Duyên Anh là một nhà văn tiêu biểu của miền Nam Việt Nam trước năm 1975. Ông nổi tiếng với những tác phẩm văn học dành cho thiếu nhi và tuổi mới lớn và những văn phẩm về cuộc sống giang hồ, bụi đời như Vết Thù Trên Lưng Con Ngựa Hoang, Châu Kool, Điệu Ru Nước Mắt…
Tiểu sử[]
Trước năm 1975[]
Vũ Mộng Long sinh ngày 16 tháng 8 năm 1935 tại Thái Bình thuộc miền Bắc Việt Nam. Thời thơ ấu ông sống tại làng ở làng Tường An, tổng Ô Mễ mà theo Duyên Anh là một làng nghèo nhất tỉnh Thái Bình. Xuất thân trong một gia đình nghèo, ông là con cả của một gia đình có 7 người con, thân sinh ông làm thầy lang, sau đổi ra buôn bán nhỏ. Ông học các trường tổng, trường tỉnh – tư thục Trần Lãm, rồi lên Hà Nội học trung học.[1] Năm 19 tuổi, ông di cư vào Nam sau hiệp định Genève.
Vào Sài Gòn, ban đầu ông sống qua nhiều nghề như giữ xe đạp, quảng cáo cho gánh xiếc bán thuốc kiểu Sơn Đông mãi võ, kèm trẻ tư gia,… Giữa năm 1955, ông theo Đại Việt Duy Dân lên Ban Mê Thuột làm "cách mạng" (không phải là cách mạng theo ý nghĩa cách mạng cộng sản) được vài tháng rồi sau đó được người của tổ chức đưa xuống Long Xuyên dạy học ở các trường bán công Hòa Hảo, Kinh Dương, Nguyễn Trung Trực. Sau đó, ông đến Mỹ Tho mở các khóa học đàn guitar tại gia. Lên lại Sài Gòn năm 1960 học thi Tú tài và lập gia đình tháng 1 năm 1962.
Duyên Anh bắt đầu viết truyện ngắn và thơ đăng trên tờ Chỉ Đạo. Truyện đầu tiên đăng trên tập san này là Hoa Thiên Lý. Những bài thơ đầu tay cũng trên tạp chí Chỉ Đạo như Bà Mẹ Tây Ninh, Em Tôi,... đồng thời ông còn viết cho tờ Gió Nam của Liên đoàn công chức cách mạng quốc gia, sau đó làm việc tại Tổng nha thanh niên, biệt phái làm tại tòa soạn tờ Chiến Đấu, cơ quan ngôn luận của Thanh niên cộng hòa của cố vấn Ngô Đình Nhu cùng với nhà văn Tam Lang Vũ Đình Chí. Sau cùng, Duyên Anh trở về Tổng nha thanh niên làm việc ở sở Tuyên huấn.
Sau vụ “chỉnh lý” đầu năm 1964 xảy ra một thời gian sau vụ đảo chính Ngô Đình Diệm vào tháng 11 năm 1963, Duyên Anh cộng tác với nhật báo Xây Dựng của linh mục Nguyễn Quang Lãm. Từ thời điểm này Duyên Anh sống bằng ngòi bút và viết phiếm luận vì muốn đả phá bất công xã hội. Ông cũng viết cho nhật báo Tin Báo của Nguyễn Mạnh Côn là người đã khuyến khích giúp đỡ Duyên Anh ở bước đầu văn nghiệp. Năm 1968, Duyên Anh chủ trương tuần báo Búp Bê sau khi đã phụ trách trang Búp Bê cho nhật báo Công Luận. Sau đó, ông chủ trương các tuần báo Tuổi Ngọc (1969 - 1975) và Người (1970), tuần báo chuyên trào lộng chính trị, cũng như nhà xuất bản Tuổi Ngọc.
Từ sau năm 1971, ông giã từ nghề nhật báo vì nghĩ không thể trở thành ký giả chuyên nghiệp lý tưởng, rồi phận “con sên già lùi bước” khi cạn vốn đã phải biến tuần báo Tuổi Ngọc thành bán nguyệt san. Trước đó ông đã từng bị chế độ kiểm duyệt không cho viết tiếp các phóng sự Tiền Mẽo, Sến Việt trên báo Sống. Ông muốn trở lại làm nhà văn của tuổi thơ và của tình người trong không khí lãng mạn thuần túy của dân tộc như lời giới thiệu trong Nước Mắt Lưng Tròng. Những truyện đầu tay Duyên Anh đã viết trong hoàn cảnh xa quê nhà và nghèo khó, ông đã viết với “niềm xúc động thật tình”. Dù không thành công về số lượng sách bán được nhưng vài năm sau, tiểu thuyết của ông được tiêu thụ mạnh: Hoa Thiên Lý được tái bản nhiều lần và nhiều cuốn mỗi lần xuất bản in đến 5, 6 ngàn bản.
Sau năm 1975[]
Sau sự kiện 30 tháng 4 năm 1975, cùng với Doãn Quốc Sĩ, Dương Nghiễm Mậu, Nhã Ca, Phan Nhật Nam, Thanh Tâm Tuyền, Duyên Anh bị liệt danh là một trong 10 nghệ sĩ nêu danh là "những tên biệt kích của chủ nghĩa thực dân mới trên mặt trận văn hóa - tư tưởng" và tác phẩm bị cấm lưu hành. Ngày 8 tháng 4 năm 1976, Duyên Anh bị bắt đi tù cải tạo trong chiến dịch truy bắt văn nghệ sĩ miền Nam phát động tròn một năm sau biến cố Sài Gòn thất thủ. Sau khi ra khỏi trại cải tạo vào tháng 11 năm 1981, ông vượt biên đến Malaysia. Tháng 10 năm 1983, Duyên Anh sang định cư tại Pháp.
Năm 1985, ông bắt đầu cộng tác với tờ Ngày Nay và trở thành một trong những cây bút trụ cột của báo này. Năm 1986, Tô Văn Lai thực hiện Thúy Nga Video 10 - Giã Biệt Sài Gòn và Duyên Anh được chính nhà sáng lập trung tâm Thúy Nga mời viết lời diễn giải cho cuốn video này. Năm 1987, Duyên Anh cho xuất bản tập hồi ký đầu tiên mang tên Nhà Tù, viết lại khoảng thời gian bốn năm đầu tiên sống tại hải ngoại với những tác phẩm mới.
Sang năm 1992, trung tâm Thúy Nga lại mời ông thuyết minh cho cuốn video thứ 32 của trung tâm mang tên Mùa Xuân Nào Ta Về. Ông có ít nhất một lần sang Hoa Kỳ, và trong lần ghé thăm nước Mỹ đó, ông được gặp Trần Nhật Phong, khi đó đang định cư tại California và hai người trở thành anh em kết nghĩa.
Ngày 6 tháng 2 năm 1997, Duyên Anh trút hơi thở cuối cùng sau một thời gian chống chọi với bệnh xơ gan tại Paris, chưa đầy sáu tháng sau khi bước sang tuổi 61.
Post-mortem[]
Năm 2004, khi trung tâm Thúy Nga thực hiện chương trình Paris By Night 74 - Hoa Bướm Ngày Xưa, nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn có nhắc về câu chuyện nhạc sĩ Huỳnh Anh sáng tác ca khúc Sa Mạc Tuổi Trẻ vốn là bài hát được dành cho bộ phim cùng tên của đạo diễn Lê Dân, chuyển thể từ tác phẩm cùng tên của Duyên Anh, tuy nhiên vì Huỳnh Anh là người cẩn thận nên ông đã không viết kịp ca khúc này để làm nhạc phim.
Đồng thời một thời gian sau khi ông mất, tòa soạn báo Người Việt tại miền nam California đã khai thác lại các tác phẩm của cố nhà văn để bán mặc dù chưa có sự đồng ý của chính gia đình nhà văn mà trước đây Duyên Anh chưa từng liên lạc với tòa soạn này.[2]
Di sản để lại[]
Nhà văn Duyên Anh đã để lại cho hậu thế một lượng lớn các tác phẩm ở chủ đề tuổi trẻ và cuộc sống giang hồ tại miền Nam Việt Nam trước năm 1975, xếp theo thứ tự phát hành bao gồm:
- Hoa Thiên Lý (1963)
- Thằng Vũ (1965)
- Luật Hè Phố (1965)
- Điệu Ru Nước Mắt (1965)
- Dấu Chân Sỏi Đá (1966)
- Dũng Đakao (1966)
- Ảo Vọng Tuổi Trẻ (1967)
- Vết Thù Hằn Trên Lưng Con Ngựa Hoang (1967)
- Gấu Rừng (1967)
- Cỏ Non (1967)
- Bồn Lừa (1967)
- Nặng Nợ Giang Hồ (1968)
- Tuyển Truyện Tuổi Thơ (1968)
- Ngày Xưa Còn Bé (1968)
- Mây Mùa Thu (1968)
- Cầu Mơ (1969)
- Con Suối Ở Miền Đông (1969)
- Ánh Mắt Trông Theo (1969)
- Ánh Lửa Đêm Tù (1969)
- Trường Cũ (1969)
- Thằng Côn (1969)
- Tuyển Truyện Duyên Anh (1970)
- Mơ Thành Người Quang Trung (1970)
- Nhà Tôi (1970)
- Lứa Tuổi Thích Ô Mai (1970)
- Tuổi Mười Ba (1970)
- Mặt Trời Nhỏ (1970)
- Rồi Hết Chiến Tranh (1970)
- Chương Còm (1970)
- Đàn Bà (1970)
- Giặc Ô-Kê (1971)
- Kẻ Bị Xóa Tên Trong Sổ Bụi Đời (1971)
- Nước Mắt Lưng Tròng (1971)
- Châu Kool (1971)
- Áo Tiểu Thư (1971)
- Hưng Mập Phiêu Lưu (1971)
- Tên Một Loài Hoa Quê Hương (1971)
- Ngựa Chứng Trong Sân Trường (1971)
- Con Thúy (1971)
- Thằng Khoa (1972)
- Về Yêu Hoa Cúc (1972)
- Phượng Vĩ (1972)
- Thư Tình Trên Cát (1973)
- Đêm Thánh Vô Cùng (1973)
- Cám Ơn Em Đã Yêu Anh (1974)
- Bò Sữa Gặm Cỏ Cháy (1974)
- Sa Mạc Tuổi Trẻ (1974)
- Hạ Ơi (1974)
- Hôn Em (1974)
- Kỷ Niệm (1974)
- Cây Leo Hạnh Phúc (1974)
- Tháng Giêng Ngon Như Một Cặp Môi Gần (tháng 1 năm 1975)
Từ khi định cư tại Pháp vào năm 1983, ông đã sáng tác thêm những tác phẩm mới, bao gồm:
- Đồi Fanta
- La Colline De Fanta (Dịch Bản Tiếng Pháp)[3]
- Một Người Nga Ở Sài Gòn (1986)[4]
- Un Russe À Saïgon (dịch bản Tiếng Pháp)[3]
- Un Prisonner Américain Au Viêtnam[3]
- Thơ Tù (1984)[5][4]
- Em, Sài Gòn Và Paris
- Một Người Mang Tên Trần Văn Bá (1985)[4]
- Sỏi Đá Ngậm Ngùi (1985)[4]
- Bầy Sư Tử Lãng Mạn (1985)[4]
- Quán Trọ Trước Cổng Thiên Đường (1987)[4]
- Thơ Của Đàn Bà
- Nhánh Cỏ Mộng Mơ
- Động Lòng Chữ Nghĩa[6]
- Nhà Tù (1987)[7]
- Trại Tập Trung (1987)[7]
- Sài Gòn Ngày Dài Nhất[7]
- Nhìn Lại Những Bến Bờ[7]
Những nhạc phẩm do chính nhạc sĩ sáng tác sau khi tự mình học nhạc:
- Hôn Em Kỷ Niệm (1986)
- Ru Tình Ngất Ngây
Cộng tác với trung tâm Thúy Nga[]
STT | Tên chương trình đặc biệt | Mục đích xuất hiện |
---|---|---|
1 | Thúy Nga Video 10 - Giã Biệt Sài Gòn | Xuất hiện với vai trò thuyết minh. |
2 | Thúy Nga Video 32 - Mùa Xuân Nào Ta Về |
Thông tin bên lề[]
- Bút hiệu Duyên Anh là tên một bản nhạc của một người bạn cùng lớp, bút hiệu được dùng để nhớ người bạn còn ở lại miền Bắc sau năm 1954.[1]
Chú thích[]
- ↑ 1,0 1,1 https://nhacxua.vn/cuoc-doi-va-su-nghiep-cua-nha-van-duyen-anh-1935-1997/
- ↑ Chương trình đặc biệt của kênh TNP ngày 21 tháng 5 năm 2023: https://www.youtube.com/watch?v=_R5jFUiEHtM
- ↑ 3,0 3,1 3,2 Xuất bản bởi nhà xuất bản Belfond, Paris.
- ↑ 4,0 4,1 4,2 4,3 4,4 4,5 Xuất bản bởi nhà xuất bản Nam Á, Paris.
- ↑ Thơ.
- ↑ Đoản văn.
- ↑ 7,0 7,1 7,2 7,3 Hồi ký, xuất bản bởi nhà xuất bản Xuân Thu, Hoa Kỳ.