường Maxim’s ở đầu đường Tự Do được bán cho giám đốc công ty kem đánh răng Hynos là Huỳnh Đạo Nghĩa, nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ vẫn tiếp tục cộng tác với phòng trà này và đảm trách khâu tổ chức sân khấu, với chương trình được làm giống như các nhà hàng ca vũ nhạc nổi tiếng ở Paris như Moulin Rouge hoặc Lido. Dưới tài tổ chức và khả năng nghệ thuật của Hoàng Thi Thơ, đoàn văn nghệ Maxim’s đã trở thành một nơi quy tụ rất nhiều tài năng thuộc nhiều bộ môn nghệ thuật, nhất là vũ và nhạc kịch. Năm 1969, ông đạo diễn cho phim Người Cô Đơn do chính ông sản xuất.
Thập niên 1970 - 2000[]
Nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ là người duy nhất được Bộ Thông tin và Tổng cục Chiến tranh Chính trị Việt Nam Cộng hòa nhiều lần cử thành lập và dẫn các đoàn văn nghệ Việt Nam sang Châu Âu trình diễn. Theo một giao kèo ký với chính phủ Nhật Bản vào năm 1974, đoàn văn nghệ Maxim’s với thành phần nghệ sĩ trên 20 người (trong đó có nữ ca sĩ Họa Mi) đã lên đường sang quốc gia này trình diễn vào ngày 10 tháng 3 năm 1975 trong khi miền Nam vẫn đang ở trong cơn biến loạn ngày càng tăng cao. Đó cũng là lần xa rời quê hương của những nghệ sĩ đoàn Maxim’s, vì khi Sài Gòn sụp đổ, họ vẫn đang ở Nhật và sau đó phải lưu lạc trên đất khách quê người. Cuối cùng, ông được định cư tại Hoa Kỳ và một thời gian sau, ông đứng ra tổ chức đại nhạc hội và thu băng video, ngoài ra vẫn tiếp tục làm đạo diễn cho một số phim video như Chuyện Tình Buồn, Tiếng Hát Trong Trăng, Người Đẹp Bạch Hoa Thôn và Chiêu Quân Cống Hồ.
Năm 1993, Hoàng Thi Thơ trở về Việt Nam và gặp lại người con của nhân tình cũ là Lê Khánh Hoài. Người con này cũng được nhạc sĩ đặt tên theo họ cha là Hoàng Hữu Hoài. Năm 1997, ông xuất hiện trong chương trình Paris By Night số 41 với tựa đề Hoàng Thi Thơ - Một Đời Cho Âm Nhạc và hai năm sau, trung tâm Thúy Nga lại thực hiện tiếp chương trình PBN số 47 vinh danh ông. Cuối đời, ông được chẩn đoán là mắc bệnh tim, và sau khi bước sang sinh nhật tuổi 72 được hơn hai tháng, ngày 23 tháng 9 năm 2001, nhạc sĩ đã nhẹ nhàng từ giã cõi đời khi đang chờ vợ mình nấu món cá kho ưa thích.
Post-mortem[]
Khoảng cuối thập niên 2010, nhạc của Hoàng Thi Thơ không được trung tâm Thúy Nga phát hành trên các nền tảng nghe nhạc lớn vì vụ kiện giữa Hoàng Kiều và công ty Sky Music năm 2019 do Sky Music đã sử dụng trái phép các tác phẩm của Hoàng Thi Thơ[3] cho đến tháng 7 năm 2021 - trung tâm Thúy Nga thỉnh thoảng có đăng tải một số video clip nhạc của Hoàng Thi Thơ trong các chương trình Paris By Night lên YouTube. Phải đến tận tháng 7 năm 2022, nghĩa là tròn một năm sau khi trung tâm bắt đầu đăng tải nhạc của Hoàng Thi Thơ trở lại, một số các nhạc phẩm nổi tiếng của cố nhạc sĩ chính thức được đưa vào chương trình Paris By Night 133 - Nguyễn Ngọc Ngạn - The Farewell, đồng thời hình ảnh của ông cũng xuất hiện trong chương trình này như là để gợi nhớ cho khán giả kỉ niệm của Nguyễn Ngọc Ngạn hai lần cộng tác với cố nhạc sĩ. Ngày 23 tháng 2 năm 2023, trung tâm Thúy Nga đăng tải collection gồm 20 ca khúc của ông được trình bày trong các chương trình Paris By Night mà không phải là PBN số 41 và 47.
Di sản để lại[]
Nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ đã để lại cho hậu thế hơn 500 bản nhạc, với khoảng 200 trong số đó được công bố rộng rãi. Ông được người ta cho là một trong những nhạc sĩ tiên phong của toàn bộ dòng nhạc vàng nói riêng và văn hóa nghệ thuật miền Nam Việt Nam nói chung và có kho tàng âm nhạc có thể so sánh được với một người học trò cũ của ông là nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Trước năm 1975, ông còn có ba băng nhạc nổi tiếng gồm những tác phẩm của ông, lần lượt là Rước Tình Về Với Quê Hương, Việt Nam Là Đóa Hoa Xinh và Đưa Em Qua Cánh Đồng Vàng.
Hai ca sĩ Sơn Ca và Họa Mi vốn là hai người học trò của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ, cũng trở thành những nghệ sĩ thành công tại hải ngoại.
Những lần nhạc của Hoàng Thi Thơ xuất hiện trong các chương trình Paris By Night[]
Tính đến nay, trung tâm Thúy Nga đã có 78 lần sử dụng các tác phẩm của Hoàng Thi Thơ trong các chương trình Paris By Night, trong đó có 47 phần trình diễn trong hai chương trình PBN 41 và 47. Danh sách này thể hiện những lần các tác phẩm của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ xuất hiện trong các chương trình Paris By Night, ngoại trừ những trường hợp sau:
- Những phần trình diễn đến từ những chương trình mà 100% các bài hát đều là các tác phẩm của ông (PBN 41 và 47 nói trên).
- Những bài hát chỉ xuất hiện trong phần Bonus.
STT | PBN số | Tên phần trình diễn | Ca sĩ thể hiện | Ghi chú |
---|---|---|---|---|
1 | 7 | Gặp Nhau | Hương Lan, Tuấn Vũ | Lần đầu tiên nhạc của Hoàng Thi Thơ xuất hiện trong các chương trình Paris By Night. |
2 | 17 | Ai Buồn Hơn Ai | Anh Khoa, Thiên Trang | |
3 | 20 | Rước Tình Về Với Quê Hương | Quang Bình, Trang Thanh Lan | |
4 | 26 | Túp Lều Lý Tưởng | Bảo Hân, Thái Tài | |
5 | Mấy Nhịp Cầu Tre | Ái Vân | ||
6 | 29 | Tà Áo Cưới | Linh Chi, Phi Phi, Mỹ Lan, Bảo Hân, Ngọc Thúy, Mai Vi, Jenny Loan, Phương Loan | Bài hát này là một phần của LK Quỳnh Hương. |
7 | 68 | Trăng Rụng Xuống Cầu | Như Quỳnh | |
8 | 87 | Một Lần Cuối | Trịnh Lam | |
9 | 91 | Tâm Tình Gửi Huế | Họa Mi | |
10 | 101 | Rước Tình Về Với Quê Hương | Thế Sơn, Hương Thủy | |
11 | 103 | Hỏi Người Còn Nhớ Đến Ta | Trịnh Lam | |
12 | 104 | Phút Đầu Tiên | Quỳnh Dung, Nguyên Lê | |
13 | 106 | Tà Áo Cưới | Quốc Thái | Bài hát được sử dụng trong phần trình diễn áo dài Việt Hùng. |
14 | 106 VIP | Rong Chơi Cuối Trời Quên Lãng | Ngọc Anh | |
15 | 107 | Mấy Nhịp Cầu Tre | Hạ Vy | |
16 | 108 | Hình Ảnh Người Em Không Đợi | Hương Thủy | |
17 | Đường Xưa Lối Cũ | Quang Lê | ||
18 | 109 | Duyên Quê | Quang Lê, Ngọc Hạ | |
19 | 114 | Những Ngày Thơ Mộng | Thu Phương | |
20 | 115 | Chuyện Tình Người Trinh Nữ Tên Thi | Thái Châu, Hương Thủy | |
21 | 119 | Đưa Em Xuống Thuyền | Minh Tuyết, Mai Thiên Vân, Tâm Đoan, Hương Thủy, Hạ Vy, Nguyễn Hồng Nhung, Hoàng Nhung, Phi Nhung, Châu Ngọc Hà | |
22 | 122 | Chuyện Tình Người Trinh Nữ Tên Thi | Hoàng Mỹ An, Hoàng Nhung, Hà Thanh Xuân | |
23 | 133 | Đưa Em Qua Cánh Đồng Vàng | Trần Thái Hòa, Ngọc Hạ | Lần đầu tiên nhạc của Hoàng Thi Thơ được trung tâm Thúy Nga sử dụng trở lại sau khi các tác phẩm của ông bị vướng vào vấn đề bản quyền trong một thời gian dài. |
24 | Hình Ảnh Người Em Không Đợi | Nguyễn Hồng Nhung, Minh Tuyết, Quỳnh Vi, Lam Anh, Như Loan, Phương Yến Linh, Hạ Vy, Hoàng Mỹ An, Hương Thủy, Kỳ Phương Uyên, Châu Ngọc Hà, Băng Tâm | ||
25 | Bóng Hồng Việt Nam | Hạ Vy | ||
26 | Mời Lên Hái Đóa Hoa Rừng | Hương Thủy | ||
27 | 134 | Điệu Buồn Dang Dở | Nguyễn Hồng Nhung | |
28 | Ai Nhớ Chăng Ai | Sơn Ca, Họa Mi | ||
29 | 136 | LK Duyên Quê & Rước Tình Về Với Quê Hương | Như Quỳnh | |
30 | Màu Hoa Thiên Lý | Họa Mi | ||
Biết Đâu Tìm | Hương Lan | |||
31 | 137 | Rồi Một Ngày | Ngọc Anh |
Thư viện ảnh[]
Thông tin bên lề[]
- Theo Nguyễn Ngọc Ngạn, trong sự nghiệp âm nhạc của Hoàng Thi Thơ, ông xuất hiện rất nhiều trước công chúng nên lúc nào ông cũng đầu tư và chăm chút về ngoại hình hơn là những nhạc sĩ khác vốn chỉ làm việc trong thầm lặng.[4][5]
- Nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ gọi thân mẫu của Trịnh Công Sơn là chị, và Trịnh Công Sơn cũng gọi Hoàng Thi Thơ bằng cậu dù không có liên hệ gia đình.
- Trong hai lần xuất hiện trong hai video clip Tưởng Niệm trong PBN 100 và 126, năm sinh của Hoàng Thi Thơ được viết là 1929 theo những bài viết của Trường Kỳ và đại đa số các nguồn ở hải ngoại. Tuy nhiên, trong chương trình PBN 137 trung tâm Thúy Nga lại viết năm sinh của ông là 1928 theo gia phả họ Hoàng tại Việt Nam biên soạn bởi Hoàng Phủ Ngọc Phan.[6]
Chú thích[]
- ↑ https://web.archive.org/web/20180106065056/https://tvtsonline.com.au/vi/van-nghe/nghe-si-viet-nam/hoang-thi-tho-da-6-nam-qua/
- ↑ https://web.archive.org/web/20150213112813/http://www.hoangtocbichkhe.com/vanhoavannghe/93-hoang-thi-tho.html
- ↑ https://baophapluat.vn/lum-xum-vu-kien-tac-quyen-cua-ty-phu-hoang-kieu-post296347.html
- ↑ Đã được Nguyễn Ngọc Ngạn giải thích trong PBN 133.
- ↑ https://www.youtube.com/watch?v=XFO6W8UyYl8
- ↑ https://www.youtube.com/watch?v=EWv67DLshXw