Audiobook 51 - Đêm Trong Căn Nhà Hoang là album sách nói thứ 51 do trung tâm Thúy Nga phát hành, đồng thời là một trong những tác phẩm của nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn. Album được đọc bởi Hồng Đào và tác giả.
Cốt truyện[]
Mở đầu[]
Nguyễn Ngọc Ngạn khẳng định rằng đó là câu chuyện có thật mà ông nghe từ một người cùng đi trên chuyến phà cuối năm đi từ Đức đến Thụy Điển, bác sĩ Vũ Xuân Lộc.
Câu chuyện của Lộc[]
Lộc tốt nghiệp y khoa và trở thành một bác sĩ tại Việt Nam. Ông tin vào khoa học và không tin vào những câu chuyện có sự mê tín, nhưng mẹ ông lại tin vào việc có ma tồn tại và có lần nhắc nhở con vì điều này. Sau khi tốt nghiệp, ông làm việc tại một bênh viện dân sự tỉnh và đó là lần đầu tiên ông trải nghiệm cảm giác kinh dị vì có ma.
Lộc đến thị xã và tìm được một căn nhà bỏ hoang đã khá lâu nhưng có cảnh trí tương đối đẹp, và ông dự định mua lại căn nhà đó để sau này mở phòng mạch. Người chủ nhận tiền, mở khóa rồi bỏ đi như chạy trốn. Ông tự hỏi rằng một căn nhà đẹp như thế này mà lại không ai mướn, rồi để ý là có nhiều người xung quanh hướng mắt về phía ông cùng căn nhà, ai cũng toát ra vẻ ngạc nhiên và sợ hãi. Lộc bước vào nhà, kiểm tra mọi đồ đạc và để ý gần phòng ngủ có một chiếc rương màu đen kì lạ mà ông định sẽ dọn hết đi cùng với mọi thứ để lấy chỗ cho việc để ghế cho bệnh nhân và dụng cụ y khoa. Mọi người xung quanh vẫn kéo đến để theo dõi căn nhà cũng như người mới dọn đến, ông bước ra tỏ vẻ thách thức để xua đuổi mọi người. Qua cuộc trò chuyện ngắn với bà cụ hàng xóm, Lộc biết được chủ nhà này có tiệm vải Kiến An ở chợ.
Cô gái áo trắng kỳ lạ[]
Đám người trong khu hàng xóm vẫn còn lảng vảng quanh mặt tiền căn nhà, và đột nhiên có người con gái mặc áo trắng bắt chuyện với Lộc. Cô gái này giải thích rằng căn nhà này lâu lắm rồi không có ai ở nên người ta hiếu kì. Lộc mời cô vào nhà, đưa mắt nhìn quanh và nói rằng nhà này đã bị bỏ hoang suốt 2 năm 8 tháng và không quên giới thiệu tên mình là Thanh Tâm. Ông tiếp tục hỏi rằng tại sao nhà này không ai ở, cô đáp lại rằng nhà này có ma nên không ai dọn đến. Nói chuyện một lúc, cô ra về sau khi thấy Lộc tự tin về quyết định mua căn nhà này.
Quét dọn xong, ông ra sau nhà rửa tay. Sau vườn có một thân cây cổ thụ đã chết khô, mục gốc từ lâu nhưng vẫn đứng vững, khi ông toan đi vào nhà thì cây bất ngờ ngã đổ xuống đường mương dù trời không gió. Vườn sau không có điện mà nhà vệ sinh lại ở sát đường mương, cách bếp hơn 100 thước nên khi ông ra ngoài mua đồ, ông đã mua thêm cây đèn pin, lúc trở về đã quá 9 giờ tối. Về đến nhà, ông định ngồi xuống viết thư gửi cho gia đình, viết được mấy dòng thì cảm thấy có một luồng gió lạnh sau lưng và có ai đó đang nhìn mình, báo hiệu rằng một đêm kinh dị đã bắt đầu.
Đầu đêm[]
Nhớ đến lời nói của Thanh Tâm lúc chiều, Lộc nghĩ rằng căn nhà này đang chứa đựng điều bí ẩn gì đó chưa được tìm thấy mà lại khiến cho cả xóm run sợ bởi mọi người đã kéo đến căn nhà này từ khi thấy có người dọn vào, và Thanh Tâm cũng không ngẫu nhiên mà lại xuất hiện tại đây mà cảnh báo cho Lộc biết nhà này có ma. Ông quay người ra sau, không có ai ngoài cái ghế sa lông và bàn thờ, ông tiếp tục viết thư nhưng lần này lại có tiếng kêu rất lạ: tiếng người sắp chết đuối, tiếng người kêu cứu, tiếng nước chảy,... tiếp theo là tiếng kêu rin rít như móng tay cào vào sàn gỗ, nhưng chẳng có gì. Bật hết đèn trong nhà, ông vẫn nghĩ rằng không có ma vì không nhìn thấy gì kì lạ.
Những âm thanh kì lạ được tiếp nối bởi tiếng mèo kêu và trẻ con khóc, rồi trở lại im bặt. Lộc nhớ lại cử chỉ dáo dác và hành động chạy vụt đi sau khi nhận tiền từ ông mà ông không để ý. Trong lúc ấy, tiếng móng tay cào trên gỗ lớn dần. Ông kinh hãi khi thấy chiếc rương có những ngón tay thò ra như muốn bật nắp hòm lên. Nắp hòm vẫn đóng chặt khiến ông nghĩ rằng cảnh tượng vừa rồi là do trí tưởng tượng của mình tạo ra, nhưng ông vẫn đặt giả thuyết cho rằng trong hòm có người chết đã lâu mà nay chỉ còn lại bộ xương khô - từ từ tháo ổ khóa ra và mở rương lên, chiếc rương không có gì cả, mấy ngón tay thò ra chỉ là ảo giác nhưng có luồng gió mạnh phả thẳng vào mặt ông, hàng loạt bóng đèn trong nhà vụt tắt, con mèo từ nóc tủ lao xuống kêu thét lên trước khi biến mất vào gầm giường. Đóng nắp hòm lại, đèn trong nhà sáng lại như cũ. Sau những hiện tượng không giải thích được, Lộc ngờ ngợ tin rằng nhà này quả thực là có ma, định bụng tìm gặp cô gái ban chiều để hỏi về đầu đuôi câu chuyện về căn nhà này.
Giữa đêm[]
Ông xuống nhà uống nước rồi trở lại phòng ngủ, toan mở nắp hòm lần thứ hai để xem đèn trong nhà có lại vụt tắt nữa hay không, nhưng lưỡng lự một lúc rồi lại thôi. Đã quá nửa đêm, không gian hoàn toàn tĩnh lặng, chỉ có tiếng gió bên ngoài. Khi đang viết tiếp thư thì chợt có làn hơi lạnh thổi qua gáy làm ông giật mình lần nữa, đồng thời lại có tiếng cào móng tay trên nền gỗ. Quay người lại, ông lại giật thót người vì nắp hòm dịch lên một chút và có bàn tay thò ra, những ngón tay ngo ngoe như vẫy gọi rồi biến mất. Lộc liên tưởng đến câu chuyện của tác giả Thế Lữ: một người có âm mưu giết bạn mình để lấy gia tài, bạn chưa chết nhưng đã cho vào hòm, đóng đinh lại, người bên trong vùng vẫy, bật nắp hòm lên, chui ra giết lại người bạn phản phúc rồi nhét lại vào chính cái hòm đó - từ liên tưởng đó, ông hình dung ra cảnh giết người tương tự, nghĩ rằng cái hòm kia đã từng đựng xác ai đó và có oan hồn hiện ra, khiến nhiều người không ai dám ở trong căn nhà này - ông định hôm sau sẽ vứt cái hòm đi, rồi đi xin lễ nhà thờ và gọi linh mục đến trừ tà.
Bây giờ ông đã không thể viết nổi vì trí óc bị chi phối bởi hình ảnh chiếc rương có bàn tay thò ra. Ông lên giường ngủ sớm và coi như không có cái rương kia, nhưng nhà ngoài lại có tiếng cào móng tay lớn dần. Vẫn nghĩ rằng có người chết thảm trong chiếc rương, ông ngồi dậy, lẩm nhẩm câu kinh rồi lại nằm xuống. Tiếng cào lại tiếp diễn và ông quyết định mang cái hòm ra ngoài. Hòm tuy rỗng nhưng rất nặng, nửa giờ sau mới có thể mang ra hiên, ông cài then cửa cẩn thận và trở lại phòng ngủ. Tuy nhiên, lại có tiếng cửa mở và vẫn có cả tiếng cào bên tai, Lộc xuống nhà và nhận ra cửa chính mở toang và chiếc hòm nằm ngay giữa phòng khách. Ông mang hòm trở lại vị trí cũ vì tin rằng hồn ma không muốn rời khỏi nhà.
Tìm trên nóc tủ mấy cây nhang thắp cho người đã khuất, nhận ra nhà không có cây nhang nào ngoài một khung hình lật úp. Ông tò mò giở lên, thổi bỏ lóp bụi trên kính và soi đèn vào thì thấy người trong hình là Thanh Tâm, tức cô gái đến thăm ông lúc chiều. Lộc lau hết tấm di ảnh và đặt lại ngay ngắn, quỳ trước bàn thờ đọc kinh cầu nguyện, suy luận về mọi thứ - cô gái mới còn trẻ mà đã gặp thảm họa, bị nhốt trong chiếc rương đen để rồi bị đem đi chôn sống. Trở lại chiếc hòm, ông bật đèn, mở hòm rọi thật kĩ từng chi tiết bên trong - quả nhiên trong đó có những vết máu. Ông lẩm nhẩm rằng ông đã hiểu ra mọi thứ, nói lời giã biệt với cô gái xấu số rồi lên giường ngủ, và mọi thứ hoàn toàn tĩnh lặng, yên bình cho đến khi trời sáng.
Giải quyết mọi chuyện với chủ cũ của căn nhà[]
Trở lại thực tại, Nguyễn Ngọc Ngạn hỏi dồn bác sĩ Lộc rằng cô gái nọ có về thăm ông lần nào không, ông chưa trả lời vội vì còn lấy cà phê và cố định chỗ ngồi vì tàu còn lắc lư. Lúc này tàu còn khoảng một tiếng rưỡi nữa sẽ cập bến, và ông chỉ tiếp tục câu chuyện khi được nhà văn hỏi lần thứ hai.
Ông thức dậy khi mặt trời đã lên cao, nhớ lại mọi chuyện. Xuống dưới nhà nhìn lên nóc tủ, ông có hơi tiếc nuối cho cuộc đời của cô gái trẻ nhưng phải gác lại vì sáng nay ông phải trình diện trên bệnh viện. Ngoài đường, cả chục người đến trước cổng nhà soi mói đều ngạc nhiên khi thấy ông bước ra mà không có biểu cảm gì tiêu cực - bà hàng xóm đã thấy những người thuê nhà trước đó, hoặc tung cửa chạy ra ngoài, hoặc sợ hãi vội yêu cầu trả lại nhà và hoàn tiền. Giám đốc bệnh viện cho phép ông nghỉ thêm một ngày để sắp xếp chỗ ở và ông sẽ bắt đầu đi làm vào tối hôm sau để trực thay cho một đồng nghiệp bất ngờ xin nghỉ để về Sài Gòn lo việc gấp, ông tìm đến tiệm vải Kiến An vốn là chủ cũ của căn nhà.
Bà chủ thấy Lộc thì giật mình sợ hãi, tưởng ông đến mắng vốn bà vì không cho bà biết là nhà có ma, nhưng Lộc vẫn giữ vẻ điềm tĩnh và bắt đầu bằng việc hỏi về Thanh Tâm có quan hệ gì với chủ tiệm. Bà Kiến An bật khóc bảo rằng bà là mẹ của cô gái xấu số nọ - có hai tên trộm đột nhập vào nhà lúc cả nhà đi vắng, khi Thanh Tâm đi chợ về thì phát hiện có trộm, chúng đánh cô gái bất tỉnh nhét vào trong rương, khi cô tỉnh lại và gào thét thì chúng lại dùng búa đánh vào đầu khiến cô gái tử vong tại chỗ. Ông dừng câu chuyện của bà và tỏ vẻ cảm thông vì không muốn bà thêm nức nở vì câu chuyện bi thảm của Thanh Tâm, rồi khẳng định rằng không ai kể chuyện này mà tối đó ông đã gặp cô. Ông đề nghị bà chôn cái hòm mà không đốt nó, mời thầy về cầu siêu đồng thời chính ông xin lễ nhà thờ và ông sẽ ở lại căn nhà này. Mọi chuyện được giải quyết một cách êm xuôi bằng đám tang của nhà bà Kiến An chôn chiếc hòm rỗng.
Kết cục[]
Đêm hôm sau, Lộc chính thức nhập việc tại bệnh viện rồi trở về phòng trực viết tiếp lá thư gửi mẹ, nhưng lần này kể thêm câu chuyện về oan hồn trong căn nhà. Ông đọc lại bài báo của ba năm trước có viết về cái chết của Thanh Tâm. Đã quá nửa đêm, sân bệnh viện không còn bóng người, khi ông ra ngoài hít thở không khí và trở lại phòng viết tiếp lá thư thì có một cô y tá gọi ông ngoài hành lang, nhắc rằng khoa nội có bệnh nhân vừa mới mất, nhờ ông xác nhận để chuyển vào nhà xác. Ông đến khu nội khoa, dãy A, giường số 37 theo lời cô y tá nọ, giở tấm khăn ra thì gương mặt của người đã chết chính là gương mặt của người thiếu nữ mặc đồ y tá kia đã tìm đến phòng trực gọi ông.
Nhân vật[]
Nhân vật chính[]
- Vũ Xuân Lộc: nhân vật chính của câu chuyện, tốt nghiệp y khoa và trở thành bác sĩ, là người ương ngạnh, không tin vào sự tồn tại của ma quỷ. Có gia đình tại Sài Gòn nhưng sau này chính ông chuyển vào thị xã sinh sống và làm việc.
- Nguyễn Thị Thanh Tâm (1951 - 1970): cô gái áo trắng bí ẩn tiếp cận Lộc vào buổi chiều sau khi Lộc đã dọn vào ở trong căn nhà hoang và tiết lộ rằng nhà này có ma, sau này chính Lộc khám phá ra rằng cái bàn thờ trong nhà được dựng lên để dành cho cô gái này, và cô chết vì bị sát hại trong chiếc rương đen trong nhà.
Nhân vật hỗ trợ[]
- Bà cụ hàng xóm: một người sống gần căn nhà bỏ hoang, và cũng là người cho Lộc biết chủ căn nhà có tiệm vải Kiến An ở chợ.
- Bà Kiến An: chủ tiệm vải Kiến An trong khu chợ địa phương, và là mẹ của Thanh Tâm.
- Y tá: xuất hiện ở cuối truyện, báo cho bác sĩ Lộc biết về việc có bệnh nhân vừa chết ở giường bệnh số 37, khu A, khoa nội. Sau này gương mặt của người chết chính là gương mặt của người y tá.
Chuyển thể thành phim[]
Tác phẩm này đã được trung tâm Thúy Nga dựng thành phim với Huỳnh Thi thủ vai chính là bác sĩ Lộc lúc trẻ, Nguyễn Ngọc Ngạn thủ vai người dẫn chuyện. Phim được thực hiện vào năm 2007 bởi đạo diễn Nguyễn Khanh và được đăng tải trên YouTube vào ngày 2 tháng 11 năm 2017.[1]
Nhân viên làm phim[]
- Giám đốc sản xuất: Marie Tô - Paul Huỳnh
- Đạo diễn & kịch bản: Nguyễn Khanh
- Quay phim & ánh sáng: Văn Phú Gia
- Thiết kế & dàn dựng: Andy Phạm
- Phụ tá đạo diễn: Phạm Thanh Ân
- Dựng phim: Kenneth Nguyễn
- Trang điễm: Nhật Bình, Gordon Bành, Travis Vũ, Mona Lisa Nguyễn, Vũ Hương
- Chuyên viên làm phim: Dương Thắng, Chiêm Vĩnh Giáp, Nguyễn Lưu, Phạm Thanh Phước, Nick Ngô
- Hình ảnh xe lam: Hoàng Tuấn Cường
- Hướng dẫn thiếu nhi: Amy Phương Lê
- Kỹ xảo âm thanh: KMN Sound Lab
- Giám sát âm thanh: John Tomlinson
- Thu âm: Hồ Dzương, Nguyễn Nhân
- Trang phục & thiết bị: Phiêu Lưu, Ngô Cang Triệu
- Ảnh bìa: Đỗ Cung
- Nhiếp ảnh: Huy Khiêm
- Âm thanh quảng cáo: Nguyễn Nhân
Diễn viên[]
- Huỳnh Thi - bác sĩ Lộc
- Mona Lisa Nguyễn - Thanh Tâm
- Ngọc Đan Thanh - mẹ bác sĩ Lộc
- Nguyễn Ngọc Ngạn - người kể chuyện
- Nguyễn Đức Tín - bé Lộc
- Kevin Phan - bé Tuấn
- Văn Phú - du đãng
- Nguyễn Phiêu Lưu - ông Năm/người kéo hòm
- Dương Quốc Thắng - dị nhân
- Vũ Quang - thầy pháp
- Nguyễn Thị Hương - bà cụ giặt đồ
- Nguyễn Thị Hoa - bà Tư
- Đào Liên - bà Ba
- Huyền Trâm - y tá/xác bệnh nhân giường số 37
- Chu Anh Mây - con gái ông Năm/hồn ma 1
- Caroline Nguyễn - hồn ma 2
- Phạm Thị Khương - bà mẹ bế con
- Tracy Chu - em bé
- Huỳnh Duy, Steven Lê, Brandon Hồng, Eric Huỳnh, Timothy Nguyễn - các bé trai
- Thanh Thư - giọng nói Thanh Tâm
- Chiêm Vĩnh Giáp - sĩ quan cảnh sát
- Nguyễn Minh Long - cảnh sát viên
- Mimi Nguyễn - y tá
- Nick Wong - bệnh nhân
- Trần Nhi, Nancy Lê, Nguyễn Tuyết Hạnh, Nguyễn Tuyết Mai, Christine Nguyễn, Christopher Nguyễn - hàng xóm
Thông tin bên lề[]
- Âm thanh tượng trưng cho tiếng móng tay cào vào mặt gỗ trong audiobook được biểu thị bằng tiếng đánh tia lửa điện.
- Âm thanh dùng để mô tả không gian tĩnh lặng vào ban đêm là bản sonata Ánh Trăng của nhạc sĩ Ludwig van Beethoven.