Thúy Nga - Paris By Night Encyclopedia
Thúy Nga - Paris By Night Encyclopedia

Đây là danh sách các định dạng sản phẩm được sử dụng bởi trung tâm Thúy Nga, bao gồm đặc tính kỹ thuật và mục đích sử dụng của trung tâm Thúy Nga đối với chúng.

CD[]

Đặc tính kỹ thuật[]

TNCD561-CD

Đĩa CD của album TNCD561 - Nét Đẹp Á Đông. Một đĩa CD được phát hành bởi trung tâm Thúy Nga thường hiển thị các thông tin cơ bản sau: logo hiện hành của trung tâm, mã đĩa "TNCDxxx", tên album và dòng chữ khẳng định bản quyền in ở viền đĩa.

Đĩa CD là một dụng cụ quang học có khả năng lưu trữ thông tin và được sử dụng chủ yếu vào mục đích thu âm và lưu trữ âm thanh đã được mã hóa dưới dạng kỹ thuật số. Đĩa CD làm bằng chất dẻo (nhựa polycarbonate), đường kính 4.75 inch (khoảng 12 cm), mặt trên được dùng để in tên đĩa hoặc artwork của album theo ý muốn của người thiết kế, mặt dưới là mặt ghi, nơi chứa dữ liệu của đĩa. Mặt ghi có diện tích 86.05 cm2, bao gồm một lớp polycarbonate chứa các rãnh siêu nhỏ chạy theo đường xoắn ốc từ trong ra ngoài, một lớp nhôm/vàng phản chiếu lại tia laser và một lớp mài bảo vệ lớp phản chiếu tia laser.

Để sử dụng đĩa CD cần phải có một thiết bị đọc đĩa chuyên biệt gồm động cơ điện mini dùng để xoay đĩa và mắt laser (mắt laser được sử dụng để đọc đĩa CD là tia bán hồng ngoại có bước sóng 780 nm) lắp trên một cartridge chuyển động tịnh tiến theo chiều ngang, thường được gọi là ổ đĩa CD, thường được tìm thấy trên các đầu đĩa CD.

Nguyên tắc hoạt động của ổ đĩa khi có mặt đĩa CD như sau:

  • Trong quá trình ghi âm, sóng âm thanh được chuyển đổi thành các tín hiệu điện tử. Tiếp theo, bộ phận kỹ thuật số sẽ chia các tín hiệu này thành 44,100 phân đoạn/mẫu trong mỗi giây âm thanh, mỗi phân đoạn dài 16 bit (quy trình này được gọi là sampling với tần số 44.1 kHz đối với định dạng CD), và tín hiệu này sẽ được "khắc" lên rãnh xoắn ốc siêu nhỏ trên đĩa theo trình tự từ trong ra ngoài.
  • Khi cho đĩa CD đã chứa dữ liệu vào ổ với mặt ghi tiếp xúc với mắt laser, động cơ điện mini sẽ xoay với tốc độ 500-600 vòng/phút và tia laser sẽ được bật sáng, phản chiếu trên lớp nhôm trong đĩa và quay trở lại mắt đọc, quét qua những rãnh siêu nhỏ chứa thông tin, bắt đầu từ các đoạn ngoài cùng của rãnh, theo thứ tự từ ngoài vào trong. Khi ấy, bộ mã hóa sẽ chuyển các tín hiệu dạng nhị phân (dạng dữ liệu biểu thị bằng số 0 và số 1) thu thập được từ mắt đọc đĩa sang dạng tín hiệu điện tử (một số đầu đĩa sẽ ngừng quay khi việc đọc dữ liệu hoàn tất và màn hình sẽ hiển thị số track và tổng thời lượng các track trong đĩa), và các tín hiệu điện tử sẽ được mạch DAC (Digital to Audio Converter) tái tạo thành dạng âm thanh trở lại một khi quá trình chạy đĩa bắt đầu.

Các đĩa CD thường có thời lượng thu âm tối đa là 74 hoặc 80 phút, tương đương với 650 MiB (mebibyte) hoặc 700 MiB dữ liệu có thể ghi được vào đĩa. Ngoài ra còn có các loại đĩa có thể ghi được tới 90 hoặc 99 phút âm thanh, tương ứng với 800 hoặc 900 MiB dữ liệu có thể ghi vào, và người ta có thể ghi được tối đa 99 đoạn âm thanh vào một đĩa CD mà không cần phải hạ thấp chất lượng của các bản thu âm nào được sử dụng (đó cũng chính là lý do các đầu đĩa thường chỉ hiển thị số đoạn âm thanh/track có trong đĩa bằng hai chữ số). Điều này chứng tỏ rằng một đĩa CD hoàn toàn có thể chứa được 99 track với tổng thời lượng lên đến 99 phút.[1]

Tuy nhiên, một số trường hợp sử dụng định dạng MP3 vốn tốn ít dung lượng hơn rất nhiều so với định dạng WAV để lưu trữ một số lượng lớn (trên 100) bài hát hoặc lưu trữ sách nói được sản xuất từ một tập tiểu thuyết/truyện dài nào đó, tuy nhiên, định dạng MP3 thường kém chất lượng hơn so với định dạng "audio CD".

Các loại đĩa CD được phân loại theo định dạng:

  • CD-DA (Compact Disc - Digital Audio): Loại đĩa CD chuyên biệt để lưu trữ âm thanh kỹ thuật số và chỉ có thể chứa dữ liệu âm thanh trong phần ghi của đĩa, là thủy tổ của các loại đĩa CD sau này.
  • SACD (Super Audio Compact Disc): Loại đĩa CD có chất lượng âm thanh cao hơn đĩa CD thông thường.
  • CD-Text: Loại đĩa CD mà ngoài chức năng ghi âm ra, còn có chức năng lưu trữ các thông tin dạng văn bản của các track (bao gồm tên, nhạc sĩ, tác giả, thời lượng,...)
  • CD-ROM (Compact Disc - Read-Only Memory): Loại đĩa CD có khả năng chứa được nhiều loại dữ liệu khác nhau, được chế tạo bằng cách dùng một chiếc khuôn ghi sẵn thông tin dữ liệu đã được mã hóa trên đó ép lên rãnh xoắn ốc trên mặt ghi của đĩa nhằm mục đích sản xuất hàng loạt. Đặc tính nổi bật của CD-ROM là chỉ có thể đọc được mà không thể chỉnh sửa hay xóa thông tin chứa trong nó.
  • CD-R (CD-Recordable): Loại đĩa CD tuân theo cơ chế WORM (write once, read many - nghĩa là ghi một lần và đọc nhiều lần). Điều này có nghĩa là, đĩa CD có thể được đọc tùy ý nhưng chỉ có thể ghi được một lần duy nhất, và thích hợp sử dụng nhất đối với các ổ đĩa chỉ có khả năng đọc.
  • CD-RW (CD-Rewritable): Loại đĩa CD có thể được ghi nhiều lần nhưng không thích hợp trên một số ổ đĩa chỉ có chức năng đọc.

Các track trong đĩa CD có thể được chia thành nhiều index (số nhiều: indices) nhằm mục đích giúp người nghe nhạc di chuyển tới những vị trí nhất định trong track đó. Để biết được một đĩa CD có index hay không, có thể sử dụng các loại đầu đĩa CD chuyên dụng có chức năng hiển thị số index trên màn hình. Cơ chế này được thể hiện rõ nhất thông qua cơ chế title - chapter của đĩa DVD.

Sử dụng bởi trung tâm Thúy Nga[]

CD là định dạng âm thanh mà trung tâm Thúy Nga sử dụng nhiều nhất để lưu trữ và phát hành âm nhạc và sách nói của nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn. Cho đến hiện nay, trung tâm Thúy Nga đã phát hành tổng cộng hơn 600 album (các album có mã đĩa là TNCD001, TNCD002,... đến TNCD621, số 075 đến 088, 091, 096, 188 và 241 không được tìm thấy) và là đại diện phát hành của 168 album và 92 album sách nói của nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn, tổng cộng là hơn 860 album đã và đang được bày bán trên trang web thuyngashop.com.

Hầu hết các CD do trung tâm Thúy Nga phát hành đều có thời lượng nằm trong khoảng từ 40 đến 60 phút và chứa trong đó từ 10 - 12 track (từ 9 bài trở xuống hoặc 13 bài trở lên là các trường hợp hiếm, và điều này cũng xảy ra tương tự với các album từ 61 hoặc 70 phút trở lên hoặc 40 phút trở xuống, nếu như tổng thời lượng vượt quá 74 phút thì trung tâm sẽ sử dụng đĩa loại 80 phút/700 MiB để thu hết toàn bộ các ca khúc), và trung tâm cũng đặt hàng đĩa từ tập đoàn Denon Digital Industries để sản xuất các album với định dạng này.[2] Riêng các album sách nói của nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn, một album như vậy thường có từ 1 đến 6 CD được đóng gói trong một vỏ, tương ứng với thời lượng từ 1 (hoặc dưới 1) đến 6 giờ đồng hồ của các câu chuyện.

Hầu hết các album mà trung tâm phát hành theo định dạng này đều chỉ có một đĩa trong một vỏ, có một số rất ít trường hợp phát hành hai đĩa trong cùng một album (ví dụ, hai album TNCD256 - Chân TìnhTNCD268 - Cây Đa Bến Cũ là hai album đầu tiên có hai CD trong cùng một vỏ). Không rõ các album dạng CD do trung tâm Thúy Nga phát hành có chia index ở một số các track nhất định như liên khúc hay không.

Giá bán của các album này thường không đổi với giá $8.95/album 1 đĩa. Riêng các album được thực hiện bởi Như Quỳnh sẽ có giá lên tới $9.95/album, và các album hai đĩa sẽ có giá lên tới $14.95/album. Tuy nhiên, nếu như các album cũ được phát hành trong đợt phát hành đầu tiên có giá trị lên tới $1000 trở lên dành cho những người chuyên sưu tầm.

Từ sau đại dịch COVID-19 kéo dài từ năm 2020 đến đầu năm 2022, trung tâm Thúy Nga phần lớn phát hành các sản phẩm album của họ trên định dạng trực tuyến/digital như Spotify, iTunes, Deezer,... nên việc phát hành album dưới định dạng vật lý thường có một câu chuyện đặc biệt nào đó đứng sau sự ra đời của chúng:

LP (đĩa nhựa, đĩa than long-play)[]

Đĩa nhựa/đĩa than (tiếng Anh: vinyl disc, vinyl record, gramophone, phonograph) là thiết bị lưu trữ âm thanh chuyên biệt, rất phổ biến vào thập niên 50, 60 của thế kỷ XX.

Đặc tính kỹ thuật[]

Đĩa nhựa được làm bằng poly-vinyl clorua (nhựa PVC). Phân loại theo đường kính, đĩa than gồm ba loại: loại 12 inch (30.48 cm), 10 inch (25.4 cm) và 7 inch (17.78 cm).

Phương thức ghi đĩa nhựa là ghi lên cả hai mặt của đĩa các rãnh với độ dập nổi khác nhau. Để đọc đĩa than cần phải sử dụng máy hát đĩa (tiếng Anh: turntable, có cách gọi khác là mâm đĩa than), và đĩa được đọc từ ngoài vào trong.

Máy hát đĩa thường được trang bị động cơ điện có khả năng quay với các tốc độ: 33.33, 45 hoặc 78 vòng/phút tùy vào loại đĩa được sử dụng và một công tắc chuyên dùng để điều chỉnh tốc độ. Phân loại theo đường kính và tốc độ quay niêm yết trên đĩa, có thể chia đĩa than thành ba loại chính:

  • LP (long play): sử dụng đĩa 12 inch và tốc độ quay chậm với 33.33 vòng/phút. Mỗi mặt đĩa có thể ghi được tối đa 22 - 24 phút. Trong trường hợp tín hiệu âm thanh đầu ra thấp, thời lượng tối đa có thể được nâng lên thêm vài phút nữa. Tuy nhiên, có một số trường hợp rất hiếm có mà thời lượng album được kéo dài tới mức vượt quá 25 hoặc 30 phút mỗi mặt, và album đĩa than dài nhất lịch sử có tổng thời lượng cả hai mặt lên tới 90 phút.
  • SP (single play - đĩa đơn): sử dụng đĩa 10 inch hoặc 7 inch và tốc độ quay nhanh với 78 vòng/phút. Mỗi mặt đĩa có thể ghi được tối đa 4 phút 30 giây, tương đương với thời lượng trung bình của một track nhạc bình thường.
  • EP (extended play): sử dụng đĩa 10 hoặc 7 inch với tốc độ quay tương đối với 45 vòng/phút hoặc chậm với 33.33 vòng/phút. Mỗi mặt đĩa có thể ghi được tối đa 12 phút (7 phút đối với đĩa 7 inch và tốc độ quay 33.33 vòng/phút).

Một bộ phận quan trọng khác của mâm đĩa than là kim đọc đĩa. Kim đọc đĩa được nối với tay cần, có thể vươn ra tới các đoạn rãnh xoắn ốc trong cùng của đĩa, có khối lượng và trọng lượng vừa phải sao cho kim đọc không gây ra áp lực quá nhiều hoặc quá ít lên đĩa. Kim đọc có nhiệm vụ ghi nhận những thông tin đọc được từ rãnh ghi của đĩa dưới dạng dao động cơ học và chuyển nó thành tín hiệu điện bằng nam châm/cuộn dây động và truyền tín hiệu đó tới phono box hoặc receiver (máy thu tín hiệu). Lúc này, phono box/receiver có nhiệm vụ nhận và khuếch đại tín hiệu đó lên thành tín hiệu âm thanh.

Đĩa than rất dễ bị ảnh hưởng bởi bụi bẩn và những vết trầy, xước vì chúng ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng âm thanh đầu ra, hoặc tệ hơn là làm cho chiếc đĩa đó không thể chơi nhạc được nữa, vì vậy cần có những biện pháp làm sạch đĩa định kỳ để tránh những hiện tượng không đáng có.

Sử dụng bởi trung tâm Thúy Nga[]

Năm 2019, trung tâm Thúy Nga phát hành các album đĩa than theo yêu cầu của khán - thính giả. Trong năm này, 8 album LP đã được phát hành. Mỗi album đều chỉ chứa 8 bài (4 bài ở mỗi mặt) và tổng thời lượng của mỗi đĩa thường dưới 44 phút. Trung tâm không phát hành album đôi (tức album chứa hai đĩa trong cùng một vỏ) đối với định dạng này. Đây là định dạng có đơn giá đắt nhất mà trung tâm Thúy Nga từng sử dụng để phát hành nhạc, với giá lên đến $49.95 cho một album như thế.

Trong chương trình Thúy Nga Music Box số 35, máy phonograph và đĩa than được sử dụng để giới thiệu chương trình.

Băng cassette[]

Đặc tính kỹ thuật[]

Băng cassette là một trong những định dạng âm thanh chuyên biệt phổ biến vào cuối thập niên 60 và xuyên suốt thập niên 70, 80 của thế kỉ XX.

Df288af84c3d7b87fd747fd4e0e52137

Các album cassette nhạc vàng và nhạc ngoại quốc được thu âm trước và sau năm 1975. Lưu ý rằng album TNCD013 - Nụ Hoa Nhỏ thực hiện bởi nữ ca sĩ Hương Lan (hộp băng ở hàng dưới cùng, vị trí thứ ba từ trái sang phải) cũng được thu trong dạng băng cassette bên cạnh dạng CD truyền thống.

Băng cassette lưu trữ thông tin âm thanh dưới dạng tín hiệu từ trường ghi trong hai cuộn dây băng có chiều rộng 3.8 mm nối liền nhau trong một vỏ băng bằng nhựa. Ban đầu dây băng chỉ có một loại và loại đó được tráng bằng hỗn hợp Fe2O3 (sắt (III) oxide, loại này được gọi là Type I), sau này còn có loại băng được tráng bằng Cr2O3 (chrome (III) oxide, loại này được gọi là Type II) hoặc hợp kim Fe-Cr (được gọi là Type III, loại này hiếm gặp hơn), riêng Type IV thì được tráng bởi kim loại (không phải là hợp chất oxide như Type I và II) và chất lượng âm thanh tốt hơn so với ba loại vừa nêu.

Để đọc được băng cassette, cần phải dùng các loại máy dùng để đọc những dữ liệu và phát âm thanh hoặc ghi âm lên băng cassette, được chia làm hai loại: máy cassette bỏ túi và máy cassette để bàn điều chỉnh loại băng bằng phương pháp thủ công (tape deck, loại này luôn luôn có chức năng ghi âm). Một máy cassette luôn bao gồm những bộ phận cơ khí như motor, dây cu-roa, nhông truyền động, bánh đá, mâm capstan... và một hệ thống xử lý âm thanh. Băng cassette chạy trong máy nghe nhạc với tốc độ trung bình 47,625 mm/s và những dữ liệu ghi trên băng được chuyển đổi thành âm thanh, và trị số này được quy định sẵn bởi các nhà sản xuất máy cassette và không thể thay đổi được bởi người sử dụng. Băng cassette ban đầu (toàn bộ dây băng được cuốn lại ở lõi băng bên trái khi nhìn từ mặt A) được quay bởi máy cassette từ trái sang phải đối với mặt A và ngược lại sau khi đã chạy hết mặt A và chuyển qua mặt B.

Tất cả các băng cassette đều có cơ chế chống ghi đè dữ liệu trên băng, thể hiện bằng hai rãnh ô vuông nhựa nhỏ ở hai bên góc bên trên cuộn băng tương ứng với hai mặt băng có thể tháo ra/phá vỡ được, trong đó có chứa một loại cần cảm ứng chống lại chức năng ghi âm trên máy đọc băng (nút RECORD hoặc REC (viết tắt của chữ RECORD) với dấu chấm tròn màu đỏ trên nút bấm).

Phân loại theo thời lượng băng, có thể chia băng cassette thành các loại sau:

  • C46: là loại băng cassette có thể ghi được tổng cộng 46 phút ở cả hai mặt (23 phút mỗi mặt). Độ dày dây băng tối đa là 16 micromet. Đây là loại băng phổ biến nhất, bên cạnh băng C60, C74 và C90 vì thời lượng tối đa của cuộn băng có thể được so sánh ngang bằng với thời lượng tối đa của một chiếc đĩa than LP.
  • C60: là loại băng cassette có thể ghi được tổng cộng 60 phút ở cả hai mặt (30 phút mỗi mặt). Chiều dài cuộn băng là 90 mét và độ dày dây băng là 15 micromet.
  • C74: là loại băng cassette có thể ghi được tổng cộng 74 phút ở cả hai mặt (37 phút mỗi mặt). Chiều dài dây băng nằm trong khoảng từ 100 - 110 mét. Đây là loại băng khá phổ biến khi đĩa CD ra đời vào năm 1982 (tại Nhật Bản) và năm 1983 (tại Mỹ và các nước châu Âu) vì cả băng C74 lẫn đĩa CD đều có thời lượng tối đa ngang bằng nhau, tuy nhiên sau này khi đĩa CD có phiên bản thời lượng tối đa 80 phút và sau đó nữa là 90 và 99 phút, nó đã vượt qua băng C74 về doanh số.
  • C90: là loại băng cassette có thể ghi được tổng cộng 90 phút ở cả hai mặt (45 phút mỗi mặt). Chiều dài cuộn băng là 129 - 135 mét và độ dày dây băng là khoảng 10 - 11 micromet.
  • C100: là loại băng cassette có thể ghi được tổng cộng 100 phút ở cả hai mặt (50 phút mỗi mặt). Loại băng này cũng có mức độ phổ biến không kém gì băng C74 và C90.
  • C120: là loại băng cassette có thể ghi được tổng cộng 120 phút ở cả hai mặt (60 phút mỗi mặt), gấp đôi băng C60. Độ dày dây băng chỉ có 6 micromet, khiến nó trở nên hiếm gặp vì dây băng dễ đứt.
  • C150: là loại băng cassette có thể ghi được tổng cộng 150 phút ở cả hai mặt (75 phút mỗi mặt). Loại này được sản xuất và phân phối độc quyền bởi hãng Maxell, thường chỉ xuất hiện ở thị trường Nhật Bản.
  • C180: là loại băng cassette có thể ghi được tổng cộng 180 phút ở cả hai mặt (90 phút mỗi mặt), gấp đôi băng C90. Độ dày dây băng thấp hơn giá trị 6 micromet của băng C120, khiến nó trở thành loại hiếm gặp nhất vì dây băng rất dễ đứt và hầu như không thể sử dụng, bảo quản được như các băng cassette bình thường.
  • Các loại khác kém phổ biến hơn/đắt tiền hơn gồm có:
    • C10, C15: thường được sử dụng để lưu trữ dữ liệu trong máy trả lời điện thoại - answering machine hoặc một số loại điện thoại để bàn có chức năng ghi âm cuộc gọi. Ngoài ra, nó còn được sử dụng để tạo các album cassette single (loại album mà chỉ có từ một đến ba, bốn ca khúc được thu vào cả hai mặt, tổng thời lượng thường không quá 10 phút).
    • C14: được phát triển bởi hãng Panasonic, chỉ có thể thu được tối đa 14 phút ở cả hai mặt (7 phút mỗi mặt), gần như tương tự với đĩa than SP và EP.
    • C20, C30 cho những việc ghi âm thời lượng ngắn.
    • C50, C54 cho những việc ghi âm thời lượng vừa phải, không phổ biến bằng băng C60.
    • C105, C110 vốn là tiền bối của băng C120 và C180.

Sau này, băng cassette còn có những biến thể khác như DCC (Digital Compact Cassette - băng cassette kỹ thuật số) và DAT (Digital Audio Tape - băng âm thanh kỹ thuật số) dùng để lưu trữ dữ liệu dạng kỹ thuật số, và chúng cũng yêu cầu các đầu đọc chuyên biệt, gần như khác hoàn toàn so với các loại băng cassette cơ học thông thường.

Một số bất lợi của máy cassette là hộp đựng băng từ cũng như hộp kết cấu chạy băng và đầu từ đều thường tiếp xúc với không khí nên dễ bị ảnh hưởng bởi bụi và độ ẩm, vì thế máy cassette cần phải được bảo dưỡng đều đặn (phần đầu từ không để bị oxy hóa bám bụi bẩn, cơ cấu các bánh xe trợ giúp không để bị kẹt hoặc bụi bẩn sẽ làm ảnh hưởng đến chất lượng góc tiếp xúc và tốc độ ổn định của băng từ với đầu từ). Ngoài ra băng từ nếu dùng nhiều sẽ xảy đến tình trạng máy "cắn băng" nếu bánh xe ép băng trong máy bị mòn. Được biết, nếu như để dây băng cassette tiếp xúc trực tiếp với nam châm thì cuộn băng đó sẽ không thể đọc được nữa.

Sử dụng bởi trung tâm Thúy Nga[]

Trung tâm Thúy Nga ban đầu (thành lập năm 1972 tại Sài Gòn) chuyên thu âm các album cassette hoặc băng cối và phân phối chúng trong nước. Về sau, khi trung tâm Thúy Nga được thành lập lại tại Paris, cơ sở này chuyên in sang các album băng cassette để đóng góp vào thu nhập của vợ chồng ông Tô Văn Lai và đóng góp vào vốn để thành lập một trung tâm Thúy Nga mới và thu hình chương trình Paris By Night đầu tiên. Trong hai thập niên 80 và 90, băng cassette được trung tâm phát hành song song với đĩa CD nhưng từ thập niên 2000 trở đi thì không còn được phát hành nữa.

Băng cối[]

Akai-635d

Máy chạy băng cối Akai GX-635D, một trong những máy chạy băng cối phổ biến nhất

Băng cối là một trong những hình thức thu âm phổ biến cổ điển nhất của Việt Nam nói riêng và cả thế giới nói chung.

Đặc tính kỹ thuật[]

Băng cối lưu giữ những tín hiệu âm thanh dưới dạng tín hiệu điện từ, tương tự như băng cassette, nhưng nó được gắn trên một thiết bị thu âm đặc biệt vì băng cối không có dạng hộp kín giống như băng cassette mà có dạng là một cuộn băng rời - để chạy băng cần phải nối dây băng từ một cuộn băng có dây với một trục băng rỗng sao cho dây băng chạy vào trong hộp cartridge ở bên dưới hai trục băng (nhằm mục đích thu nhận tín hiệu âm thanh) trước khi đầu dây được cố định vào trục rỗng.

Dây băng thường có chiều rộng là 1/4, 1/2, 1 hoặc 2 inch (tương đương với 6.35, 12.7, 25.4 và 50.8 mm), và khi được đặt vào máy để chạy, dây băng chạy với tốc độ tương ứng 3.75, 7.5, 15 hoặc 30 in/s. Dây băng quay càng chậm thì thời lượng tối đa càng được nâng lên, ví dụ: dây băng quay với tốc độ 15/16 in/s (2.38 cm/s) được sử dụng với mục đích thu âm chương trình phát thanh, trong khi tốc độ 15 in/s (38.1 cm/s) hoặc 30 in/s (76.2 cm/s) được sử dụng trong thu âm chuyên nghiệp. Từ năm 1955, băng cối cho phép thu âm từ nhiều nguồn khác nhau, tạo thành nhiều track và sau đó các track sẽ được lồng ghép với nhau tạo thành một bản ghi âm thanh hoàn chỉnh, và cách ghi âm này được gọi là multi-tracking.

Băng cối được cho là có độ trung thực cao (high fidelity) vì âm thanh được thu vào trực tiếp và hầu như không có một sự biến đổi nào về tín hiệu. Độ trung thực cao đồng nghĩa với việc kích thước lớn hơn, bất tiện hơn trong việc sử dụng cũng như giá cả đắt đỏ hơn.

Sử dụng bởi trung tâm Thúy Nga[]

Theo Marie Tô, Tô Văn Lai có một bộ sưu tập gồm những cuộn băng cối reel-to-reel và nó được trưng bày trong chương trình Thúy Nga Music Box số 35.

Trong chương trình nói trên, ba chiếc máy chạy băng cối có thể được nhìn thấy ở tường nền phòng thu chương trình này.

Trực tuyến/kỹ thuật số[]

Định dạng kỹ thuật số/trực tuyến là định dạng phát hành mới của trung tâm Thúy Nga, ít nhất từ thập niên 2010 đối với video và đầu thập niên 2020 đối với audio.

Định nghĩa & hoạt động[]

Định dạng trực tuyến ở đây được hiểu theo ý nghĩa "truyền tải nội dung đa phương tiện", trong tiếng Anh là "media streaming" hoặc "multimedia streaming", là sự dẫn truyền liên tục của một nội dung đa phương tiện nào đó từ máy chủ (server) đến máy trạm (client) trên một kênh dẫn truyền được gọi là "stream" (tiếng Anh nghĩa là "dòng chảy"), cho phép người dùng có thể xem những nội dung đó mà không cần phải tải về trước.

Đầu tiên, các file định dạng audio sẽ được nén lại thành dạng nhị phân được gọi là bitstream và được truyền đi trên Internet bằng các giao thức truyền thống như Realtime Messaging Protocol hoặc Realtime Transport Protocol được xây dựng và hoạt động dựa trên giao thức UDP (User Datagram Protocol, vốn là giao thức truyền dữ liệu qua mạng cho phép các tất cả các gói tin theo chuỗi chạy xuyên qua các thiết bị mạng như máy chủ, router hoặc switch mà không cần phải kiểm tra độ tin cậy nhằm mục đích tiết kiệm thời gian truyền tải), và khi nó tới được một client nào đó được chỉ định trong các gói mang những nội dung đó, client sẽ phải sử dụng phần mềm chuyên biệt để giải nén dữ liệu và tái tạo dữ liệu audio tại phương tiện phát của client (loa hoặc tai nghe).

Một nội dung đa phương tiện có thể được chuyển tải trực tiếp vào bộ nhớ vật lý của các server chịu trách nhiệm trong hệ thống hoặc bộ nhớ đám mây của dịch vụ chịu trách nhiệm truyền tải file từ trước như là những hình thức đăng tải file lên mạng hoặc được dẫn truyền theo thời gian thực (gọi là livestream).

Để có thể dẫn truyền dữ liệu âm thanh/hình ảnh một cách trọn vẹn qua mạng mà không gặp phải sự cố quá tải băng thông và đáp ứng điều kiện này cho hàng triệu người sử dụng dịch vụ cùng một lúc, các nhà phát triển sử dụng hình thức truyền tải multicast (nghĩa là các gói tin được gửi từ duy nhất 1 thiết bị đến nhiều thiết bị khác cùng một lúc) để thực hiện dẫn truyền dữ liệu. Bằng cách này, người ta có thể tiết kiệm băng thông mạng khi chỉ cần truyền một lượng dữ liệu trong một giây đúng bằng tốc độ mã hóa audio thành dạng nhị phân, ví dụ: Spotify có băng thông nằm trong khoảng 0.32 (đối với người dùng miễn phí) đến 0.64 Mbit/s (đối với người dùng Premium), nghĩa là tương đương với việc Spotify có thể dẫn truyền các file âm nhạc được mã hóa thành nhị phân với bitrate 320 kbps đến 640 kbps.

Sử dụng bởi trung tâm Thúy Nga[]

Trung tâm Thúy Nga sử dụng các nền tảng lưu trữ & truyền tải âm nhạc trực tuyến như Spotify, Apple Music, Deezers,... như là phương thức để lưu trữ các sản phẩm âm nhạc của trung tâm theo hình thức kỹ thuật số. Kể từ khi bắt đầu đại dịch COVID-19 năm 2020, trung tâm Thúy Nga chuyển hẳn sang việc phát hành những ca khúc từ các chương trình Paris By Night từ định dạng vật lý (CD) sang định dạng kỹ thuật số. Điều này đồng nghĩa với việc trung tâm chỉ phát hành CD trong những sự kiện hoặc dưới những điều kiện đặc biệt. Ngoài ra, các album truyện ma của Nguyễn Ngọc Ngạn được thực hiện thành các podcast.

Các album do trung tâm Thúy Nga đại diện phát hành không được trung tâm Thúy Nga đăng tải lên một cách trực tiếp mà phải thông qua những nhân vật đứng sau việc thực hiện album đó. Ngoài ra, một số bài nhạc nước ngoài từng được trung tâm Thúy Nga thực hiện trong các chương trình Paris By Night cũng không xuất hiện vì lý do bản quyền đến từ những nhà phát hành gốc.

Thông tin bên lề[]

  • Hai nhà sản xuất đầu tiên của đĩa CD, Sony và Philips, đã thỏa thuận rằng đĩa CD phải chứa được toàn bộ bản thu âm của Bản Giao Hưởng số 9 của Ludwig van Beethoven do đoàn giao hưởng của nhạc sĩ Wilhelm Furtwängler thực hiện năm 1951, do vậy nên ban đầu đĩa CD chỉ chứa được 74 phút âm thanh. Tuy nhiên, thời lượng tối đa ban đầu thực sự của đĩa CD chỉ có 72 phút nên bản thu âm nói trên không thể chứa được trong một đĩa cho đến năm 1997, một công nghệ âm thanh mới được phát triển, cho phép đĩa CD thu được đúng 74 phút.
  • Philips khẳng định rằng cái lỗ ở trung tâm đĩa CD được thiết kế với đường kính ngang bằng với đường kính của một đồng xu cổ Hà Lan (15 mm).
  • Những cá nhân/tổ chức đảm nhận việc thiết kế bìa CD cho trung tâm Thúy Nga bao gồm:
    • Ngọc Chấn (1988 - 1989)
    • East West Printing (1990 - 1992)
    • Trần Đình Thục (1992 - 1997, 2000 - 2002)
    • Danny De Vue (1997 - 1999)
    • Pisces Design (1999 - 2000)
    • Cung Đỗ & Linh Xuân (2003 - 2006)

Chú thích[]

  1. Youtuber VWestlife chứng minh khả năng thu 99 track nhạc với tổng thời lượng 99 phút 4 giây vào một đĩa CD: https://www.youtube.com/watch?v=KYz4HeF__zg
  2. https://www.youtube.com/watch?v=OlycunmA5OY